Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa họp Hội nghị lần thứ sáu để thảo luận, cho ý kiến và quyết định về nhiều nội dung quan trọng của đất nước, trong đó có việc tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Không ngừng nỗ lực phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã đề ra nhiệm vụ: "Đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa" trên cơ sở đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong hơn 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm vừa qua (2011-2021), toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu, không ngừng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đạt bình quân 6,17%/năm, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực với tỉ trọng đóng góp của công nghiệp và dịch vụ vào GDP đạt khoảng 72,7% năm 2020, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, chúng ta vẫn chưa thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Các đột phá chiến lược chưa có sự bứt phá. Tăng trưởng kinh tế không đạt được mục tiêu chiến lược đề ra, tốc độ có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm. Nội lực của nền kinh tế còn yếu; năng lực độc lập, tự chủ thấp, còn phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Năng suất lao động thấp và chậm được cải thiện. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; doanh nghiệp nhà nước còn nhiều hạn chế. Quá trình đô thị hóa cũng chưa đồng bộ, chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới. Các vấn đề về phát triển văn hóa, xã hội, con người, bảo vệ môi trường cũng còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đồng bộ với phát triển kinh tế,...

Chính vì vậy, Đại hội XIII của Đảng đã xác định: Trong bối cảnh mới, để thực hiện được mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam "Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao", đến năm 2045 "Trở thành nước phát triển, thu nhập cao", cần phải "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo".

Để quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thời gian qua, Bộ Chính trị đã ráo riết chỉ đạo Ban Kinh tế Trung ương chủ trì cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổng kết lý luận và thực tiễn, nghiên cứu xây dựng Đề án trình Trung ương tại Hội nghị lần này xem xét, ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là một công việc rất cơ bản, phạm vi rất rộng lớn, tính chất hết sức phức tạp, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, hiện vẫn còn những vấn đề chưa thật rõ và không ít những ý kiến khác nhau, nhất là trong bối cảnh, tình hình trong nước và thế giới đã, đang và sẽ có nhiều thay đổi dưới tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là "nền tảng của công nghiệp hóa - hiện đại hóa

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá, Đề án "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã được chuẩn bị công phu, khoa học, có tính lý luận và thực tiễn cao, nội dung bao quát rộng, đầy đủ.

Đề án đã kế thừa và phát triển nền tảng tư tưởng về đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như đã nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Có thể nói, bối cảnh trong nước và quốc tế cho thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khác so với những giai đoạn trước. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quá trình chuyển đổi số đang diễn biến rất nhanh, có tính đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu, làm thay đổi căn bản tư duy về công nghiệp hóa - hiện đại hóa, làm chuyển đổi căn bản và toàn diện các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nói chung.

Bộ trưởng bày tỏ đồng tình với các quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ nêu trong Đề án, trong đó, vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được coi trọng và nhấn mạnh khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là "nền tảng của công nghiệp hóa - hiện đại hóa."

Thực tiễn của công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa khẳng định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có những đóng góp quan trọng trong thành tựu phát triển chung của đất nước.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam (GII) trong 10 năm gần đây có xu hướng tăng. Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 48/132 quốc gia, đứng thứ 2 trong số 36 quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp được xếp hạng, đứng thứ 4 trong ASEAN.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam bắt đầu được hình thành và phát triển nhanh, đưa Việt Nam trở thành quốc gia năng động thứ 3 trong Đông Nam Á về khởi nghiệp sáng tạo.

Bên cạnh đó, số lượng bài báo, công trình khoa học được công bố tăng dần trên các tập chí quốc tế ISI, Scopus.

Giai đoạn 2016 - 2020, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam tăng trung bình 20%, riêng năm 2020, số công bố quốc tế tăng tới 40% so với năm 2019 và giữ thứ hạng cao trong khu vực ASEAN.

Theo đánh giá của Tổ chức năng suất châu Á (APO), giai đoạn từ 2010-2019, Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có tốc độ tăng TFP dương và thuộc nhóm các nước tăng TFP cao nhất. Năm 2021, TFP ước tính đóng góp khoảng 37% vào tăng trưởng kinh tế.

Đáng chú ý, khoa học công nghệ ứng dụng đã mang lại những kết quả tích cực mà có thể được thấy qua trình độ công nghệ nước ta có những bước tiến rõ nét.

Khoa học và công nghệ ngày càng đóng góp nhiều vào giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa với trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi...

Hoạt động khoa học và công nghệ liên tục được đổi mới, thúc đẩy và có mặt ở tất cả các khâu trong quá trình sản xuất của các ngành, lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, xây dựng.

Xuân Quý, Thục Anh, Hữu Hải