Nguồn tin của Bloomberg tiết lộ, Nvidia đã thông báo với các đối tác rằng họ không kỳ vọng thương vụ có thể hoàn tất. Trong khi đó, SoftBank cũng đang chuẩn bị để ARM phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) như một phương án thay thế.

{keywords}
(Ảnh: Bloomberg)

Khi Nvidia tuyên bố mua ARM vào tháng 9/2020 với giá 40 tỷ USD, nhiều người nhận xét đây là thương vụ thâu tóm bán dẫn lớn nhất lịch sử. Tuy nhiên, giao dịch nhanh chóng nhận phản ứng dữ dội từ các nhà chức trách và các bên liên quan trong ngành công nghiệp chip, bao gồm cả những khách hàng của ARM. Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đệ đơn kiện để ngăn chặn thương vụ với lý do Nvidia sẽ trở nên quá quyền lực nếu kiểm soát các thiết kế chip của ARM.

Thương vụ cũng bị phản đối tại Trung Quốc, nơi các nhà chức trách thiên về hướng ngăn chặn nếu một nước nào đó chấp nhận. Theo nguồn tin, ban lãnh đạo Nvidia và ARM vẫn đang khiếu nại vụ việc lên các cơ quan quản lý và chưa có quyết định nào được đưa ra. Trước công chúng, hai bên vẫn duy trì cam kết đối với vụ mua bán.

Người phát ngôn Nvidia khẳng định giao dịch sẽ mang đến cơ hội để thúc đẩy ARM và tăng cường cạnh tranh, đổi mới. Phát ngôn viên SoftBank cũng bày tỏ mong muốn thương vụ sẽ được phê duyệt.

Nếu Nvidia thành công mua được ARM, đây sẽ là khoảnh khắc trọng đại với CEO Jensen Huang, người đã xây dựng một doanh nghiệp card đồ họa nhỏ bé thành một đế chế bán dẫn. Hiện tại, ông đang nắm trong tay công ty bán dẫn lớn nhất nước Mỹ với vốn hóa hơn nửa nghìn tỷ USD. Song, đây sẽ là cuộc chiến không dễ dàng. Năm 2018, Qualcomm cũng phải rút lui khỏi thương vụ thâu tóm NXP Semiconductors trị giá 44 tỷ USD sau gần 2 năm gặp trở ngại pháp lý.

Việc mua lại ARM bị giám sát chặt chẽ do các thiết kế chip của ARM xuất hiện trong mọi thứ, từ điện thoại đến xe hơi, trang thiết bị nhà máy. Trung lập là nền tảng kinh doanh của nhà thiết kế chip đến từ Anh. Những doanh nghiệp công nghệ lớn nhất thế giới đều phụ thuộc vào ARM, họ lo ngại sẽ mất tính trung lập khi ARM nắm dưới quyền kiểm soát của Nvidia.

Điều đó dẫn đến hàng loạt “ông lớn” chống lại thương vụ. Một nhóm bao gồm Qualcomm, Microsoft, Intel, Amazon đã cung cấp bằng chứng cho các nhà chức trách toàn cầu để khai tử giao dịch, theo nguồn tin. Họ cho rằng Nvidia không thể duy trì tính trung lập của ARM vì bản thân Nvidia cũng là khách hàng của ARM. Nvidia đang cạnh tranh với Intel trong thị trường chip máy chủ và cung cấp chip cho dịch vụ đám mây Amazon, Microsoft. Như vậy, Nvidia vừa là đối tác, vừa là địch thủ của họ.

Ngoài Mỹ và Trung Quốc, Nvidia và ARM còn phải qua được cơ quan quản lý châu Âu và Anh. Tại Trung Quốc, dường như rất khó để có được cái “gật đầu” của nhà chức trách khi căng thẳng Mỹ - Trung đang leo thang. Mỹ đã tìm cách ngăn chặn ngành bán dẫn Trung Quốc tiếp cận công nghệ mới nhất, trong khi nhiều công ty chip nước này lại là khách hàng của ARM. Do đó, Bắc Kinh có thêm lý do để không cho ARM lọt vào tay của Mỹ.

Dù thương vụ thành công hay không, SoftBank và ARM vẫn có trong tay 2 tỷ USD của Nvidia theo hợp đồng.

Du Lam (Theo Bloomberg)