Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giầy Việt Nam được Thủ tướng ban hành là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của 2 ngành này.
Theo định hướng của Chiến lược, ngành dệt may- da giày cần phát triển theo hướng chuyên môn hoá, hiện đại hóa; cải thiện cơ cấu sản phẩm, tập trung phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao sức cạnh tranh của ngành dệt may- da giày Việt Nam.
Ngành dệt may- da giày cần đẩy mạnh chuyển từ gia công sản xuất sang các hình thức đòi hỏi năng lực cao hơn về quản lý chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, thiết kế và xây dựng thương hiệu trên cơ sở công nghệ phù hợp đến hiện đại gắn với hệ thống quản lý chất lượng, quản lý lao động và bảo vệ môi trường theo chuẩn mực quốc tế.
Trong đó, thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may- da giày; chú trọng đến sản xuất vải, vải nhân tạo, da thuộc, khuyến khích sản xuất vải từ sợi sản xuất trong nước nhằm giảm nhập khẩu, tác động tích cực đến mối liên kết, hình thành chuỗi giá trị và cung ứng hoàn chỉnh trong ngành dệt may- da giày đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như đẩy mạnh quá trình nội địa hóa, cải thiện và giảm nhanh khoảng cách chênh lệch về trình độ và năng suất với các nước có nền kinh tế phát triển cao hơn.
Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (năng lực nghiên cứu, thiết kế, kỹ thuật, công nghệ, quản lý) nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Chiến lược cũng đưa ra định hướng phát triển cho từng ngành, lĩnh vực từ phát triển thời trang cho đến các lĩnh vực công nghệ, sản xuất, thị trường, phát triển khu công nghiệp...
Trong đó, về sản xuất, đối với lĩnh vực ngành dệt (bao gồm xơ sợi, dệt, nhuộm và hoàn tất vải), Chiến lược nêu rõ cần phát triển sản xuất các loại xơ sợi tổng hợp, xơ sợi chức năng, xơ sợi nguyên liệu mới, thân thiện môi trường, sợi chỉ số cao, chất lượng cao,… đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, giảm dần nhập khẩu. Đầu tư phát triển mạnh các mặt hàng vải dệt kim, vải dệt thoi, vải kỹ thuật.
Đối với ngành may, lựa chọn phát triển những mặt hàng chiến lược có uy tín trên thị trường, tăng dần tỷ trọng các sản phẩm chất lượng cao; tập trung vào đầu tư đổi mới công nghệ ở các khâu quyết định như khâu cắt vải tự động, thiết kế mẫu mới, hoàn thiện chu trình may để tăng năng suất lao động và đa dạng hóa sản phẩm.
Đối với ngành da giầy, chuyển dịch từ sản xuất sản phẩm truyền thống sang sản xuất các sản phẩm trung và cao cấp, các loại giầy da, túi xách thông dụng và thời trang. Đối với các sản phẩm phục vụ nhu cầu nội địa, tập trung mạnh hơn vào phát triển mẫu mốt thời trang, nghiên cứu ứng dụng nguyên liệu mới, quan tâm tới nghiên cứu nhu cầu thị trường.
Hiện nay, ngành dệt may- da giày của Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào thị trường nước ngoài. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam đạt 37,6 tỷ USD, tăng 14,7% so với năm 2021. Hàng may mặc xuất khẩu chủ yếu là áo jacket, áo thun và quần đều có tăng trưởng mạnh so với năm 2021. Xuất khẩu các chủng loại hàng như jackets, quần áo vest, áo sơ mi... là các mặt hàng giảm trong giai đoạn Covid-19 đã tăng mạnh và hồi phục trở lại gần với giai đoạn trước dịch.
Với ngành da giày, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 28,0 tỷ USD, tăng 34,8% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu giày dép đạt 23,9 tỷ USD, tăng 34,6%, chiếm tỷ trọng 85,5% trên tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành và 6,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng túi xách, vali, mũ ô dù đạt 4,1 tỷ USD, tăng 35,6% và chiếm tỷ trọng 14,5% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Nhập khẩu các nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da giày của Việt Nam đều có mức tăng so với năm 2021. Trong năm 2022, nhập nguyên phụ liệu cho 2 ngành này đạt khoảng 6,7 tỷ USD tăng 6,5% so với năm 2021, trong đó, nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 3,37 tỷ USD, tăng 8% so với năm trước và bằng 50,6% tổng nhập khẩu mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da giày cả nước.
Băng Dương