Chiều 5/8, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, báo chí đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa thiệt hại đối với tình trạng sạt lở đất, đá ở Tây Nguyên và một số tỉnh miền núi phía Bắc hiện nay.

Trả lời câu hỏi trên, ông Lê Công Thành - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc sạt lở đất, đá ở Tây Nguyên vừa qua gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của người dân và Nhà nước. Điển hình trong đó là vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) và một số điểm sụt lún ở Đắk Lắk, Đắk Nông.

Trả lời báo chí, ông Thành cũng dành thời gian phân tích rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Theo ông, sự phong hóa đất, đá ở sườn đồi, sườn núi tự nhiên diễn ra từ từ. Do vậy, đất, đá cũng trượt từ từ tạo nên sườn dốc tự nhiên và ổn định.

“Tuy nhiên, khi chúng ta cần không gian để phát triển, nên có các hoạt động làm thay đổi bề mặt đất, chuyển đất rừng thành đất trồng cây hay san gạt làm nhà, làm đường, hồ chứa nước. Khi đó, cấu trúc đất thay đổi, khi mưa lớn, nguy cơ sạt lở sẽ lớn hơn”, ông Thành nói.

Ông Lê Công Thành - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Ông Thành cho biết, cách phát hiện các điểm có nguy cơ sạt lở đó là căn cứ vào các vết nứt, cây ở sườn đồi, núi nghiêng về một hướng, bên cạnh đó còn có những tiếng nổ trong lòng đất. Với những dấu hiệu đó, cho thấy vết nứt trong lòng đất đang phát triển.

Khi phát hiện những dấu hiệu trên, cơ quan chức năng cũng như người dân phải theo dõi chặt chẽ, nếu cần thiết phải di dời các hộ dân trong vùng ảnh hưởng.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay mới chỉ bắt đầu mùa mưa lũ. Nhưng những ngày qua ngoài vùng Tây Nguyên, các tỉnh miền núi phía Bắc như ở Sơn La, Lai Châu đã bắt đầu xuất hiện nhiều điểm sạt lở.

“Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các tỉnh Tây Nguyên và những địa phương khác theo dõi, giám sát và hành động quyết liệt hơn trong phòng chống lũ, sạt lở đất”, ông Lê Công Thành nói thêm.

Thuý Tình và nhóm PV, BTV