Nguyễn Khánh Linh, sinh năm 2002, là một trong 4 thủ khoa tốt nghiệp với điểm số tuyệt đối 4.0/4.0 của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân năm nay. Đây cũng là lần đầu tiên ngôi trường này có tới 4 sinh viên cùng đạt mức điểm tuyệt đối.
Khánh Linh vốn là “dân” chuyên Toán của Trường THPT Chuyên Thái Bình. Vì thế, việc theo học ngành Kinh tế quốc tế với nữ sinh có nhiều thuận lợi. “Em cảm thấy mình 'khớp' với ngôi trường này. Thế mạnh của em là sự logic, rành mạch và những con số. Vì thế, trong năm đầu tiên vào trường, em đặt mục tiêu phải tốt nghiệp loại Xuất sắc và nghĩ điều này nằm trong khả năng”.
Có mục tiêu rõ ràng, Khánh Linh dồn sức vào việc học. Nhiều bạn Linh chọn vừa học, vừa đi làm thêm để trau dồi kỹ năng mềm. Linh cho rằng điều này không sai nếu bạn biết cân bằng cả hai thứ. “Nhìn chung, cốt yếu vẫn do lựa chọn của mỗi người. Em lựa chọn tập trung học thật nhanh trong 3 năm và sớm bước ra thị trường lao động”, Linh nói.
Ngoài những môn cơ sở bắt buộc, sinh viên sẽ đăng ký các môn tự chọn. Linh thường chọn những môn muốn học và phục vụ cho công việc tương lai thay vì chọn các môn “càng dễ lấy điểm càng tốt”.
“Chẳng hạn, các bạn khoa em hay né môn Thuế quốc tế vì khó, nhưng em lại cảm thấy môn này khá hữu ích và mình cần phải biết. Vì thế, em sẽ đăng ký và học thực sự”, Linh nói.
Ngoài ra theo Linh, việc mỗi ngày đến lớp luôn cảm thấy vui vẻ cũng rất quan trọng. Tất nhiên, không phải lúc nào sinh viên cũng sẽ tràn đầy năng lượng trong suốt các tiết học, nhưng đa phần nữ sinh luôn cảm thấy “thích thú và hứng khởi”.
“Nếu trong hai tiết kéo dài hai tiếng, mình chăm chú và 'học thật' sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian khi về nhà”, Linh chia sẻ.
Bên cạnh đó, trong các tiết học, thay vì giơ điện thoại lên chụp toàn bộ slide nhưng về nhà không xem lại, Linh thường tự ghi chép những điều mình tiếp nhận và đúc kết được. Theo em, đây là điều giá trị hơn vì chỉ chụp lại không xem khá vô nghĩa. Nhờ đó, trước mỗi kỳ thi, việc ôn tập kiến thức cũ cũng đỡ mất thời gian.
Một “bí quyết" đặc biệt khác, theo Linh, cũng là yếu tố then chốt giúp em đạt điểm cao trong tất cả các môn học, là tìm được hai người bạn thân “cùng chung hệ tư tưởng”.
“Các bạn đều là những người cực kỳ giỏi, cùng tốt nghiệp với GPA 3.99/4.0. Chúng em quen nhau rất ngẫu nhiên, không chọn lọc, nhưng sau đó đã đồng hành và cùng nhau đi lên trong hầu hết các hoat động như học tập, nghiên cứu khoa học, tham gia các cuộc thi”, nữ sinh chia sẻ.
“Hệ tư tưởng” mà Linh nhắc tới là sự say mê với việc học, cùng thích thú khi được đến lớp mỗi ngày. “Chẳng hạn khi đề cập tới những kiến thức vĩ mô, nhiều bạn thường nói học những thứ ấy làm gì, sau này khi đi làm cũng có dùng đến đâu. Nhưng hai người bạn của em lại không nghĩ vậy. Các bạn đều cho rằng đây là những kiến thức cơ bản, bao trùm lên mọi hoạt động mình sẽ cần khi đi làm sau này.
Ngoài ra, chúng em cũng hay hỏi nhau những câu về tình hình kinh tế, xã hội, ví dụ như tác động từ chính sách tiền tệ của FED (Cục dự trữ liên bang Mỹ). Thậm chí, nếu chưa rõ, chúng em có thể cùng nghiên cứu và trả lời những thắc mắc không liên quan gì đến bài học”.
Khi có những người bạn “cùng chung hệ tư tưởng”, theo Linh, cả ba sẽ tiết kiệm nhiều thời gian tìm kiếm tài liệu. Nếu chỉ học trên lớp sẽ không thấy hết giá trị của làm việc nhóm. “Đến khi tham gia nghiên cứu khoa học, em càng thấy việc có một nhóm bạn 'chất lượng' quan trọng đến cỡ nào”, Linh nói.
Trong vòng 3 năm, cả ba đã cùng làm 3 nghiên cứu khoa học, trong đó có một đề tài đăng trên tạp chí trong nước và hai đề tài đăng trên tạp chí quốc tế.
“Ngành kinh tế xoay quanh những chủ đề lớn như trao đổi hàng hóa, xuất nhập khẩu. Vì thế, đề tài đầu tiên chúng em làm cũng tiếp cận theo hướng xoay quanh ngành học là truy xuất nguồn gốc hàng hóa để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Sang năm thứ hai, cả nhóm nghiêm túc muốn thực hiện chủ đề mới mẻ, cụ thể và thực tế hơn. Vì vậy, những chủ đề sau chúng em làm xoay quanh lĩnh vực kinh tế xanh, thoát hẳn ra khỏi chuyên ngành học”.
Quá trình làm nghiên cứu từ sớm cũng giúp Linh học cách nghiên cứu tài liệu nhanh và có hệ thống, vì thế không thấy "ngợp" khi tiếp cận với những nội dung môn học mới vì không biết bắt đầu từ đâu.
Nhờ có phương pháp học hiệu quả, Khánh Linh sớm hoàn thành việc học trong tròn 3 năm như kế hoạch đặt ra, đạt cả 6/6 kỳ học bổng của trường.
Từ tháng 8/2023, khi chưa kết thúc chương trình học, Linh đã có việc làm chính thức tại một doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đến tháng 4/2024, Khánh Linh thi công chức và trúng tuyển vào Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong danh sách ứng viên trúng tuyển khi ấy, nữ sinh là người trẻ tuổi nhất.
Đạt những mục tiêu đặt ra khi bước chân vào cánh cổng đại học, Linh cho rằng có một điều em luôn tâm niệm “không nên FOMO (Fear of missing out - nỗi sợ bị bỏ lỡ), nhìn vào người khác và nghi ngờ con đường mình lựa chọn”. Ngoài ra, “hãy học mọi thứ thật say mê, mình sẽ nhận được kết quả trọn vẹn”.
Thời gian này, Linh vẫn muốn tập trung toàn tâm cho công việc. Trong tương lai, nữ sinh mong muốn tìm kiếm cơ hội xin học bổng tại Hà Lan để tiếp tục phát triển chuyên môn.