Số lượng các ví hoạt động (active wallet) trong thị trường NFT cũng giảm tới 88%, xuống khoảng 14.000 ví trong tuần trước, so với 119.000 ví vào tháng 11 năm ngoái.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thoái trào này là do lãi suất liên tục tăng thời gian vừa qua, khiến dòng tiền không mặn mà với những phi vụ đặt cược mang tính rủi ro lớn mà NFT là một trong những loại tài sản mang tính đầu cơ cao nhất.
Kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 11/2021, chỉ số công nghiệp nặng Nasdaq Composite đã giảm 23%, trong khi Bitcoin giảm 43%. Cục dự trữ liên bang (FED) dự kiến tiếp tục tăng lãi suất trong tuần này và tháng tới. Khi các chính sách nới lỏng tiền tệ của ngân hàng trung ương kết thúc, các nhà đầu tư đã chuyển sang các cổ phiếu mang tính phòng thủ hơn, chẳng hạn như các loại mặt hàng tiêu dùng.
Nhiều người sở hữu NFT đang ghi nhận sự mất giá nghiêm trọng đối với tài sản của mình.
Tháng 3/2021, một NFT về dòng tweet đầu tiên của Jack Dorsey, nhà sáng lập Twitter được bán với giá 2,9 triệu USD cho Sina Estavi, giám đốc điều hành Bridge Oracle, công ty blockchain trụ sở tại Malaysia. Tuy nhiên, trong cuộc đấu giá tổ chức đầu năm 2022, không ai trả giá cao hơn 14.000 USD cho tài sản này.
Ông Estavi cho biết thất bại của cuộc đấu giá không phải là dấu hiệu cho thấy thị trường đang xấu đi, mà chỉ là một biến động đơn thuần có thể xảy đến với bất kỳ thị trường nào. CEO Bridge Oracle tin rằng thị trường NFT vẫn đang phát triển, nhưng khó có thể dự đoán thị trường này sẽ trở thành như thế nào trong vài năm tới.
“Tôi không hối hận về việc mua NFT này, vì đó chính là vốn tài sản của tôi”, Estavi nói.
Một ví dụ khác là NFT Snoop Dog, có tên “Doggy #4292”, được sang tên cho người mua với giá 32.000 USD vào đầu tháng 4 vừa qua. Hiện NFT này cũng đang được đem ra đấu giá với hy vọng thu về 25,5 triệu USD, tuy nhiên giá trả cao nhất giờ chỉ đạt 0,0743 Ether, tương đương 210 USD.
Theo Google Trends, sự quan tâm đối với NFT được đo lường thông qua số lượng tìm kiếm, đã giảm gần 80% kể từ thời điểm đạt đỉnh vào tháng 1/2022.
Không chỉ vậy, sự mất cân bằng cung cầu cũng tác động tiêu cực tới thị trường NFT. Theo số liệu từ hãng phân tích Chainalysis, trung bình mỗi người mua 5 NFT. Tính tới hết tháng 4, đã có 9,2 triệu NFT được bán ra, nhưng chỉ sở hữu bởi 1,8 triệu người.
Tuy nhiên, sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất tại Mỹ, Coinbase vẫn đang đặt cược vào NFT. Tháng trước, sàn giao dịch này đã ra mắt trang web thử nghiệm thu hút hơn 4 triệu người đăng ký, cho phép người dùng kết nối với các ví điện tử sẵn có để thực hiện giao dịch mua bán cũng như “đúc” NFT , trước mắt sẽ không mất phí giao dịch.
Cơn sốt của NFT một phần được đẩy lên cao vào năm 2021 sau khi các nghệ sĩ, nhạc sĩ, người nổi tiếng và các thương hiệu lớn nhảy vào cuộc chơi tài sản mã hoá. Một nghệ sĩ thậm chí đã bán được tác phẩm có giá 69 triệu USD. Adidas và Nike cũng đúc NFT và gắn với những đôi giày thể thao của hãng.
Vinh Ngô (theo WSJ)