Nhằm thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng, đẩy nhanh tiến trình không sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế, việc triển khai đồng bộ các giải pháp đóng vai trò hết sức quan trọng.

Rất nhiều gia đình Việt Nam đã quen với việc thanh toán không dùng tiền mặt. Từ những khoản chi tiêu hàng tháng như tiền điện thoại, điện, nước, Internet, học phí đến việc mua sắm hàng thiết yếu trên sàn thương mại điện tử, cafe, đi nhà hàng hay xem phim giải trí… Phương thức thanh toán trực tuyến giúp người dân dễ dàng mua được hàng hóa, dịch vụ chỉ bằng vài thao tác trên thiết bị. Từ đó giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại; mở rộng không gian, rút ngắn thời gian cho quá trình mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Phương thức thanh toán trực tuyến giúp người dân dễ dàng sử dụng dịch vụ chỉ bằng vài thao tác trên điện thoại. Ảnh: Linh Đan

Người tiêu dùng đặc biệt là giới trẻ coi việc quét mã QR, thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng như một thói quen hàng ngày. Khi mua sắm, ăn uống tại các cửa hàng, thay vì mang theo tiền mặt, họ có thể thanh toán nhanh chóng thông qua smartphone có cài đặt ứng dụng chuyển khoản.

Theo nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng được Công ty VISA công bố đầu tháng 6/2022, người tiêu dùng Việt Nam đã nhanh chóng đón nhận hàng loạt các phương thức thanh toán kỹ thuật số và có sự thay đổi rõ rệt trong thói quen tiêu dùng. Cụ thể, 65% người tiêu dùng Việt mang ít tiền mặt hơn trong ví và 32% cho biết sẽ ngưng sử dụng tiền mặt sau đại dịch. Cùng với đó là sự tăng trưởng đáng kể của thanh toán không tiền mặt: gần 76% người tiêu dùng hiện tại sử dụng ví điện tử và tỷ lệ người sử dụng thẻ còn cao hơn (82%).

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, sở ngành liên quan đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực công, dịch vụ công; chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ triển khai hình thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử...

Mặt khác, hạ tầng thanh toán quốc gia, hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ cần được hoàn thiện, nâng cấp và tăng cường tiện ích, chất lượng dịch vụ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24/7 cho mọi người dân và doanh nghiệp. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử cần được tăng cường; triển khai hiệu quả các hệ thống thanh toán quan trọng và hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Thông tin, tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt, giáo dục tài chính cần được đẩy mạnh thông qua sự phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước với các cơ quan thông tấn báo chí.

Thời gian qua, hầu hết các ngân hàng miễn phí dịch vụ chuyển tiền, phối hợp với các đối tác có chương trình ưu đãi cho người dùng. Đồng thời, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, giải pháp mới nhằm tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, bảo mật dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng như xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt); thanh toán qua mã QR mang lại trải nghiệm mới cho khách hàng. Các ngân hàng còn triển khai ứng dụng thanh toán di động, ví điện tử, cổng thanh toán..., tạo thuận lợi cho khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận dịch vụ tài chính.

Sử dụng công nghệ số, nền tảng số để tăng năng suất lao động, tối ưu nền kinh tế đang lan tỏa trong mỗi ngành, mỗi lĩnh vực đời sống. Tuy nhiên, khi sử dụng các phần mềm, ứng dụng thanh toán trực tuyến, người dân cần lưu ý không gửi mã OTP, mật khẩu cho người lạ, không ấn vào đường link lạ gửi qua SMS; đặt mật khẩu đủ mạnh theo hướng dẫn của nhà cung cấp dịch vụ, thiết lập thêm các biện pháp bảo mật/xác thực chặt chẽ hơn với những giao dịch có giá trị lớn...

Thị trường thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam đang trở nên sôi động nhờ vào chính sách thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt của Chính phủ, sự hiểu biết công nghệ của lượng lớn người dân cũng như những chiêu thức thu hút khách hàng từ các nền tảng thanh toán kỹ thuật số.