Khoảng 21h ngày 6/9/2022, quán karaoke nằm trên đường Trần Quang Diệu, phường An Phú, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương bất ngờ bốc cháy. Ngọn lửa bùng phát dữ dội trên lầu của quán, thống kê đến tối 7/9 đã có 33 người thiệt mạng, nhiều người khác bị thương. Có nỗi đau nào, tang thương nào đột ngột xảy ra với gia đình, xã hội chỉ trong chốc lát đến vậy?
Điểm lại những năm gần đây, ở nhiều địa phương trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ cháy nhà ở dân sinh, gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của hộ gia đình, để lại hậu quả khôn lường cho thân nhân và xã hội. Hậu quả thảm khốc do cháy nổ gây ra, khi cơ quan chức năng kết luận về nguyên nhân dẫn đến vụ cháy, hầu hết đều do thiếu ý thức chấp hành pháp luật về phòng cháy chữa cháy và sự bất cẩn, chủ quan của chính con người.
Báo chí đưa tin, ngày 8/9/2022, từ tối 7/9 đến rạng sáng 8/9, công an các huyện, thành phố thuộc tỉnh Đồng Nai đồng loạt ra quân kiểm tra 135 cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn. Qua đó, phát hiện 50 cơ sở vi phạm các quy định an toàn về phòng cháy chữa cháy.
Để giảm thiểu thảm họa cháy nhà ở khu dân sinh, cơ quan chức năng, nhất là cảnh sát khu vực cần tăng cường công tác tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trong mọi tầng lớp nhân dân, trong đó đặc biệt chuyển tải đầy đủ Luật Phòng cháy và chữa cháy.
Đối với hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh, khoản 2, Điều 7 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP nêu rõ:
Hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy: Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an.
Có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh.
Một khi cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ và người dân nắm vững, chấp hành nghiêm túc pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, chắc chắn thảm họa sẽ được hạn chế, đẩy lùi .
Nguyễn Tiến Đạt