Mời quý độc giả theo dõi video:

Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An đã trở thành địa danh thân thuộc với bất cứ người dân Việt Nam nào.

Nhắc đến làng Sen là nhắc đến những đầm sen ngát hương bao bọc lấy làng. Thế nhưng vài năm trước đây, làng dần bê tông hóa, nhiều ao sen bị san lấp thành đất ở, trồng sen cũng không còn mang lại giá trị kinh tế cao, nên người dân chuyển sang nuôi cá. Cả làng chỉ còn lại rải rác vài ao sen nhỏ, cây sen mọc tự nhiên, còi cọc.

Khi những ao sen dần biến mất, thì đúng lúc chàng trai trẻ Phạm Kim Tiến – một người con của Kim Liên, cũng là thạc sĩ nông nghiệp đã “bỏ phố về quê” để thực hiện giấc mơ hồi sinh cây sen quê Bác, đem lại sinh kế cho người dân từ việc trồng và chế biến sâu các sản phẩm từ cây sen.

Với số tiền gần 200 triệu đồng, anh Tiến bắt đầu đầu tư một cách bài bản vào cây sen. Anh đấu thầu ao sâu, ruộng hoang của xã; cải tạo đất, mua giống sen các loại, thuê nhân công về trồng thử nghiệm. Để mở rộng diện tích trồng sen, ngoài việc thuyết phục người dân chuyển đổi ruộng ngập úng, kém hiệu quả sang trồng sen, anh Tiến còn hỗ trợ giống sen, hướng dẫn kỹ thuật trồng và cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Năm 2019, anh Tiến mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Sen Quê Bác, vừa trồng, cung ứng giống sen, hoa sen vừa chế biến sâu các sản phẩm từ sen như: Các loại trà sen, nhóm sản phẩm từ hạt.

Đến nay, hàng chục sản phẩm với chất lượng tốt đã được sản xuất, mang lại lợi nhuận từ 12 - 13 tỷ đồng một năm, giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động địa phương với mức thu nhập cao, ổn định. HTX đã có 17 thành viên, mở rộng quy mô trồng sen lên tới 100 ha với hơn 100 giống; có 15 sản phẩm chế biến sâu từ cây sen, trong đó, có 11 sản phẩm được công nhận 3-4 sao OCOP. Nhờ những đóng góp tích cực, anh Tiến cũng nhận được nhiều bằng khen như: Giải thưởng Lương Định Của dành cho nhà nông trẻ tiêu biểu. Cũng sau sự thành công của HTX, rất nhiều các hộ gia đình khác cũng bỏ lúa, quay trở lại làm kinh tế với cây sen.

Những đầm sen tại làng Sen giờ đây vừa mang lại giá trị kinh tế vừa thu hút phát triển du lịch.  Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 của xã Kim Liên đạt 7,75 %. Thu nhập bình quần đầu người năm 2022 đạt 55,7 triệu đồng/người/năm tăng 29,4 triệu đồng So với thời điểm năm 2014. Một phần kết quả đó có được là nhờ việc chuyển dịch đầu tư làm kinh tế vào cây sen của đông đảo người dân địa phương.