Trong bối cảnh mới, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2-4-2022, của Bộ Chính trị “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

W-vinhlong-1.png
Một góc tỉnh Vĩnh Long

Nghị quyết đề ra mục tiêu: Đến năm 2030, xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện đại, sinh thái, văn minh, phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; là trung tâm kinh tế nông nghiệp xanh, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao của quốc gia, khu vực và thế giới…; phát triển mạnh kinh tế biển, kinh tế du lịch; tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng, trong nước và quốc tế; nâng cao chất lượng sống tốt cho người dân gắn với bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc...

Để đạt được các mục tiêu trên, cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó tập trung đẩy mạnh liên kết vùng; cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tỉnh cũng quyết liệt thực hiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg, ngày 28-2-2022), trong đó có phương hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc của vùng. Trên cơ sở quy hoạch vùng, Vĩnh Long xây dựng quy hoạch phát triển của tỉnh để bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững, trong đó có việc thực hiện các đề án về bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, góp phần phát triển du lịch bền vững.

Đặc biệt, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long triển khai thực hiện một số chương trình, kế hoạch, đề án trọng tâm đã được Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, như Đề án Bảo tàng Nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đề án Di sản đương đại Mang Thít, Đề án Bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử tỉnh Vĩnh Long giai đoạn II (2022 - 2025), Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2023 - 2025, Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long...

Trên cơ sở xác định vị trí, vai trò của tỉnh trong liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là trong việc gắn kết phát triển nông nghiệp với du lịch văn hóa, ngày 11-5-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành Quyết định số 1123/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt là Bảo tàng).

Từ năm 2007, tỉnh Vĩnh Long đã có chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Năm 2008, khi Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt qua đời, để thể hiện lòng tri ân đối với cố Thủ tướng - người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long nói riêng và Tổ quốc Việt Nam nói chung - tỉnh Vĩnh Long đã đề xuất và được Ban Bí thư đồng ý xây dựng Khu tưởng niệm đồng chí Võ Văn Kiệt tại huyện Vũng Liêm. Từ đó, quy hoạch của tỉnh đã gắn kết dự án khu tưởng niệm với Bảo tàng Nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long, công viên Nam Kỳ khởi nghĩa và tượng đài Lê Cẩn - Nguyễn Giao. Tại Quyết định 195/QĐ-TTg, ngày 16-2-2012, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 và Quyết định số 194/QĐ-BVHTTDL, ngày 23-1-2015, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng đồng bằng sông Cửu Long”, đã xác định xây dựng không gian bảo tàng lúa nước đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Vĩnh Long. Đến năm 2016, Đề án Bảo tàng Nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương tại Thông báo số 165/TB-VPCP, ngày 7-7-2016, của Văn phòng Chính phủ. Đồng thời, tại Quyết định số 1824/QĐ-TTg, ngày 25-12-2018, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó Bảo tàng Nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long thuộc danh mục dự án Trung ương ưu tiên đầu tư tại tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021 - 2030. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Công văn số 4503/BVHTTDL-DSVH, ngày 10-11-2016, hướng dẫn tỉnh Vĩnh Long triển khai xây dựng Đề án(9).

Mục tiêu của Đề án là tạo dựng thiết chế văn hóa quan trọng xứng tầm với vai trò và vị thế của ngành nông nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Long nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa nông nghiệp (vật thể và phi vật thể), góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ngành du lịch của địa phương nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Bảo tàng phục vụ cho nhu cầu du lịch, học tập, nghiên cứu khoa học, thụ hưởng văn hóa của công chúng (người dân thuộc mọi thành phần trong xã hội, như các nhà khoa học, học sinh, sinh viên, giáo viên,… cùng khách du lịch trong và ngoài nước); qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân đối với quê hương, đất nước; tăng cường quảng bá các sản phẩm nông nghiệp hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long; tôn vinh sự cần cù, sáng tạo của người nông dân Việt Nam, người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và người dân Vĩnh Long nói riêng. Bảo tàng dự kiến xây dựng tại thị trấn Vũng Liêm và vùng phụ cận thuộc huyện Vũng Liêm, chia thành các hạng mục chính: Khu kiến trúc bảo tàng và tái hiện cảnh quan nông nghiệp đặc trưng đồng bằng sông Cửu Long; khu trải nghiệm nông nghiệp; điểm dừng chân lữ hành; khu trưng bày nông nghiệp; trung tâm triển lãm nông nghiệp khu vực và quốc tế; nguồn vốn thực hiện được huy động từ các nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa.

Quá trình xây dựng Đề án, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ nhiều lần tổ chức hội thảo, đồng thời có văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất của các bên. Các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng thống nhất phối hợp với Bảo tàng trong công tác sưu tầm, cung cấp tư liệu, hình ảnh, hiện vật thể hiện đặc trưng của địa phương, từ đó phối hợp kết nối phát huy giá trị di sản văn hóa nông nghiệp và liên kết phát triển du lịch trong vùng. Tỉnh Vĩnh Long bước đầu sưu tầm trên 1.000 hiện vật và tài liệu về nông cụ và phương tiện sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Số lượng mẫu vật mà Trường Đại học Cần Thơ có thể cung cấp cho Bảo tàng là hơn 4.000 giống lúa màu, 800 giống cây ăn trái, 1.500 loại động vật, 1.000 loại thực vật…

Hiện nay, Đề án đang được triển khai và dự kiến sẽ được đưa vào khai thác sử dụng vào năm 2027. Đây sẽ là bảo tàng nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam (tính tới thời điểm hiện tại), là đầu mối liên kết đến các bảo tàng của các tỉnh trong vùng, góp phần thúc đẩy hiệu quả liên kết vùng trong quá trình phát triển. Bảo tàng hoạt động với phương thức động và mở, vừa là nơi trưng bày các hiện vật, vừa tổ chức các hoạt động trải nghiệm thiết thực, hấp dẫn, hiện đại, bảo đảm tính trung thực, chính xác, khách quan và an toàn cho du khách, đồng thời cũng là nơi tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, hội thảo chuyên đề về nông nghiệp, phối hợp với đối tác trong và ngoài nước để sưu tầm hiện vật và tư liệu, tổ chức hội chợ, sự kiện quảng bá các sản phẩm nông nghiệp vùng.

Nhóm PV