Trong bối cảnh hiện nay, tiến trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng trong mọi mặt của đời sống xã hội.

Mặc dù khu vực hợp tác xã, tổ hợp tác đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy nông thôn mới thông minh, tuy nhiên dường khu ở đây vẫn chưa bắt kịp "luồng gió mới" từ chuyển đổi số. Thực tế này đòi hỏi các HTX phải chủ động thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển đổi số để thích nghi với tình hình.

Theo số liệu từ Liên minh HTX Việt Nam, đến nay, cả nước có hơn 4.600 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chiếm 17% tổng số HTX; nhiều HTX đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong quản trị, xúc tiến thương mại; các Quỹ Tín dụng nhân dân ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nông nghiệp, số HTX ứng dụng công nghệ cao còn thấp, với hơn 1.700 HTX.

minhhoa.png

Tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã, với chủ đề "Chuyển đổi số-Ðộng lực phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong kỷ nguyên mới gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW", Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: "Chuyển đổi số sẽ là công cụ quan trọng để phát triển và chuyển đổi mô hình kinh tế HTX một cách linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực; góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng tối đa sức lao động, gia tăng giá trị sản phẩm, giúp các HTX tiếp cận nhanh với thị trường và gắn với chuỗi giá trị".

Thực tế đang diễn ra cho thấy chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. Chuyển đổi số là công cụ quan trọng để phát triển và chuyển đổi mô hình kinh tế hợp tác xã một cách linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực; góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng tối đa sức lao động, gia tăng giá trị sản phẩm, giúp các hợp tác xã tiếp cận nhanh với thị trường và gắn với chuỗi giá trị.

Chuyển đổi số được xác định là một trong những hướng đi quan trọng thúc đẩy các HTX phát triển theo hướng bền vững, thích ứng với thị trường. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để các HTX có thể ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và quản lý hiệu quả.

Trong thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát về tình hình ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số và phục hồi của HTX.

Đơn cử, Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp Viện Rosa - Luxemburg của Ðức khảo sát 160 HTX, 240 người lao động và thành viên tại 12 tỉnh, thành phố về tác động và khả năng phục hồi sau đại dịch Covid-19, trong đó có khảo sát về ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy: Về nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, HTX đánh giá mức độ quan trọng của việc áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động quản lý điều hành như sử dụng máy vi tính, phần mềm kế toán, điện thoại thông minh, phần mềm bảo vệ, tuy nhiên mới áp dụng trong thực tế ở mức độ thấp. Về nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao trong sản xuất hiện tại được HTX đánh giá tương đối cao, trong khi thực tế áp dụng ở mức thấp. Tại một số HTX, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số mới được thực hiện thí điểm với quy mô nhỏ do chi phí đầu tư lớn so với tiềm lực tài chính hạn chế của HTX…

Ðiều này phần nào cho thấy, từ nhận thức đến hành động trong tiến trình chuyển đổi số tại các HTX đang là một khoảng cách khá xa. Liên minh HTX Việt Nam và các tổ chức quốc tế khuyến nghị: Chuyển đổi số phải bắt đầu từ việc số hóa dữ liệu, qua đó các HTX cần có thiết bị cơ bản là máy vi tính kết nối Internet trong khi hiện nay nhiều HTX chưa có máy tính, hoặc có thì đã lạc hậu. Cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương có thể xem xét trích một phần ngân sách kết hợp với các tổ chức quốc tế để hỗ trợ trang thiết bị cơ bản như máy vi tính cho những HTX cam kết thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động.

Trước đó, năm 2021, cơ quan này cũng phối hợp Tổ chức Oxfam của Anh triển khai khảo sát 153 HTX tại 3 tỉnh, thành phố nhằm đánh giá thực trạng, điểm mạnh, điểm yếu của các HTX nông nghiệp về khả năng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, sản xuất và thương mại hóa sản phẩm.

Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực hợp tác xã, sử dụng một số nền tảng ứng dụng chuyển đổi số, ông Nguyễn Ngọc Bảo- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khẳng định sẽ xây dựng Đề án chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ các hợp tác xã theo từng bước cụ thể theo hướng bền vững.

CTV, Văn Quý và nhóm PV, BTV