Ngày 18/2, Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị các Sở giáo dục và đào tạo trên cả nước hưởng ứng cuộc thi online “Học sinh với An toàn thông tin” năm 2022.

Được Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cùng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), Vụ Giáo dục chính trị Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) chính thức giới thiệu từ giữa tháng 1, cuộc thi “Học sinh với An toàn thông tin” năm 2022 dành cho đối tượng học sinh THCS trên cả nước.

{keywords}
Tham gia cuộc thi "Học sinh với An toàn thông tin" năm 2022, các thí sinh sẽ có thêm hiểu biết, kiến thức để có thể sử dụng không gian mạng một cách an toàn và hữu ích.

Cuộc thi nhằm mục đích tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức, kỹ năng sử dụng internet hiệu quả, an toàn cho các học sinh, phụ huynh học sinh trên cả nước; tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích, phát huy khả năng tư duy của học sinh, giúp các em nhận diện và phòng, tránh các nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng.

Đồng thời, đây cũng là một hoạt động hưởng ứng chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 6/2021.

Trong văn bản mới gửi tới các Sở giáo dục và đào tạo, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở tuyên truyền, giới thiệu với hình thức phù hợp tới học sinh cấp THCS về mục đích, ý nghĩa của cuộc thi “Học sinh với An toàn thông tin” năm 2022, đồng thời chỉ đạo các trường THCS (hoặc khối THCS trong các trường liên cấp) khuyến khích và tạo điều kiện để đông đảo học sinh hưởng ứng tham dự cuộc thi này.

Trước đó, trong chia sẻ tại buổi họp báo giới thiệu cuộc thi “Học sinh với An toàn thông tin” năm 2022 diễn ra ngày 13/1, ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD&ĐT đã cho biết, đây không phải là cuộc thi bắt buộc mà các phụ huynh, học sinh tham gia hoàn toàn tự nguyện, tùy theo điều kiện và hoàn cảnh.

Tuy vậy, ông Tô Hồng Nam cũng cho rằng với ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khi tham gia môi trường mạng, cuộc thi sẽ thu hút được sự tham gia đông đảo của học sinh cũng như trẻ em ngoài nhà trường, thậm chí có thể vượt con số 1 triệu thí sinh mà Ban tổ chức kỳ vọng.

{keywords}
Đề thi gồm 24 câu hỏi trắc nghiệm do hệ thống thi cung cấp ngẫu nhiên từ ngân hàng đề thi.

Trong năm đầu tiên được tổ chức, cuộc thi “Học sinh với An toàn thông tin” tập trung vào đối tượng học sinh THCS trên toàn quốc. Theo kế hoạch, cuộc thi có thời gian thi thử từ ngày 16/2 đến ngày 2/3 và thời gian thi chính thức từ ngày 3/3 đến ngày 24/3. Các thí sinh thi trực tuyến tại địa chỉ thihsattt.vn. Hiện tại hệ thống thi đã được mở cho các học sinh tham gia luyện tập các kiến thức về an toàn thông tin.

Tham gia cuộc thi này, mỗi thí sinh chỉ đăng ký một tài khoản để dự thi (theo mẫu đăng ký trên website). Thí sinh có thể thi thử nhiều lần lần để làm quen với hệ thống và có thêm nhiều kiến thức bổ ích qua việc xem đáp ứng đúng cho các câu hỏi.

Trong thời gian thi chính thức, thí sinh chỉ được thi 1 lần và có thể tham gia thi vào bất cứ thời điểm nào. Hệ thống thi tự động ghi nhận kết quả, thời gian làm bài (tính từ lúc bắt đầu làm bài đến lúc chọn hoặc sửa đáp án lần cuối) và tính điểm cho thí sinh. Điểm thi sẽ được hệ thống lưu lại và sẽ được Ban Tổ chức công bố công khai sau khi hết thời gian thi tổ chức thi chính thức.

Đề thi gồm 24 câu hỏi trắc nghiệm do hệ thống thi cung cấp ngẫu nhiên từ ngân hàng đề thi. Thời gian làm bài của thí sinh là 30 phút. Nội dung thi là những kiến thức, kỹ năng phòng chống nguy cơ mất an toàn thông tin, phòng chống xâm hại trẻ em và kỹ năng ứng xử trên môi trường mạng cùng các kiến thức về quy định pháp luật liên quan tới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng...

Theo đại diện Ban tổ chức, để xây dựng được một ngân hàng đề thi có chất lượng, phong phú, bao quát được các nội dung thi và phù hợp với trình độ, nhận thức của  đối tượng tham gia, Ban tổ chức đã được sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia thuộc các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các chuyên gia an toàn thông tin thuộc các đơn vị hội viên của VNISA, với hơn 700 câu hỏi trắc nghiệm trong cơ sở dữ liệu đề thi.

Vân Anh

Trang bị “vắc xin số” giúp học sinh an toàn trên không gian mạng

Trang bị “vắc xin số” giúp học sinh an toàn trên không gian mạng

Cuộc thi Học sinh với An toàn thông tin 2022 sẽ tập trung cung cấp các kiến thức và kỹ năng sử dụng Internet an toàn cho học sinh THCS, giúp các em có “vắc xin số” để tự bảo vệ, tự phát triển lành mạnh, sáng tạo trên mạng.