Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trọng tâm là Nghị quyết số 382-NQ/ĐUQSTW, ngày 29/11/2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới, những năm qua, toàn quân đã tăng cường đoàn kết, phát huy trí tuệ, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện trong thực hiện công tác kỹ thuật. Đây được xem là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định tới tiến trình xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại theo đúng chủ trương của Đảng và trên thực tế đã đạt nhiều kết quả quan trọng, vững chắc.

Trong đó, điểm nhấn nổi bật là, các cơ quan, đơn vị đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các mặt công tác, nhiệm vụ công tác kỹ thuật, huy động các nguồn lực bảo đảm đầy đủ, kịp thời vũ khí, trang bị kỹ thuật cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ, cứu nạn và các nhiệm vụ đột xuất, v.v. Nhận thức, trách nhiệm của bộ đội đối với công tác kỹ thuật và năng lực, hiệu quả tham mưu, chỉ đạo của cơ quan kỹ thuật các cấp được nâng lên. Hệ thống tổ chức, quy chế, điều lệ, hướng dẫn của ngành Kỹ thuật Quân đội thường xuyên được củng cố, kiện toàn; hoạt động công tác kỹ thuật có nhiều đổi mới, ngày càng nền nếp, chính quy. Các chương trình, mục tiêu, chỉ tiêu công tác kỹ thuật cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra. Công tác bảo đảm trang bị, kỹ thuật có bước tiến đồng đều, đi vào chiều sâu, vững chắc. Hệ thống kho tàng, cơ sở bảo đảm kỹ thuật trong toàn quân được quy hoạch, đầu tư xây dựng, nâng cấp và từng bước hiện đại hóa. Công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực kỹ thuật quân sự được coi trọng và đạt kết quả tốt. Đặc biệt, ngành Kỹ thuật Quân đội đã có bước tiến lớn trong việc bảo đảm đồng bộ, sản xuất, cải tiến, nâng cấp hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có; nghiên cứu, làm chủ công tác bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, có ứng dụng công nghệ cao, nhất là đối với các lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.

Bên cạnh kết quả tích cực đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: nhận thức của một số cán bộ, chiến sĩ đối với vị trí, vai trò của công tác kỹ thuật còn hạn chế. Năng lực của các cơ sở sửa chữa cấp chiến lược, chiến dịch còn chưa theo kịp sự phát triển của vũ khí, trang bị kỹ thuật; khả năng sửa chữa cơ động có mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Một số dự án đầu tư chiều sâu công nghệ, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật triển khai chậm, ảnh hưởng đến mục tiêu, hiệu quả đầu tư. Việc tổ chức và đổi mới phương thức bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao chưa kịp thời; khả năng làm chủ vũ khí, trang bị mới còn hạn chế, công tác sửa chữa lớn và bảo đảm vật tư còn phụ thuộc vào đối tác. Hiện tượng mất an toàn trong quản lý, bảo quản, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật vẫn còn xảy ra.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh phát biểu kết luận Hội nghị sơ kết công tác kỹ thuật toàn quân 6 tháng đầu năm 2022. Ảnh: bienphong.com.vn

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có biến chuyển nhanh, diễn biến phức tạp; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột vũ trang,… tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực, nhất là quốc phòng, an ninh của mỗi quốc gia. Đối với nước ta, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc có sự phát triển mới. Đặc biệt, thực hiện mục tiêu đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh; năm 2030 xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, toàn quân sẽ có nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, ứng dụng công nghệ cao được đưa vào trang bị. Trong khi đó, chúng ta phải tiếp tục khai thác, sử dụng có hiệu quả các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có, mà phần lớn đã qua sử dụng nhiều năm, xuống cấp, thiếu đồng bộ, v.v. Điều đó đã, đang đặt ra cho toàn quân nói chung, từng ngành, lĩnh vực nói riêng, trong đó có công tác kỹ thuật những yêu cầu, nhiệm vụ rất nặng nề, cùng nhiều vấn đề phải giải quyết. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, toàn quân cần nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, xây dựng quyết tâm, đề cao trách nhiệm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các mặt công tác kỹ thuật, bằng các giải pháp quyết liệt, đồng bộ.

Trước hết, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác kỹ thuật. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, trước hết là cấp ủy, chi bộ, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về công tác kỹ thuật; từ đó, thống nhất nhận thức và hành động trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, đặc biệt là quan điểm chủ động, tích cực, tự lực, tự cường. Từ kết quả, kinh nghiệm qua tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 382-NQ/ĐUQSTW, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nắm vững phương hướng, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp về công tác kỹ thuật mà Quân ủy Trung ương đã xác định. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác kỹ thuật; tập trung nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phù hợp, đáp ứng mục tiêu xây dựng Quân đội hiện đại. Đồng thời, khẩn trương rà soát, bổ sung các chỉ tiêu, biện pháp trong chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết, đảm bảo tính khả thi cao, phù hợp với tình hình thực tiễn. Để đạt hiệu quả cao, các cơ quan, đơn vị, địa phương chú trọng đột phá vào các nội dung trọng tâm, trọng điểm, vấn đề mới; kiên quyết khắc phục biểu hiện buông lỏng lãnh đạo, tư tưởng bảo thủ, ngại khó, ngại khổ, ngại đổi mới. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác kỹ thuật đối với kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị, Quân đội, cũng như những thuận lợi, khó khăn trong tiến hành công tác kỹ thuật hiện nay. Qua đó, xây dựng cho bộ đội động cơ, trách nhiệm đúng đắn trong thực hiện nhiệm vụ.

Hai là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các nội dung công tác kỹ thuật, bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật có chất lượng cao, đồng bộ, vững chắc. Cơ quan kỹ thuật các cấp tiếp tục phát huy vai trò là cơ quan tham mưu, chủ động nắm chắc tình hình, tích cực nghiên cứu, đề xuất với cấp ủy, chỉ huy về các giải pháp tiến hành công tác kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Trước mắt, tập trung nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật đến năm 2030 và những năm tiếp theo; tổ chức cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật; sửa chữa, đồng bộ, niêm cất vũ khí, trang bị kỹ thuật còn trong quy hoạch sử dụng lâu dài; tăng hạn có chọn lọc đối với vũ khí, trang bị kỹ thuật có quy định nghiêm ngặt về hạn sử dụng, nhất là các loại trang bị hoạt động thường xuyên, như: máy bay, rađa, khí tài lặn đặc công; trang bị thông tin, tác chiến điện tử.

Tiếp tục triển khai toàn diện các mặt công tác kỹ thuật ở từng cơ quan, đơn vị, nhất là thực hiện nghiêm chế độ bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa theo phân cấp, duy trì hệ số kỹ thuật của vũ khí, trang bị kỹ thuật theo quy định; trong đó, ưu tiên bảo đảm cho các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật phục vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo, cứu hộ cứu nạn. Chú trọng triển khai thực hiện quy hoạch hệ thống kho kỹ thuật toàn quân (KA-10); đồng thời, đầu tư, nâng cao năng lực kho tàng, từ điều kiện cất giữ (mặt bằng, môi trường) đến trang thiết bị cơ giới trong kho, phương tiện phòng chống cháy, nổ,… nhằm bảo đảm an toàn và duy trì tuổi thọ kỹ thuật cho trang bị, nhất là đối với vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới và quý hiếm. Tích cực nghiên cứu đề xuất xây dựng các kho đạn và vật liệu nổ theo mẫu mới; xây dựng các trạm tháo gỡ đạn, bãi huỷ,… bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình xử lý bom, mìn, đạn dược.

Tập trung nghiên cứu xây dựng Quy hoạch hệ thống cơ sở sửa chữa toàn quân theo Đề án 08-KT. Quá trình triển khai, chú trọng đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực công nghệ sửa chữa cho các nhà máy, nhất là đầu tư các dây chuyền công nghệ sửa chữa phục hồi, sửa chữa các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật còn quy hoạch lâu dài, mới mua sắm và sản xuất vật tư kỹ thuật đặc chủng. Nghiên cứu điều chỉnh phân cấp sửa chữa (chiến lược, chiến dịch, chiến thuật) cho phù hợp; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình sản xuất vật tư kỹ thuật, đổi mới tư duy về công tác sản xuất vật tư kỹ thuật theo hướng mở rộng liên doanh, liên kết, xã hội hoá (đặt hàng theo tiêu chuẩn quân sự), đáp ứng nhu cầu vật tư kỹ thuật phục vụ cho công tác sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật trong thời bình và khi có tình huống xảy ra.

Ba là, tập trung xây dựng cơ quan, đơn vị kỹ thuật các cấp vững mạnh làm nòng cốt trong thực hiện công tác kỹ thuật. Những năm qua, việc xây dựng, kiện toàn tổ chức, biên chế cơ quan, đơn vị kỹ thuật, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật trong toàn quân được tiến hành thường xuyên, bảo đảm chặt chẽ, khoa học, tạo nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trước yêu cầu cao của công tác kỹ thuật, nhất là trước sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi phải tiếp tục coi trọng thực hiện tốt hơn nữa vấn đề này. Đặc biệt, quán triệt thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII), Nghị quyết số 230-NQ/QUTW ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo, việc điều chỉnh tổ chức Quân đội nói chung, ngành Kỹ thuật nói riêng là yêu cầu tất yếu, khách quan, cấp thiết. Vì vậy, Ngành cần chủ động tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các cấp ủy tăng cường lãnh đạo, thực hiện tốt việc xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức ngành Kỹ thuật trong toàn quân theo hướng “tinh, gọn, mạnh, thống nhất”, đồng bộ ở cả ba cấp (chiến lược, chiến dịch, chiến thuật), phù hợp với quy hoạch tổ chức lực lượng Quân đội và đặc trưng công nghệ của vũ khí, trang bị kỹ thuật.

Các đơn vị tập trung rà soát, làm tốt công tác quy hoạch xây dựng lực lượng thường trực, lực lượng dự bị động viên kỹ thuật theo quy định, bảo đảm có số lượng, cơ cấu hợp lý, chất lượng toàn diện, trước hết là bản lĩnh chính trị và chuẩn hóa về trình độ, tay nghề, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Quá trình triển khai, cần gắn quy hoạch với đào tạo, đào tạo lại, sắp xếp, bố trí sử dụng; tăng cường quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ chuyên gia đầu ngành, cán bộ kỹ thuật, thợ kỹ thuật giỏi trên các lĩnh vực kỹ thuật trọng điểm, đặc thù, mũi nhọn và công nghệ cao, làm nòng cốt trong công tác bảo đảm kỹ thuật, nhất là cho các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới có ứng dụng công nghệ cao. Tích cực tuyển chọn học viên gửi đi đào tạo ở nước ngoài, ưu tiên đào tạo cán bộ kỹ thuật có trình độ cao về khai thác, sửa chữa, cải tiến, sản xuất các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới mua sắm và sửa chữa các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện nay ta chưa có khả năng sửa chữa. Đồng thời, có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên kỹ thuật tại các học viện, nhà trường; duy trì nghiêm nền nếp công tác huấn luyện kỹ thuật; thực hiện huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, sát với thực tiễn hoạt động công tác kỹ thuật, vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có và lộ trình hiện đại hóa Quân đội. Chú trọng kết hợp huấn luyện chuyên môn với giáo dục chính trị, tư tưởng; tăng cường huấn luyện khai thác, làm chủ kỹ thuật đối với vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới có ứng dụng công nghệ cao, huấn luyện an toàn trong khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật. Đi liền với đó, cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Bộ Quốc phòng ban hành chính sách đặc thù để thu hút nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao, có đủ điều kiện vào công tác trong Quân đội.

Bốn là, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự; bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về công tác kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Ngành Kỹ thuật quân sự, trước hết là các trung tâm, viện nghiên cứu cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự, phù hợp với điều kiện đặc thù Việt Nam; đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ của Nhà nước để phục vụ công tác kỹ thuật. Trọng tâm là nghiên cứu khoa học, công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào giải quyết các yêu cầu cấp bách trong khai thác, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhất là vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao đã và sẽ mua sắm. Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, vật liệu mới vào bảo quản, niêm cất vũ khí, trang bị kỹ thuật và thiết kế, chế tạo, sản xuất vật tư kỹ thuật, sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao công nghệ các đối tác nước ngoài, tạo bước đột phá mới trong công tác kỹ thuật. Đẩy mạnh ứng dụng các thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào công tác kỹ thuật và chuyển đổi số trong ngành Kỹ thuật Quân đội.

Các cơ quan chức năng, chuyên ngành kỹ thuật tích cực rà soát, làm tốt công tác nghiên cứu, đề xuất xây dựng bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, quản lý công tác kỹ thuật, đáp ứng sự phát triển của yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn. Trước mắt, tập trung nghiên cứu xây dựng, ban hành Điều lệ công tác kỹ thuật (sửa đổi), nghiên cứu đổi mới công tác bảo đảm kỹ thuật, xây dựng chỉ tiêu, định mức bảo đảm kỹ thuật cho từng loại vũ khí, trang bị. Về lâu dài, cần nghiên cứu, hoàn thiện phương thức bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới có ứng dụng công nghệ cao; xây dựng cơ chế phối hợp, huy động các nguồn lực xã hội bảo đảm cho công tác kỹ thuật, động viên kỹ thuật trong điều kiện kinh tế thị trường; xây dựng các cơ chế, quy chế về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự, v.v.

Cùng với đó, ngành Kỹ thuật tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt cùng toàn quân đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Quản lý, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông” gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới và phong trào Thi đua Quyết thắng, tạo động lực, thiết thực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thượng tướng, TS. LÊ HUY VỊNH, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân