An ninh phi truyền thống - vấn đề mang tính toàn cầu

An ninh phi truyền thống đang là thách thức đặt ra đối với toàn thế giới, trong đó có nước ta. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh, trên phạm vi rộng của các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa này đang có những biến đổi theo chiều hướng bất lợi hơn đối với cuộc sống con người, thách thức sự phát triển bền vững của đất nước.

Các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống hiện hữu ngày càng rõ nét hơn và tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực từ kinh tế, xã hội, văn hóa đến quốc phòng, an ninh. Một biểu hiện rõ ràng nhất của ANPTT trong thời gian vừa qua là những hậu quả của "Đại dịch COVID-19", là vấn đề an ninh mạng, an toàn thông tin, là vấn đề cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thảm họa thiên tai, dịch bệnh, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia...

Không phải đến bây giờ, nhiều vấn đề được gọi là mối đe dọa đối với an ninh phi truyền thống, như giá lương thực tăng cao, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…, mới gây cho con người những lo lắng về sự an nguy và tồn vong của mình.

Lịch sử nhân loại đã từng chứng kiến những trận đói, nạn dịch khủng khiếp cướp đi sinh mạng của hàng triệu con người. Tuy nhiên, trong bối cảnh bùng nổ cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ đã làm cho biên giới địa lý giữa các quốc gia trở nên “mềm” hơn, dễ vượt qua hơn; mạng inernet đã tạo ra một “thế giới ảo” với các xa lộ thông tin toàn cầu, hoàn toàn không còn biên giới ngăn cách. Cùng với đó là sự hủy hoại của con người đối với tự nhiên, môi trường; sự phát triển kinh tế thiếu kiểm soát, chạy theo lợi nhuận thuần túy, lợi ích trước mắt; sự chi phối của những tư tưởng chính trị cực đoan, sự tha hóa và suy thoái về đạo đức của chính con người… đã làm cho những vấn đề mà ngày nay được gọi là an ninh phi truyền thống trở nên trầm trọng hơn, phức tạp hơn, có quy mô lớn hơn rất nhiều. Phạm vi tác động của vấn đề đã vượt ra khỏi biên giới lãnh thổ và lợi ích an ninh quốc gia dân tộc của một nước.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, bắt đầu từ nước Mỹ, nhanh chóng lan rộng tới nhiều nước, kéo cả nền kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái, là một thí dụ. Vấn đề môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên, nguồn nước sạch, vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng… đôi khi lại đe dọa nhiều hơn đối với cuộc sống của người dân ở những quốc gia không phải là “thủ phạm” gây ra những biến đổi, cạn kiệt đó. Các hoạt động tội phạm, khủng bố quốc tế, nhất là khủng bố bằng vũ khí sinh học, hóa học, bệnh dịch…, có quy mô xuyên biên giới.

Những mối đe dọa an ninh phi truyền thống, vì thế, trở thành những thách thức mang tính toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, năm 2002, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 giữa các nước ASEAN và Trung Quốc tại Phnôm Pênh (Cam-pu-chia) đã ra Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về hợp tác trên lĩnh vực an ninh phi truyền thống, xác định an ninh phi truyền thống là những vấn đề: tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế, tội phạm công nghệ cao.

Phát huy tốt hơn nữa vai trò của các cơ quan đại diện ở nước ngoài

Theo các chuyên gia, để phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống thì bên cạnh việc phải có hệ thống chính sách pháp luật tương đối tốt, hoàn chỉnh, phải tăng cường thông tin, chia sẻ kiến thức với người dân, doanh nghiệp thì các cơ quan đại diện ở nước ngoài cũng đóng vai vô cùng quan trọng. Bởi đây không phải là vấn đề của riêng quốc gia nào, khu vực nào..... 

Tại phiên họp chuyên đề “Tăng cường sự tham gia, đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương trong xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống" tổ chức hồi năm ngoái đã dành một phiên thứ 2 để tập trung thảo luận các chính sách, biện pháp để nâng cao vai trò, đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.

Đánh giá về những thách thức an ninh phi truyền thống hiện nay, ông Đặng Hoàng Giang cho rằng, các vấn đề như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia… đang ngày càng nổi lên gay gắt trên toàn cầu, tác động sâu sắc đến môi trường phát triển, an ninh của đất nước, đặt ra yêu cầu và đòi hỏi khách quan phải nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác đối ngoại đa phương nhằm góp phần thực hiện tầm nhìn, khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Sau hơn ba tiếng thảo luận sôi nổi, cuộc họp đã thống nhất một số biện pháp lớn để thúc đẩy công tác đối ngoại đa phương nói chung và trong ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống nói riêng, bao gồm đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, tích cực đề xuất các sáng kiến, ý tưởng tại các diễn đàn đa phương, từng bước vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, định hình luật chơi  khi điều kiện cho phép.

Về cơ chế trong nước, cần đẩy mạnh phân vai hợp lý, phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ban, ngành, từ Trung ương đến địa phương để tận dụng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, phát huy tốt hơn nữa vai trò của các cơ quan đại diện ở nước ngoài, nhất là tại các diễn đàn đa phương trong theo dõi các thảo luận, tranh thủ nguồn lực quốc tế và thúc đẩy hợp tác về an ninh phi truyền thống.

Hồ Nhụy,  Vân Anh, Lê  Thúy