Hà Nội trong mắt ai bắt đầu bằng tiếng đàn của nghệ sĩ guitar khiếm thị Văn Vượng, người chưa từng được nhìn thấy cảnh trí Hà Nội. Gốc cây cổ thụ trong công viên Bách Thảo hay những dòng người đạp xe trên phố xuất hiện ở đầu phim, vẽ nên một Hà Nội thanh bình 40 năm trước, một hình ảnh rất khác với sự tấp nập bây giờ. Nhưng dù có thay đổi thế nào, thì Hà Nội trong mắt mỗi người cũng có nét đẹp riêng, cảm xúc riêng. Đến nhà nghệ sĩ mù cũng đặt một bức tranh phong cảnh Hà Nội và ông có một ước mơ thấy Hà Nội dù chỉ 1 lần trong đời. 

Hà Nội trong mắt ai ra đời năm 1982 và bị cấm chiếu suốt 5 năm, đến tận năm 1987 mới ra mắt công chúng cùng với một tác phẩm 'bom tấn' khác cũng của đạo diễn Trần Văn Thủy là Chuyện tử tế. Đạo diễn Trần Văn Thủy kể rằng, ngay từ lần đầu chiếu phim để trình duyệt, ban giám đốc Xưởng phim Tài liệu khoa học trung ương đã thấy "có gì đó không ổn". Những người có trọng trách trong lĩnh vực tư tưởng văn hoá xem xong họ kết luận ngay rằng "phim có vấn đề". Cuối cùng giám đốc xưởng phim Lý Thái Bảo nói với ông Thủy rằng "bộ phim không được chiếu".

Hà Nội trong mắt ai gây xôn xao suốt nhiều năm và từng được coi là bộ phim nhạy cảm, động chạm. Dù phim nói về Hà Nội, quay không thiếu danh thắng hay cảnh sắc nổi tiếng nào của đất Hà Thành, với hình ảnh họa sĩ Bùi Xuân Phái, tranh phố Phái nhưng lại được coi là bộ phim mượn chuyện xưa để nói chuyện nay với nhiều ẩn ý, lớp nghĩa, mượn những câu chuyện và nhân vật lịch sử gắn bó với thủ đô như: Chu Văn An, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Trãi, Tô Hiến Thành, Quang Trung... để phản ánh suy nghĩ của người dân về tình hình xã hội. Có lẽ không một bộ phim nào làm về Hà Nội lại "đậm đặc" như Hà Nội trong mắt ai, truyền đi thông điệp về cốt cách, chữ tâm, và sự cương trực của con người. 

Trong ký ức của nhiều thế hệ khán giả, Hà Nội trong mắt ai từng là bộ phim "có vấn đề". Đi đâu người ta cũng thấy xôn xao, bàn tán về bộ phim vì giá trị của nó nhưng bị cấm chiếu vì bị cho là động chạm. Cũng giống như Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế từng có số phận tương tự. Phim ra đời năm 1985 nhưng bị cấm chiếu tới tận năm 1987 mới ra mắt công chúng, trở thành hiện tượng phim tài liệu của điện ảnh Việt Nam một thời. Tác phẩm mang đậm dấu ấn Trần Văn Thủy với tư duy khác biệt và sự phản biện xã hội mạnh mẽ, đau đáu đi tìm đáp cho câu hỏi: "Thế nào là sự tử tế?". 

Hai bộ phim này đã từng làm ông 'lên bờ xuống ruộng' nhiều năm trước nhưng nhờ có Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với tầm nhìn lớn mà phim Hà Nội trong mắt aiChuyện tử tế thoát khỏi danh sách đen và đến được với công chúng.

Mới đây hai bộ phim tài liệu kinh điển này đã mang về cho đạo diễn Trần Văn Thủy giải thưởng Bùi Xuân Phái. Ông cùng vợ và con gái tới dự lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội chiều 6/10 tại Hà Nội. Trên sân khấu, đạo diễn 82 tuổi đã khóc: "Sự cố gắng của tôi cho cả cuộc đời làm phim, hôm nay rất may mắn ở thời điểm cũng không còn khỏe mạnh nữa, tôi được nhận giải thưởng này, được gặp gỡ mọi người. Tôi rất cảm động. Ngày hôm nay hun đúc thêm cho chúng ta tình cảm, trách nhiệm, bổn phận đối với Hà Nội - nơi ta đang sinh sống".

Ông Lê Xuân Thành - đại diện ban tổ chức nhận định: "Đến nay, phim trở thành những giá trị mang tính biểu tượng, di sản hình ảnh về Hà Nội, về một thời đầy khát khao đổi mới và mong muốn những điều tử tế". Ông cho biết đạo diễn Trần Văn Thủy được vinh danh nhờ loạt tác phẩm nổi tiếng, trong đó có Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế. Hơn 40 năm trước, đạo diễn làm phim với nhiều những ưu tư, trăn trở, tự vấn về thời thế, thế thời. Hai tác phẩm cũng khắc họa vẻ đẹp Hà Nội nghìn năm, từ lịch sử, văn hóa đến nhịp sống đời thường. 

Khi luận bàn về Hà Nội trong mắt ai, ông bị lãnh đạo cao cấp gọi lên bắt phải sửa và nói ông nghĩ xem hãy nhận làm 1 bộ phim lễ lạt để kỷ niệm 30 năm giải phóng thủ đô nhưng Trần Văn Thủy tìm cách thoái lui. Ông nói không có cách nào làm một bộ phim hay nếu không động vào thần kinh của xã hội.

Đạo diễn Trần Văn Thủy dự lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội chiều 6/10 tại Hà Nội. 

Trong một cuộc trò chuyện với VietNamNet năm 2016, đạo diễn kể ông và vợ từng phải leo qua mái nhà đi thủ tiêu tài liệu, băng hình và chạy đến nhà người chị ở Thái Hà để khỏi bị bắt. Làm Chuyện tử tế xong đã lâu nhưng vì vướng mắc với Hà Nội trong mắt ai, Trần Văn Thủy không dám đưa bộ phim đi duyệt.

Sáng 7/10/1987, ông được TBT Nguyễn Văn Linh mời ra nói chuyện riêng về Hà Nội trong mắt ai và khuyên Trần Văn Thủy nên làm phần 2. Do vậy, Chuyện tử tế được coi là phần 2 của Hà Nội trong mắt ai. Đạo diễn Trần Văn Thủy nói nhờ có lời nói của ông Nguyễn Văn Linh mà Chuyện tử tế được ra đời. Cả hai phim đều được ra mắt năm 1987, nhiều năm sau khi hoàn thành và trở thành những tác phẩm kinh điển của đạo diễn Trần Văn Thủy cũng như phim tài liệu Việt Nam. 

"Theo anh thế nào là sự tử tế? - Chịu, thế nào là sự tử tế bây giờ là khó lắm đấy!; - Có được phép nói thật không ạ?" là những câu thoại vô cùng ấn tượng trong Chuyện tử tế. Và đạo diễn đã mượn lời hai nhân vật trong Chuyện tử tế để truyền đi thông điệp về hai chữ "tử tế". "Hai chữ tử tế cộng chung lại là cẩn thận từ những việc nhỏ nhất vì chữ tử tế chúng ta hiểu lâu ngày nó sai đi, khác đi. Cái tử tế thực sự không phải có tiền mà mua được, không thể mong ước là có được mà qua học hành, rèn luyện, giữ gìn, kế thừa mà có". Và "Ăn ở với nhau tử tế là lẽ tử tế, là niềm an ủi của người đời, chỉ có đồ hủi mới ăn ở với nhau chẳng ra gì".

Hồng Khanh, Hữu Khôi, Nguyễn Doanh