Lao hệ thần kinh

    Hiện nay, mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong việc phòng chống cũng như điều trị nhưng bệnh lao vẫn là một vấn đề y tế công cộng mang tính toàn cầu. Theo báo cáo lao toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2012, ước tính có khoảng 9 triệu ca lao mắc mới và 1,4 triệu ca tử vong trong năm 2011. Lao cũng được xếp là bệnh truyền nhiễm gây tử vong đứng hàng thứ hai trên toàn cầu chỉ sau HIV. Bên cạnh đó việc xuất hiện ngày càng nhiều các trường hợp lao đa kháng thuốc có thể dẫn đến nguy cơ bùng nổ một đại dịch mới với tỷ lệ tử vong cao do chính vi khuẩn lao gây ra.

    Trong các thể lao thì lao hệ thần kinh trung ương (LHTKTU) mặc dù chiếm tỷ lệ không cao trong số các trường hợp mắc lao nhưng lại là thể lao nguy hiểm vì có khả năng gây tử vong cao. Hai dạng chính của LHTKTU là lao màng não (LMN) chiếm từ 0,5-1% số ca mắc lao và u lao não chiếm đến 40% số ca u não trên toàn thế giới. Tỷ lệ tử vong do LHTKTU có thể lên đến 60-70% nếu bệnh nhân không điều trị kịp thời và hợp lý. 

    Bệnh lao nói chung và LHTKTU nói riêng đều do trực khuẩn lao Mycobacterium. tuberculosis gây ra. M. tuberculosis rất khó bắt màu bằng các thuốc nhuộm thông thường và chỉ bắt màu với thuốc nhuộm Ziehl- Neelsen, do đó còn được gọi là trực khuẩn kháng acid. 

    Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy rằng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc LHTKTU. Tuổi là một yếu tố nguy cơ quan trọng bởi vì LHTKTU thường xảy ra ở trẻ em và những bệnh nhân HIV[10, 25, 28, 84]. Một số yếu tố khác cũng đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ mắc LHTKTU ở trẻ em bao gồm suy dinh dưỡng và mắc bệnh sởi. 

    Ở người trưởng thành thì các yếu tố như nghiện rượu, u ác tính và sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch là các yếu tố nguy cơ. Một số nghiên cứu tại các nước phát triển còn phát hiện ra rằng những công dân từ nước khác di cư đến nước đó để sinh sống hoặc những công dân của nước đó nhưng được sinh ra tại các nước đang phát triển là hai nhóm đối tượng cũng có nguy cơ cao mắc LHTKTU.

    LHTKTU có thể chia thành nhiều thể khác nhau trong đó chia thành hai nhóm chính: Một là lao trong não: bao gồm lao màng não, lao não, lao mạch máu, u lao não, áp xe não do lao; và hai là lao tủy sống: bao gồm bệnh tủy sống Pott và bệnh liệt hai chi Pott, u lao tuỷ sống, và lao tủy sống. Trong các thể trên ba thể thường gặp trên lâm sàng là lao màng não, u lao não và lao tủy sống. Mỗi thể LHTKTU đều có các biểu hiện lâm sàng khác nhau.

    Triệu chứng lâm sàng của lao màng não

    Sau giai đoạn sơ nhiễm khoảng vài tuần đến vài tháng, ở người trưởng thành và trẻ lớn có triệu chứng thực thể không đặc trưng, thường là sốt, nhức đầu, cứng cổ, nôn ói và chán ăn.

    Còn đối với trẻ nhỏ, các triệu chứng có thể gặp là kém phát triển, sụt cân, quấy khóc, biếng ăn, khó ngủ. Một nghiên cứu cho thấy có đến 50 – 90% trẻ em với triệu chứng thần kinh không điển hình có tiền sử tiếp xúc trước đó với ca nhiễm lao. Co giật do sốt hoặc không sốt, liệt người hoặc tê liệt thần kinh sọ cũng là những dấu hiệu trình diện bệnh lao màng não ở trẻ nhỏ.

    Triệu chứng lâm sàng của u lao não

    Các biểu hiện lâm sàng của u lao não tùy thuộc vào vị trí giải phẫu của u lao, nhưng thường là không triệu chứng. Các triệu chứng nếu có thường là nhức đầu, sốt và sụt cân. Co giật cục bộ hay co giật toàn thân cũng có thể là dấu hiệu trình diện thường thấy ở cả người lớn và trẻ em. Các dấu chứng thần kinh cục bộ ít gặp hơn nhưng các bất thường về thần kinh vận động, tiểu não và khoang bướm là các dấu chứng phổ biến nhất ở người trưởng thành. Ngoài ra, một số bệnh nhân còn có các biểu hiện bất thường như suy chức năng tuyến yên, tiêu chảy và hội chứng cuống não. 

    Triệu chứng lâm sàng của lao tủy sống

    Vi khuẩn lao có thể tấn công bất cứ bộ phận nào của tủy sống bao gồm cả rễ thần kinh vì vậy thường gây ra các triệu chứng liên quan đến thần kinh vận động trên hoặc dưới và có nhiều triệu chứng không đặc trưng khác nhau.

    Khoảng 10% các ca LMN có mắc lao tủy sống. Lao thân đốt sống (bệnh Pott) chiếm phần lớn các ca lao tuỷ sống và dấu chứng thường gặp là đau, mọc bướu, và dấu hiệu của chèn ép cột sống từ bên ngoài. Lao tủy sống ngoài màng cứng gây ra hơn 60% số trường hợp liệt nhẹ chi dưới mặc dù u lao có thể xuất hiện ở bất kì phần nào của cột sống. Viêm tủy rễ thần kinh do lao hiếm gặp nhưng cũng đã được ghi nhận với điển hình là yếu cơ cấp, đau rễ thần kinh, và suy chức năng bàng quang. Rỗng tủy sống là một biến chứng hiếm gặp của lao cột sống.

    Nhiều ca mắc lao màng não đồng loạt nhập viện, trẻ co giật vì biến chứng

    Bệnh nhi là con thứ 12 trong gia đình. Khi nhập viện, trẻ có biểu hiện co giật, đầu to bất thường vì biến chứng, nhiều ổ lao bám trên màng não.