Nhà thông minh (tiếng Anh: home automation, domotics, smarthome hoặc Intellihome) là kiểu nhà được lắp đặt các thiết bị điện, điện tử có thể được điều khiển tự động hoá hoặc bán tự động, thay thế con người trong thực hiện một hoặc một số thao tác quản lý, điều khiển. Hệ thống điện tử này giao tiếp với người dùng thông qua bảng điện tử đặt trong nhà, ứng dụng trên điện thoại di động, máy tính bảng hoặc một giao diện web.
Trong căn nhà thông minh, đồ dùng trong nhà từ phòng ngủ, phòng khách, phòng bếp đều gắn các bộ điều khiển điện tử có thể kết nối với Internet và điện thoại di động, cho phép chủ nhân điều khiển vật dụng từ xa hoặc lập trình cho thiết bị ở nhà hoạt động theo lịch. Thêm vào đó, các đồ gia dụng có thể hiểu được ngôn ngữ của nhau và có khả năng tương tác với nhau.
Hiện nay có khá nhiều thương hiệu cho nhà thông minh, tuy vậy chưa có chuẩn công nghiệp nào được đặt ra cho nó và do vậy thị trường nhà thông minh rất phân mảnh. Các gói nhà thông minh hiện nay sử dụng giao thức riêng theo ý chí chủ quan của từng công ty/ nhà sản xuất/ tích hợp và không tương thích với nhau.
Hiện nay công nghệ nhà thông minh tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, nhiều công nghệ mới được áp dụng vào phát triển cho hệ thống nhà thông mình. Việc sử dụng kết nối không dây hoàn toàn giữa các thiết bị trong nhà đang được ưu tiên và sử dụng rộng rãi, cụ thể như 4G, Wi-Fi, Bluetooth và các giao thức mạng khác. Điều này tạo nên thiết kế đột phá mang lại sự sang trọng, tiện nghi và hiện đại cho ngôi nhà của bạn.
Đánh giá một cách tổng quan, công nghệ Smarthome bắt đầu được sử dụng phổ biến tại thị trường trong nước, tuy nhiên nhiều người vẫn đang lo ngại về chuyện mất an toàn thông tin khi sử dụng các công nghệ này. Thực tế, đây là vấn đề đáng lo ngại bởi hầu hết các thiết bị điện tử trong nhà đều có kết nối với nhau thông qua một hệ thống. Nếu bị kẻ xấu tấn công và chiếm quyền kiểm soát, hậu quả để lại sẽ rất nghiêm trọng.
Trao đổi với phóng viên ICTNews về nội dung này, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav cho rằng: “Xu hướng dùng các công nghệ Smarthome sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, nhưng khi sử dụng Smarthome chúng ta phải đối mặt với nhiều nguy cơ bị kẻ xấu xâm nhập, kiểm soát, phát tán thông tin riêng tư. Do vậy, khi trang bị hệ thống Smarthome cho ngôi nhà của mình bạn cần chọn các nhà cung cấp có tên tuổi”.
Ngoài ra, “trong quá trình triển khai lắp đặt, cần yêu cầu đơn vị thi công có các giải pháp bảo mật để tránh sự can thiệp trái phép của hacker. Ví dụ như: Thay dổi các tài khoản mặc định, triển khai những giải pháp bảo mật khi truy cập từ xa, tách riêng hệ thống điều khiển trung tâm Smarthome với hệ thống mạng gia đình”, ông Ngô Tuấn Anh chia sẻ thêm.
Nói một cách cụ thể, hầu hết các thiết bị nhà thông minh hiện nay đều được kết nối với một bộ router bởi thói quen sử dụng của người dùng. Trong khi đó, đây chính là hệ thống dễ bị tấn công nhất bởi nó không được trang bị bất kỳ tính năng bảo mật nào ngoài việc thiết lập mật khẩu. Tuy vậy, đại đa số người dùng tại Việt Nam lại không có quá nhiều kiến thức trong lĩnh vực này, thậm chí mật khẩu Wi-Fi và router của nhiều gia đình đều do các kỹ thuật viên lắp đặt thiết lập.
Chính vì vậy, việc chủ động sử dụng tên mạng và mật khẩu Wi-Fi an toàn với các chuẩn mã hóa WPA2 cho router là điều cần thiết. Ngoài ra, bạn cũng có thể thiết lập thêm một mạng khách (Guest Network) riêng để cho phép người lạ dùng Wi-Fi nhưng không được truy cập vào thiết bị trong hệ thống nhà.
Việc thiết lập tường lửa cho router cũng rất cần thiết, tuy nhiên không phải router nào cũng có hỗ trợ. Vì vậy, hãy lựa chọn một mẫu router mẫu mới nhất ngay từ khi có ý định trang bị hệ thống Smarthome cho ngôi nhà của bạn. Tất nhiên, đừng quên thường xuyên cập nhật phần mềm cho các thiết bị điện tử để vá lỗi hệ thống, bởi không phải thiết bị nào cũng tự động update.
Cuối cùng, nếu thật sự muốn giữ an toàn cho tất cả hệ thống, bạn nên mua giải pháp bảo mật chuyên nghiệp. Tùy thuộc vào nhu cầu khác nhau, bạn có thể lựa chọn các giải pháp đang được nhiều nhà dịch cung cấp dịch vụ đưa ra, để tối ưu nhất cho khoản chi phí mua phần mềm ban đầu.
Phong Vũ
Điểm nóng an ninh mạng Việt Nam: Tin giả, lừa đảo, đa cấp biến tướng
Trong năm nay, Bộ Công an đã khởi tố 131 đối tượng có hành vi sử dụng công nghệ cao để vi phạm pháp luật, 469 đối tượng khác cũng bị xử lý về vi phạm hành chính.