Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Nam Phong, Trưởng Khoa Điều trị tích cực và Chống độc, Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an), cho hay bệnh nhân là anh C.Đ.C (39 tuổi), có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm và vừa khỏi bệnh sốt xuất huyết.

Tối 26/8, đang ăn cùng bạn, anh C. hít phải khói thuốc lá điện tử, lập tức thấy đau tức vùng ngực trái, cảm giác tim co thắt, khó thở. Biết bản thân bị dị ứng với khói thuốc lá điện tử, anh C. lập tức bắt xe taxi đến thẳng Bệnh viện 19-8. 

Sau 3 phút vào viện, anh C. đột ngột có biểu hiện co giật mất ý thức, tím tái toàn thân. Các bác sĩ cấp cứu sốc điện về nhịp xoang, 5 phút sau, bệnh nhân lại xuất hiện rung thất, ngừng tim. 

Bệnh nhân được cấp cứu ngừng tim, sốc điện, đặt ống nội khí quản, chuyển từ khoa Cấp cứu vào Khoa Điều trị tích cực và Chống độc thở máy trong tình trạng lơ mơ, kích thích. 

Các thầy thuốc nhận định nam bệnh nhân bị sốc tim, nhồi máu cơ tim. Kết quả chụp động mạch vành qua da sau khi hội chẩn bác sĩ tim mạch cho thấy bệnh nhân xuất hiện huyết khối tắc toàn bộ động mạch liên thất trước. Lập tức, các bác sĩ tiến hành hút huyết khối, đặt stent cho người bệnh. Sau can thiệp, bệnh nhân tiếp tục điều trị thở máy, an thần, trợ tim, vận mạnh, hồi sức tích cực. 

Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim điều trị tại Bệnh viện 19-8

Bác sĩ Phong cho biết 2 ngày sau khi ngừng tim và được can thiệp mạch vành, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, được bỏ thở máy, rút ống nội khí quản, hồi phục tốt dần.

"Bệnh nhân rất may mắn bởi còn trẻ, có phản xạ nhanh, cảnh giác với nguy cơ bệnh lý tim mạch nên đã vào viện ngay. Nếu bệnh nhân vào chậm khoảng 10-15 phút, khả năng khó có thể cứu sống", bác sĩ Phong cho hay.

Liên quan đến bệnh lý sốt xuất huyết mà bệnh nhân vừa mắc phải, BS Phong nhận định, sau khi bị sốt xuất huyết nếu có rối loạn đông máu có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.

"Người bị sốt xuất huyết, ngoài nguy cơ gây xuất huyết, chảy máu còn có thể gây rối loạn đông máu, xuất hiện các cục máu đông gây tắc mạch. Đây cũng có thể là lý do gây tắc mạch vành, gây nhồi máu cơ tim", bác sĩ Phong phân tích.

Thuốc lá gây hại cho sức khỏe người hút trực tiếp cũng như người hút thụ động

Thuốc lá điện tử hay thuốc lá truyền thống đều gây hại cho sức khỏe người hút trực tiếp cũng như người hút thụ động. Các chất độc hại với cơ thể do thuốc lá điện tử sinh ra phần lớn đến từ các sản phẩm dạng hóa chất của chất tạo khói và tạo mùi, tiếp xúc trong thời gian càng dài thì ảnh hưởng tới sức khỏe càng nhiều.

Vì vậy, người tiếp xúc nhiều hơn thì ảnh hưởng nhiều hơn, kể cả người hút chủ động và thụ động. Các hóa chất sinh ra từ quá trình tạo khói và đốt cháy chất tạo mùi có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với cơ quan hô hấp và tim mạch. Những ảnh hưởng lâu dài có thể gây độc tế bào và nguy cơ phát triển ung thư.

Xuân Ngọc và nhóm PV, BTV