Những ngày qua, thông tin về việc Sofm đại thắng liên tiếp tại LPL cùng với team Snake đang là tâm điểm chú ý của truyền thông e-sports Việt Nam cũng như Trung Quốc. Có lẽ chưa bao giờ chúng ta được thấy một tuyển thủ người Việt được nhắc đến nhiều đến vậy trên mặt báo Trung Quốc. Tất cả những thành quả ấy là nỗ lực không mệt mỏi của Sofm trong suốt quá trình leo rank Hàn với ping luôn xấp xỉ 100, để rồi lọt vào mắt xanh của những độ tuyển hàng đầu LPL.
Liên tiếp sau thành công của Sofm, hàng tá đánh giá và bài viết game thủ “mơ” về một tương lai sáng lạn có thể bước chân đến đài vinh quang. Thế nhưng thực tế liệu có như vậy? Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói “Sofm và phần còn lại của MOBA Việt Nam”. Hãy nhìn vào thực tế những gì mà MOBA Việt đang có sẽ tự nhận ra được “vùng trũng” ấy lớn như nào.
“Sửu nhi”, troll game và tools
Liên Minh Huyền Thoại hiện nay đã quá phổ biến tại Việt Nam, ở bất kì phòng nét nào, dù tồi tàn hay cao cấp thì số đông người chơi đều yêu thích game này. Cũng chính vì thế mà lứa tuổi chơi ngày càng trẻ hóa, với những quy định lỏng lẻo ở các tiệm nét, không khó để tìm thấy những đứa trẻ mới chỉ 10 – 12 tuổi đang miệt mài combat trong Liên Minh Huyền Thoại. Và tất nhiên khi gặp trẻ con chơi thì xác định 90% là feed mạng, chửi bới và sẵn sàng afk để troll đồng đội. Ấy là còn chưa kể đang chơi bị phụ huynh gank, hết tiền… là những lý do afk phổ biến thường thấy ở game thủ “sửu nhi”.
Lên Rank cao hơn một chút nữa những tưởng thoát được nạn “sửu nhi” thì gặp ngay tools. Không khó để nhận ra những pha xử lý né skill thần thánh hay auto trúng skill là tác phẩm của loạt tools. Mặc dù liên tục update để diệt tools với những mức phạt khóa tài khoản vĩnh viễn cực kì nặng tay, thế nhưng thực tế vẫn liên tục có các tools mới xuất hiện thách thức NPH trò chơi. Thậm chí nhiều nơi còn cho thuê tools theo giờ. Vấn nạn này không chỉ có ở Việt Nam mà còn hiện hữu ở nhiều máy chủ khác trên thế giới. Tuy nhiên với “truyền thống” thích hack, cheat, không khó hiểu khi máy chủ Việt Nam luôn là nơi tools xuất hiện nhiều nhất.
Đãi ngộ cho tuyển thủ e-sports cực kì thấp
Nếu so sánh với các đội tuyển khác trong khu vực thì mặt bằng chung lương tuyển thủ chuyên nghiệp là rất thấp. Phần khách quan là do nền e-sports Việt Nam chưa thực sự phát triển, còn thiếu sự đầu tư chuyên nghiệp từ các tập đoàn hay những đơn vị lớn. Chủ yếu vẫn là các team đại diện cho một vài thương hiệu nhỏ lẻ, rất khó có thể chi vài trăm triệu cho một đội tuyển chứ đừng nói vài triệu USD như các đội tuyển ở Trung Quốc, Hàn Quốc hay các đội tuyển Bắc Mỹ, Châu Âu…
Tất nhiên cũng không thiếu nhiều lý do chủ quan khác dẫn đến đãi ngộ không tốt đối với tuyển thủ. Có thể là phong độ không duy trì tốt, hụt hơi trong các giải đấu tầm khu vực. Bản thân các đội tuyển cũng thường trục trặc nội bộ dẫn đến xé lẻ team, nhảy team… Kết cục cuối cùng là nghỉ thi đấu, nhiều tuyển thủ chuyên nghiệp nổi danh một thời chuyển qua stream và… cày thuê. Âu cũng là bước đường cùng vì miếng cơm manh áo. Thế nhưng nếu ngay từ đầu, những đội tuyển này có được sự quan tâm và đầu tư lớn thì liệu có kết cục đáng buồn này không?
Đâu là hướng đi cho tuyển thủ e-sports Việt Nam
Để giải quyết được những vấn nạn trên, không thể một sớm một chiều mà cần sự thay đổi về lâu về dài. Trong đó những ưu tiên đối với thể thao điện tử Việt Nam sẽ cần được xem xét đầu tư hơn nữa, bởi thực tế Sofm là một minh chứng sống cho việc tuyển thủ Việt Nam hoàn toàn có khả năng chơi ở các đấu trường lớn. Quan trọng là phải có “thực mới vực được đạo”, nếu các tuyển thủ có thu nhập tốt hơn, môi trường chuyên nghiệp hơn, có lẽ số lượng game thủ Việt vươn tầm thế giới chắc chắn sẽ không ít.
Bi Boyz