Gieo "chữ” ngày hè

Mỗi dịp hè, nhiều ngôi chùa trong tỉnh Sóc Trăng lại mở những lớp học dành cho con em người Khmer. Khi đến đây, các em được bổ túc văn hóa và quan trọng nhất là được học chính ngôn ngữ của dân tộc mình.

Một ngày mới bắt đầu ở ngôi chùa Prey Chop, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu không chỉ có tiếng tụng kinh mà còn có tiếng trẻ đọc bài vang lên một góc sân, lay động cả không gian thanh tịnh. 

Đến với lớp học có đủ mọi thành phần, lứa tuổi, từ những em mới vào học lớp 1 đến những em đang học trung học cơ sở. Xuất thân, lứa tuổi khác nhau nhưng các em có điểm chung là ham học.

Bên cạnh các hoạt động tôn giáo, chùa Prey Chop mở các lớp dạy chữ Khmer cho con em người Khmer. 

Lớp học ở chùa được tổ chức khá bài bản: Có bàn ghế, bảng đen, phấn trắng và cả giáo trình để giảng dạy. Lớp học được đặt ngay trong khu chính điện với 2 ca học sáng và chiều.

Từ thứ 2 đến thứ 6, ngày nào chùa cũng rộn ràng tiếng các em nhỏ. Người đứng lớp giảng dạy là các sư tu tập lâu năm trong chùa, có khả năng đọc thông, viết thạo tiếng Khmer. 

Hòa thượng Thạch Huôl, trụ trì chùa Prey Chop chia sẻ: “Người Khmer có tiếng nói, chữ viết và nền văn hóa riêng rất đặc sắc. Các lớp dạy tiếng Khmer có ý nghĩa quan trọng với người dân Khmer. Chúng tôi ngoài dạy chữ, dạy tiếng Khmer còn dạy cả văn hóa truyền thống, lịch sử, giáo lý nhà Phật và đạo làm người. Qua đó, góp phần bảo tồn, gìn giữ tiếng mẹ đẻ và giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình từ bao đời nay”.

Cậu bé tranh thủ ôn bài trước giờ học ở chùa Prey Chop.

Ông Ngô Hùng, Bí thư Thị ủy Vĩnh Châu cho biết: “Hòa thượng Thạch Huôl trụ trì chùa Prey Chop là  người có uy tín rất cao trong cộng đồng người Khmer, có nhiều tâm huyết với công việc dạy ngôn ngữ Khmer. Những năm qua, lực lượng người có uy tín như hòa thượng Thạch Huôl là lực lượng cốt cán vận động thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo. Tranh thủ sự hỗ trợ hết mình của trụ trì chùa, chúng tôi cũng tuyên truyền, khuyến khích chùa Prey Chop và các nhà chùa tiếp tục phát huy trong việc mở các lớp dạy chữ và tiếng Khmer cho phật tử trên địa bàn xã Lai Hòa”.

Rời chùa Prey Chop, tôi đến chùa Sê Rây Ta Mơn (hay còn gọi là chùa Tà Mơn) ở huyện Trần Đề. Ngôi chùa mang giá trị nghệ thuật cao với khuôn viên rộng khoảng 3ha, gồm các công trình thiết kế theo lối kiến trúc của Phật giáo Nam tông. Các nghệ nhân tài hoa đã khắc họa một cách tỉ mỉ, kỳ công lên những pho tượng, bức phù điêu về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca và nhiều linh vật, chim thần, rắn Naga…

Lớp học tiếng Khmer ở chính điện chùa Sê Rây Ta Mơn.

Từ cổng chính đi vào, tiếng trẻ em đọc bài râm ran phát ra từ ngôi chính điện đồ sộ bên trái. Chùa đang duy trì 4 lớp học tiếng Khmer trong 3 tháng hè. Sĩ số lớp dao động từ 10 đến 50 học sinh. 

Sư Kim Chí Thành, thầy giáo đứng lớp dạy ngôn ngữ Khmer chùa Sê Rây Ta Mơn cho biết, vào dịp hè, các sư và phật tử trong chùa tổ chức lớp dạy học. Ngoài thông báo mở lớp qua các buổi sinh hoạt tôn giáo, sư còn đến tận nhà động viên các gia đình cho con em đến học. Phụ huynh thích cho con em học chữ Khmer nên khi sư Kim Chí Thành vận động, họ hưởng ứng và đưa con em đến học rất đông. Các lớp được phân theo trình độ từ lớp 1, 2, 3 để học sinh dễ tiếp thu. 

Bên cạnh sử dụng giáo trình tiếng Khmer của Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn, các sư đảm nhiệm công việc dạy học còn sử dụng những quyển kinh Phật bằng tiếng Pali để thuyết giảng, như một phương pháp học đạo nhằm giúp học sinh thấm nhuần tinh thần đạo đức, cách ứng xử trong mọi phương diện của cuộc sống, biết kính trọng ông bà, cha mẹ, lễ phép với mọi người để làm bệ đỡ, hành trang bước vào đời.

Thượng tọa Trần Văn Tha, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, Chánh thư ký Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, trụ trì chùa Sê Rây Ta Mơn cho biết: “Việc tới chùa học chữ Khmer là truyền thống từ xưa tới nay nên các phật tử rất đồng thuận. Các em học sinh được miễn học phí, nếu có khó khăn nhà trường sẽ hỗ trợ thêm về sách, bút... Phía chính quyền địa phương cũng đồng hành, quan tâm, hỗ trợ nhà chùa và các sư một phần kinh phí duy trì lớp”.

Các em nhỏ hào hứng đọc bài trong lớp học ngôn ngữ Khmer. 

“Ở nhà em, mọi người đều giao tiếp bằng tiếng Khmer nhưng em lại không biết viết chữ. Vì thế, khi chùa mở lớp, em xin bố mẹ cho lên học. Em học ở đây được 2 năm, tuy chưa thông thạo nhưng giờ em đã có thể viết và đọc được chữ Khmer. Em thấy rất vui khi được tham gia lớp học như thế này”, em Khả Vy, học sinh lớp tiếng Khmer chùa Sê Rây Tà Mơn nói.

"Em mới học được 1 tuần, tuy khó nhưng em sẽ cố gắng. Những tiết học tiếng Khmer rất thú vị, em được tham gia nhiều hoạt động bổ ích. Em hy vọng khi học ngôn ngữ Khmer sẽ lan tỏa được văn hóa của dân tộc mình đến bạn bè", em Thạch Thị Ngọc Đào, 13 tuổi ở xã Liêu Tú, huyện Trần Đề chia sẻ. 

Bảo tồn, phát huy ngôn ngữ Khmer

Ngôn ngữ Khmer bao gồm tiếng nói và chữ viết. Tiếng nói là phương tiện giao tiếp trong cộng đồng, có đặc tính riêng. Tiếng Khmer có đơn âm và đa âm, nhưng song âm giữ vai trò quan trọng nhất. Để ghi âm tiếng nói của mình, tổ tiên người Khmer đã tạo ra hệ thống ký hiệu đặc biệt lưu giữ những tư tưởng, tình cảm và những thành tựu văn hoá, văn minh... được gọi là aksor Khmer.

Một em nhỏ luyện viết chữ Khmer. 

Chữ Khmer hiện tại gồm có 33 phụ âm và chân chữ, trong đó có 15 phụ âm giọng O, 18 phụ âm giọng Ô và 7 phụ âm bổ sung. Về nguyên âm có 20 nguyên âm đơn, 4 nguyên âm ghép (24 nguyên âm này đọc thành 45 âm tuỳ theo ghép với phụ âm giọng O hay giọng Ô) và 9 nguyên âm độc lập.

Đây là hệ thống chữ cái chính thức dùng để viết tiếng Khmer và chép kinh Phật giáo Nam tông tiếng Pali trong các nghi lễ Phật giáo Theravada. Sở dĩ chữ Khmer có quá nhiều ký tự như vậy vì trong tiếng Khmer có rất nhiều từ gốc tiếng Phạn.

Tiếng Khmer vừa là tiếng dân tộc, vừa là một ngoại ngữ thông dụng ở Nam Bộ. Loại ngôn ngữ này được sử dụng với mục đích giao tiếp, bảo tồn văn hoá cổ truyền trong nội bộ các phum, sóc Khmer và dùng để ngoại giao mọi mặt với nhân dân nước bạn Campuchia, nhất là những địa phương có chung đường biên giới. Tiếng Khmer giúp cho người dân hai nước dễ dàng giao tiếp trong việc trao đổi, mua bán, phát triển kinh tế từ bao đời nay. Xuất phát từ đó, những năm gần đây, việc dạy và học ngôn ngữ Khmer được đẩy mạnh trong các chùa, phum, sóc.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng Lý Rotha thông tin: "Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường công tác dân tộc trong tình hình mới, thời gian qua, đời sống của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng luôn được các cấp chính quyền quan tâm, chăm sóc. Ngoài những tiết học chữ Khmer ở các trường phổ thông, phổ thông dân tộc nội trú, hằng năm các chùa Khmer ở Sóc Trăng đều mở lớp dạy chữ cho sư sãi và con em đồng bào. Đây là hoạt động đã có từ lâu và mang ý nghĩa thiết thực, góp phần bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết, văn hóa Khmer".

Hòa thượng Tăng Nô, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng cho biết, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các chùa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được xây dựng, trùng tu lại khang trang hơn. 

Toàn tỉnh hiện có hơn 85% số ngôi chùa được xây dựng, sửa chữa lại. Trong chùa, việc dạy chữ Khmer luôn được duy trì, vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa thúc đẩy nâng cao dân trí, đáp ứng được nhu cầu tinh thần của sư sãi và đồng bào phật tử Khmer trong tỉnh.

Đảng, Nhà nước và tỉnh Sóc Trăng rất quan tâm đến xây dựng, trùng tu các ngôi chùa và khuyến khích việc dạy chữ Khmer.

Nhằm hỗ trợ giữ gìn và phát triển tiếng nói, chữ viết, năm 2019 và 2020, HĐND và UBND tỉnh đã có chính sách đặc thù hỗ trợ kinh phí 874.880.000 đồng cho 158 nhà sư, Achar là người dạy tiếng và chữ Khmer vào dịp hè. 

Chương trình tiếng Khmer được phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh 03 buổi/ngày và trên sóng truyền thanh của thành phố Sóc Trăng và thị xã Vĩnh Châu 02 buổi/ngày, Tòa soạn Báo Sóc Trăng xuất bản ấn phẩm Tạp chí Khmer Sóc Trăng và Báo Sóc Trăng bằng chữ Khmer.

Quỳnh Nga