Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Theo số liệu thống kê mới nhất, trên địa bàn hiện có khoảng hơn 400.000 người dân tộc Khmer, chiếm 31% tổng dân số toàn tỉnh. Trải qua nhiều thế kỷ, người Khmer nơi đây đang kế thừa một nền di sản văn hóa vô giá với nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo, nhiều lễ hội, những ngôi chùa cổ kính với nét kiến trúc tinh tế không phải nơi nào cũng có được.

Trước xu thế toàn cầu hóa gia tăng cùng những thách thức không nhỏ hiện nay, để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer đòi hỏi chính quyền địa phương cần thực hiện những giải pháp thiết thực góp phần xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc thành các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể. Tiếp tục đẩy mạnh việc bảo tồn, khôi phục và phát triển văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thiết thực, hiệu quả nhằm ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giải quyết các vấn đề xã hội và thực hiện tốt chính sách dân tộc. Từ đó góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.

Đội văn nghệ chùa Peam Buol Thmay ở thành phố Sóc Trăng. 

Bảo tồn giá trị các lễ hội truyền thống

Ông Sơn Thanh Liêm, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Sóc Trăng là vùng đất có 3 dân tộc sinh sống. Nét đặc sắc nhất trong văn hóa là của đồng bào dân tộc Khmer.

Đến với Sóc Trăng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng và hưởng thụ những nét văn hóa đặc sắc như sân khấu dù kê, nghệ thuật dân gian ngũ âm, múa lăm vông... Trong đó đặc biệt là vào ngày rằm tháng 10 âm lịch, chúng ta sẽ được thưởng thức lễ hội Ok Om Bok (lễ hội cúng trăng). Lễ hội này đã được Tổ chức Guinness Việt Nam trao quyết định và bằng công nhận Kỷ lục Guinness "Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng có số lượng ghe ngo và vận động viên đông nhất" Việt Nam từ năm 2005 đến nay”.

Theo ông Liêm, hiện nay trên địa bàn có 14 lễ hội thuộc loại hình lễ hội truyền thống (lễ hội tại các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội dân gian). Các lễ hội diễn ra đều bảo đảm đúng thủ tục, thông báo đến cơ quan quản lý trước khi tổ chức. Các lễ hội ở Sóc Trăng được tổ chức phù hợp với thuần phong mỹ tục, điều kiện kinh tế của mỗi địa phương, tạo không khí lành mạnh, phấn khởi, cuốn hút rất đông du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Sóc Trăng có nhiều ngôi chùa độc đáo, mang đậm dấu ấn của người Khmer. 

Tiêu biểu nhất là Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer và tục đắp núi cát. Đây là lễ tục tạo công đức, cầu phước cho gia đình. Qua đó, thể hiện sự đoàn kết của phật tử và sư sãi trong việc chăm lo cho chùa, nơi được ví như trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào Khmer. Việc duy trì tập tục này đã góp phần vào bảo tồn, gìn giữ những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào Khmer.

Lễ hội Ook Om Bok (tục gọi cúng trăng hay lễ đút cốm dẹp) và đua ghe ngo (diễn ra từ ngày 14 – 15/10 âm lịch). Sau lễ cúng trăng, các gia đình đến chùa xem thả đèn gió, đèn hoa đăng.

Đua ghe ngo là phần hấp dẫn nhất trong lễ hội Ook Om Bok. Đây được coi là hoạt động rước đặc trưng của cư dân nông nghiệp lúa nước, thể hiện sự biết ơn đối với thần nước đã phù hộ cho người dân một mùa màng bội thu. Lễ hội đua ghe ngo của người Khmer gồm hai loại: đua trên cạn và đua dưới nước.

Đua ghe ngo trên cạn chủ yếu là sự tái hiện, mô phỏng lại cuộc đua ghe dưới nước. Nó thường được tổ chức gắn liền với các lễ hội truyền thống và là một trò chơi thường xuất hiện trong phần hội sau các lễ thức truyền thống. Còn đua ghe ngo dưới nước mới là hoạt động được trông đợi của đông đảo người dân, du khách vào ngày lễ cúng trăng (rằm tháng 10 âm lịch).

Người dân cúng thần linh trên ghe ngo. 

Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lễ hội trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn quan tâm, chú trọng đến các nghi thức, các trò diễn nói về sự tích lễ hội. Chọn lọc những nét đặc sắc, tiêu biểu nhất để xây dựng kịch bản; vừa giáo dục nghi lễ truyền thống, vừa thu hút sự chú ý, lôi cuốn đối với người xem lẫn người diễn. Tăng cường vận động người có uy tín, nghệ nhân dân gian am hiểu về nguồn gốc của các lễ hội để tổ chức phục dựng lại một số lễ hội có nguy cơ bị thất truyền. 

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng cho biết, thời gian qua, các thiết chế văn hóa cho đồng bào dân tộc Khmer được giữ gìn, tôn tạo và thực hiện, đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của người Khmer. Có thể kể đến như các chùa Khmer, bảo tàng Khmer, đoàn nghệ thuật Khmer, hệ thống các trường dân tộc nội trú hay các lễ hội, Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer luôn được tổ chức trang trọng, đúng với nghi thức truyền thống.

Từ trước đến nay, tỉnh luôn quan tâm, chăm lo đến cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer. Các chương trình mục tiêu quốc gia đều được tỉnh hướng đến nâng cao đời sống vật chất, đời sống tinh thần cũng như là trình độ dân trí đối với đồng bào dân tộc Khmer.

Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan từ Trung ương đến địa phương thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền. Đặc biệt là triển khai tuyên truyền bằng tiếng Khmer trên Báo Sóc Trăng, trên các chuyên mục bằng tiếng Khmer của Đài Phát thanh - Truyền hình Sóc Trăng, trên Cổng thông tin điện tử hoặc qua hệ thống truyền thanh cơ sở.

Ngoài ra, thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng, kết hợp với các hình thức phù hợp nhằm tuyên truyền đầy đủ, kịp thời về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer. Cùng với đó là tuyên truyền, quảng bá các hoạt động văn hóa của người Khmer đến nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. 

Giữ gìn bản sắc văn hóa trong thời kỳ hội nhập

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã dành hẳn một dự án nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Đây sẽ là nguồn lực to lớn giúp đồng bào các dân tộc thiểu số bảo tồn, khai thác các giá trị bản sắc văn hóa, biến di sản thành tài sản.

Mục tiêu của dự án là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn liền với phát triển kinh tế, phát triển dịch vụ và du lịch; chú trọng các yếu tố về dân sinh, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa làng bản. Xây dựng hạ tầng cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan, giao lưu văn hóa và phục vụ đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực thông qua trò chơi dân gian; dân ca – dân nhạc - dân vũ; lễ hội; trang phục; văn hóa ẩm thực truyền thống; tri thức dân gian…

Câu lạc bộ nghệ thuật ở chùa Bốn Mặt với điệu múa gáo dừa phục vụ các lễ hội của chùa, địa phương và du khách. 

Vì vậy, bên cạnh việc thực hiện đường lối của Đảng về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan liên quan, tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh giải quyết có hiệu quả mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa. Nếu chỉ bảo tồn mà không khai thác sẽ gây lãng phí, hạn chế phát huy giá trị; nếu chỉ phát huy mà không bảo tồn thì sẽ gây hủy hoại.

Khi tổ chức các lễ hội, ngành văn hóa phối hợp với các đơn vị tổ chức tăng cường các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao... khôi phục các trò chơi dân gian phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của các dân tộc anh em, phù hợp từng loại hình lễ hội.

Địa phương cũng đẩy mạnh công tác xã hội hóa, có cơ chế ưu đãi khuyến khích cũng như tạo điều kiện cho các nhà đầu tư quan tâm khai thác và tổ chức lễ hội; sửa chữa trùng tu tôn tạo di tích; tích hợp với các chính sách phát triển du lịch theo từng giai đoạn cụ thể, nhằm khai thác, quảng bá về văn hoá, về lễ hội độc đáo, về vùng đất, con người, địa phương của tỉnh Sóc Trăng.

Ông Lý Rotha, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Là cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa dân tộc nên chúng tôi rất quan tâm việc bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer, đặc biệt một số vấn đề liên quan đến văn hóa phi vật thể. Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận một số văn hóa phi vật thể như múa Rô băm, sân khấu dù kê… 

Để làm tốt hơn nữa vấn đề này, chúng tôi đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu UBND tỉnh có 1 đề án cụ thể, sẽ xuất bản các tài liệu về nguồn gốc của một số các lễ hội. 

Ngoài ra, liên quan đến một số văn hóa, phong tục, ví dụ như trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, chúng tôi đang có một trung tâm trưng bày về sản phẩm văn hóa. Đồng thời thường xuyên tuyên truyền tới bà con là trong quá trình hội nhập, bên cạnh việc học hỏi những tiến bộ của thế giới thì chúng ta vẫn phải gìn giữ bằng được văn hóa truyền thống, ví dụ như trang phục, một số điệu múa dân tộc...”.

Quỳnh Nga