Năm học 2024 – 2025, Trường ĐH Hà Nội công bố mức học phí khoảng 0,72-1,74 triệu đồng một tín chỉ. So với mức thu năm ngoái từ 0,65 - 1,39 triệu đồng một tín chỉ, học phí của nhà trường tăng khoảng 10%.
Tùy vào số tín chỉ học sinh đăng ký mỗi năm, mức học phí sẽ khác nhau. Tuy nhiên trung bình trong năm 2024, học phí các ngành Ngôn ngữ khoảng 27 triệu đồng/năm, học phí các ngành dạy bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp khoảng 30 triệu đồng/năm, học phí các chương trình tiên tiến khoảng 45 triệu đồng/năm.
Trước thông tin trường tăng học phí, nhiều sinh viên đồng loạt bày tỏ sự bức xúc và ngỡ ngàng với mức học phí phải nộp. “Ban đầu em và gia đình động viên nhau cố gắng chi trả mức học phí khoảng 27 – 28 triệu đồng/năm, nhưng giờ nhà trường lại thông báo học phí tăng chóng mặt, áp lực kinh khủng. Không riêng em mà rất nhiều bạn cũng ngỡ ngàng vì học phí quá cao, không thể gánh nối”, một sinh viên bày tỏ.
Một sinh viên khác cũng cho biết việc tăng học phí “chóng mặt” khiến nhiều sinh viên không thể chi trả. “Không đóng đủ học phí sẽ không được thi, điều đó đồng nghĩa với trượt môn và không thể tốt nghiệp. Em mong nhà trường đưa ra mức học phí phù hợp hơn để tất cả sinh viên có thể chi trả”.
Trả lời VietNamNet, TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, cho biết, trường đã tự chủ hoàn toàn (kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư). Như vậy với cơ chế này, nhà trường không còn nhận kinh phí cấp từ ngân sách Nhà nước và phải tự đảm bảo hoàn toàn các khoản chi về lương cho nhân sự, chi phí hoạt động vận hành và đầu tư (phòng học, phòng máy, thiết bị, học liệu, wifi và đặc biệt là xây dựng các công trình mới).
Nguồn thu chính của nhà trường vẫn là học phí, khoảng 65-70% tổng thu; phần còn lại đến từ các nguồn thu hợp pháp khác. Theo TS Cúc Phương, trong bối cảnh tự chủ, học phí sẽ cần có một lộ trình tăng dần để đảm bảo cân đối thu – chi và đầu tư phát triển.
“Khi học phí tăng, quỹ học bổng dành cho sinh viên sẽ tăng vì học bổng khuyến khích học tập chiếm tỉ trọng 8% tổng thu học phí. Chẳng hạn, trong năm học 2022 – 2023, nhà trường cấp hơn 17,3 tỷ đồng cho 1.645 lượt sinh viên”, bà Phương nói.
Ngoài ra, về cơ sở vật chất, nhà trường cũng cải tạo, nâng cấp và xây mới hàng năm. Bên cạnh việc duy tu, bảo trì các công trình hiện có, theo chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, nhà trường cần xây dựng mới một số công trình vì sẽ tăng quy mô đào tạo. Do đó sẽ cần có kinh phí để đầu tư.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng sẽ quan tâm đầu tư cho nguồn nhân lực để thu hút các giảng viên có trình độ cao, tránh tình trạng chảy máu chất xám.
“Để thực hiện được chiến lược phát triển cần có kinh phí và nguồn kinh phí này sẽ đến từ học phí và từ các nguồn thu hợp pháp khác của nhà trường”, bà Phương cho hay.
Theo đại diện trường, đối với các khóa 2020 và 2021, học phí sẽ được giữ nguyên trong 4 năm học. Bắt đầu từ khóa 2022 trở đi, học phí được điều chỉnh theo lộ trình, quy định. Mức điều chỉnh tùy thuộc tình hình thực tế nhưng mức tăng tối đa 15%/năm học.
“Như vậy mức điều chỉnh trên không vượt quá 15% như đã thông tin trong đề án tuyển sinh và quy định học phí các năm”, TS Nguyễn Thị Cúc Phương thông tin.