Tôi là người thích nạp tri thức
- Chính khách hay người nổi tiếng thành công thường viết sách, lý do Shark Nguyễn Hòa Bình viết cuốn “Long Mạch” là gì?
Có 2 lý do tôi viết sách mà tôi gọi là “thùng thuốc súng” và “tia lửa điện”. Tôi đọc rất nhiều, đọc mọi nơi mọi lúc. Tôi đọc mọi thứ từ thông tin kinh tế, chính trị đến xã hội khoa học, giải trí… Tôi thấy mình là người thích nạp tri thức.
Với tôi, có 2 kiểu người viết sách, một là những người viết chuyên nghiệp để kiếm tiền. Hai là những người thành công, nổi tiếng, đặc biệt là phương Tây viết sách để chia sẻ về cuộc đời, câu chuyện của họ. Ban đầu tôi không để ý nhưng 5 năm trở lại đây, tôi nhận ra lý do họ viết sách.
Trong tháp nhu cầu Maslow chỉ ra các nhu cầu cơ bản của con người bao gồm 5 tầng. Theo cách hiểu của tôi, ở tầng cao nhất, đỉnh của chóp, con người có nhu cầu được để lại di sản, điều gì đó cho đời để về sau được nhớ đến. Đó là nhu cầu sâu sắc, giá trị nhất của con người.
Có nhiều cách để lại di sản, mỗi ngành mỗi nghề khác nhau. Tôi chọn viết sách chia sẻ những điều có ích cho mọi người trong lĩnh vực của mình. Tôi tạm gọi đó là lý do “thùng thuốc súng” khi chọn ra sách.
Tuy nhiên, có một lý do khác để tôi hoàn thành xuất bản cuốn sách này mà tôi gọi là “tia lửa điện”. Khi dịch Covid xảy ra, tôi có thời gian rảnh. Từ lý do “thùng thuốc súng”, tôi nung nấu và nhận ra đây là thời điểm tốt để bắt tay viết sách.
- Để viết một cuốn sách không phải điều dễ dàng, anh đã “thai nghén” và hoàn thành mục tiêu này như thế nào?
Ban đầu, tôi cứ nghĩ viết sách đơn giản nhưng cực kỳ khó. Tôi đánh giá đây là một trong những dự án khó nhất trong cuộc đời mình.
Tôi cũng từng tìm tới một số nhóm biên tập để chắp bút, ghi chép lại ý tưởng của mình. Tôi rất tri ân công sức của các bạn bỏ ra thời gian đầu. Tuy nhiên, sau đó tôi cảm thấy mọi thứ vẫn không đúng ý mình. Cuối cùng, tôi quyết tâm tự viết.
Tuy nhiên, khi đi vào thực hiện tôi gặp rất nhiều khó khăn. Đôi khi tôi cũng bế tắc, ngồi 2-3 tiếng không viết được chữ nào. Có lúc tôi cũng lười, hay những mối quan tâm xung quanh khiến tôi xao nhãng khỏi mục tiêu.
Từ khi bắt đầu viết sách năm 2021, tôi định bỏ cuộc mấy lần rồi nhưng tiếc công sức bỏ qua trước đó và vì điều kiện công việc vẫn cho phép nên tôi lại quyết tâm. Tuy nhiên, tiến độ vẫn rất chậm. Nhiều khi 2 tháng tôi mới viết xong 1 chương. Cuốn Long Mạch thật ra chỉ tóm gọn được một nửa những điều tôi muốn viết.
Giữa năm 2022, tôi quyết tâm viết tiếp để xong một cột mốc quan trọng của cuộc đời. Tháng 9/2022 tôi hoàn thành và ra mắt cuốn sách vào tháng 10.
Tôi cũng rất vui khi dành toàn bộ lợi nhuận thu được từ việc bán sách để góp phần thực hiện dự án từ thiện xây trường mầm non cho trẻ em vùng sâu vùng xa tại tỉnh Kon Tum. Ngôi trường đã được thi công hôm 16/7 vừa qua, xây dựng trên diện tích khoảng 500m2, bao gồm 1 phòng học lớn, 1 phòng ngủ, 1 nhà vệ sinh, mái hiên và sân chơi. Các phòng được thiết kế hiện đại, thông thoáng, phù hợp với nhu cầu học tập và vui chơi của các em.
Tôi làm 10 việc thì thất bại 7-8 việc
- Với anh, cuốn sách này là di sản như thế nào?
Tôi lập nghiệp bằng 2 bàn tay trắng với khoa học công nghệ. Từ khi còn là sinh viên năm 2, tôi làm nhiều việc, trải qua đủ loại cung bậc, mô hình kinh doanh. Trên con đường đó, tôi thất bại nhiều hơn thành công. Tôi làm 10 việc thì thất bại 7-8 việc. Tôi cũng không có người hướng dẫn mà đều tự mò mẫm. Sau này khi có đôi chút thành công, tôi cũng cho là mình gặp nhiều may mắn.
Tôi có một triết lý về cuộc đời là bất cứ con người nào sinh ra đều ở chung một điểm. Sau này, mọi người ùa ra 4 phương 8 hướng để tìm đường tới đỉnh thành công trong cuộc đời. Theo tôi, 80% số người sinh ra không có được thành công vì họ không biết đích đến ở đâu. Những người thành công nhất là do may mắn được chỉ bảo, tìm được con đường ngắn nhất.
Trong kinh doanh, bài học thất bại nhiều hơn thành công. Trước khi muốn thành công bạn phải tránh được thất bại đã. Các startup (doanh nghiệp mới khởi nghiệp) khó áp dụng được những bài học thành công trong sách vì còn phụ thuộc nhiều điều kiện. Tuy nhiên, điều mà người đọc có thể áp dụng được là cách tránh thất bại.
Điều tôi muốn chia sẻ với mọi người thông qua cuốn sách là các câu chuyện thành công, thất bại để giả sử ai đó đọc được sẽ tham khảo được cách tránh thất bại. Đó là cách tôi để lại di sản cho cuộc đời.
- Tại sao anh chọn tựa đề cuốn sách là “Long Mạch”?
Trong cuốn sách, tôi có giới thiệu về cụm từ “các góc nhìn tươi mới và bài học thực chiến cho startup khởi nghiệp từ 0-1”. Giai đoạn từ 0-1 là giai đoạn tay trắng bắt đầu khởi nghiệp. Bạn gieo hạt giống, trồng một cái cây điều quan trọng nhất là hạt phải nảy mầm, trồi lên mặt đất và biến thành một cây nhỏ tự tồn tại được. Đó là giai đoạn sơ sinh. Hầu hết các startup (70-90% doanh nghiệp) sẽ “chết” ở giai đoạn này.
Giai đoạn 2 là giai đoạn từ 1-10. Tức là cây đã sống được và lớn lên. Doanh nghiệp tự tồn tại đã nâng tầm, tăng trưởng về quy mô.
Giai đoạn 3 là giai đoạn hiếm hoi để có thể đạt được. Đó là giai đoạn từ doanh nghiệp vừa tới doanh nghiệp lớn, đứng top trong ngành nào đó.
Chương quan trọng nhất là Long Mạch - tên cuốn sách. Tôi nghiệm ra, bất kỳ doanh nghiệp nào tồn tại được, vượt qua từ 0-1, từ 1-10 đều phải có một "mánh" nào đó. Chữ “mánh” áp dụng cho mọi cá thể trong xã hội. Mỗi người thành công đều có “mánh” riêng do vô tình hoặc cố ý tìm thấy được.
Long mạch chính là bộ công thức kinh doanh của mỗi doanh nghiệp, là nơi hội tụ những công thức đúng khiến doanh nghiệp được thuận lợi, thành công. Đó chính là thông điệp chính tôi gửi gắm trong cuốn sách. Tôi thấy đại đa số doanh nghiệp Việt Nam khởi nghiệp cảm tính, thiếu tính toán đúng, thường hay “copy - paste” (sao chép - PV). Vì vậy, mỗi doanh nghiệp phải tìm ra bộ công thức riêng thì mới có thể dẫn tới thành công.
- Bài học câu chuyện đau thương về thất bại anh đưa vào cuốn sách là gì?
Tôi liệt kê 10 nguyên nhân thất bại lớn nhất của các startup theo số liệu thống kê của phương Tây. Tôi cũng đưa ra dẫn chứng, ví dụ cho mỗi nguyên nhân để tham khảo.
Nguyên nhân “tính sai mô hình kinh tế” là điều mà nhiều startup gặp phải. Đó đơn giản chỉ là việc lên ý tưởng, tính chi phí, doanh thu. Nhưng trong quá trình làm, rất nhiều người mới thấy càng ngày càng lỗ, thấy mình tính sai mà không kịp sửa nữa.
Tôi cũng gặp phải câu chuyện tương tự. Tôi tìm kiếm mô hình kinh doanh khi làm dự án chợ thương mại điện tử. Đó là thất bại đầu đời và lớn nhất của tôi.
- Qua cuốn sách này, anh muốn truyền thông điệp gì?
Thứ nhất, tôi muốn giúp các startup thông qua các câu chuyện, bài học để né tránh thất bại. Thứ hai là các bạn phải tính toán kỹ để tìm ra long mạch cho doanh nghiệp, cuộc đời của mình. Thứ ba là nếu sau này các bạn có thành công cũng nên đóng góp lại cho xã hội bằng cách kể lại câu chuyện của chính mình một cách không vụ lợi, thuần chất là chia sẻ với mục đích người Việt cùng giúp nhau.
Tôi thường treo thưởng cho các con để tạo hứng thú đọc sách
- Là người làm về công nghệ, không chỉ là đọc sách, anh lan tỏa văn hóa đọc như thế nào?
Tôi đọc được điều gì đó hay thường lưu lại để gửi cho mọi người xung quanh. Đó là cách hay nhất là tôi muốn lan tỏa tới mọi người.
Trong một xã hội bùng nổ thông tin, văn hóa đọc cũng nên được mở rộng, không chỉ là về đọc sách. Tất nhiên, sách, truyện vẫn luôn là tư liệu quan trọng nhất, hạt nhân nhất của tất cả tri thức. Một bộ phim hay thường bắt nguồn từ một cuốn sách hay. Đọc sách chúng ta có thể tư duy, tưởng tượng để ngấm, để hiểu.
Viết sách, đọc sách là chân giá trị của tri thức. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, chúng ta có thể lan tỏa thông tin thông qua các thông điệp ngắn để phù hợp với thời đại.
Hình thức lan tỏa văn hóa đọc tôi thấy khá hay là tổng kết thành những video ngắn, câu chuyện ngắn để chia sẻ cho mọi người.
Trong gia đình, tôi chưa giỏi trong việc bắt ép hay định hướng các con đọc sách. Tôi thường treo thưởng cho các con để tạo hứng thú đọc sách. Nhưng tôi nghĩ, bản thân bây giờ cũng chỉ nên định hướng và tư vấn cho các con chứ không thể ép buộc được.
- Một người thành công như anh thường đọc cuốn sách như thế nào?
Tôi có viết trong chương đầu cuốn sách Long Mạch một thông điệp bản thân thấy rất đúng. Đó là mấy nghìn năm qua, xã hội lời người có quá nhiều thứ thay đổi. Thứ duy nhất không thay đổi là cách con người đối xử với con người. Vẫn là ngần ấy những triết lý, tư duy, mưu kế mà con người chọn để đối xử với nhau. Tôi thích đọc những cuốn sách cổ về mưu lược, con người như Tam Quốc diễn nghĩa, Đông Chu liệt quốc, Hán Sở tranh hùng, Thủy hử…
Những mẹo kinh doanh cũng đều từ sách cổ, từ trận đánh nọ tới trận đánh kia, đều bắt nguồn, tổng kết từ triết lý của cổ nhân. Nếu thấm được những cuốn sách, câu chuyện như vậy thì người đọc sẽ có cách nhìn nhận về cuộc đời, con người rất tinh.
Với bất cứ công việc nào, nếu bạn làm tới tầm lãnh đạo, quản lý đều gọi chung là ngành lãnh đạo. Mà bản chất của lãnh đạo là dùng người.
- Anh có dự định khi nào sẽ viết tiếp tập 2 của "Long Mạch"?
Tôi luôn có động lực viết sách mang tên “thùng thuốc súng”. Tuy nhiên, tôi đang chờ một “tia lửa điện” tiếp theo để tiếp tục viết tiếp cuốn sách thứ 2. Hiện tại, tôi thấy ít nhất bản thân đã hoàn thành một mục tiêu của cuộc đời là viết sách chia sẻ những điều có ích tới mọi người.