- Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Giám định tư pháp chiều nay (15/11), đa số đại biểu lo ngại về dự định xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp bằng cách cho mở các cơ sở ngoài công lập.

ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), ủy viên thường trực UB Tư pháp, nhấn mạnh giám định tư pháp có ý nghĩa quyết định có bỏ lọt tội phạm hay không, kết luận giám định ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng lẫn sinh mệnh chính trị của một người.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN Trương Trọng Nghĩa chia sẻ: "Có những chứng cứ phức tạp mà các đương sự không thể tự đi điều tra tìm hiểu mà phải do giám định tư pháp, đảm bảo độ tin cậy của chứng cứ khi đưa ra trước tòa".

Phó Viện trưởng Viện khoa học kiểm sát Đỗ Văn Đương thì chỉ ra có hàng ngàn vụ án hình sự, dân sự mà kết luận hoàn toàn phụ thuộc vào công tác này. Cùng đoàn TP.HCM với ông Nghĩa và ông Đương, ĐB Trần Du Lịch nói có nhiều vụ án oan đến đau lòng chỉ vì kết quả giám định tư pháp không chính xác.

Chính vì vậy, các ĐB rất băn khoăn trước chủ trương xã hội hóa hoạt động này của dự thảo luật. Tuy các cơ sở ngoài công lập không được phép giám định pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự, song các ĐB chưa thực sự tin tưởng tính khả thi của chủ trương này.

ĐB Trần Du Lịch (trái): Lĩnh vực giám định này 'sai một ly là đi một dặm'. Ảnh: Chung Hoàng

Ông Trương Trọng Nghĩa thấy điều kiện thành lập cơ sở giám định ngoài công lập "quá dễ, quá rộng". "Ngay trong tranh chấp kinh tế cũng có những kết quả giám định có thể bị lũng đoạn, sai lạc. Ví dụ, một công ty bị người dân kiện yêu cầu bồi thường nhưng kết quả giám định thiệt hại do hai cơ quan giám định, một nhà nước, một tư nhân, đưa ra lại chênh lệch nhau đến 42 lần", ông Nghĩa dẫn chứng.

Ông Trần Du Lịch thì phân tích điều cần nhất cho hoạt động giám định tư pháp là tính trung thực, lương tâm và trách nhiệm chứ không phải vốn nên chủ trương xã hội hóa để giải quyết khó khăn về kinh phí là không thuyết phục.

"Ta đã tiến hành xã hội hóa một số lĩnh vực nên đã có tiền lệ, cứ ào ạt xã hội hóa trong khi lĩnh vực giám định này 'sai một ly là đi một dặm'", ông Lịch nói.

Ông Nguyễn Đình Quyền khái quát: "Có những việc thuộc trách nhiệm Nhà nước, Nhà nước phải làm chứ không thể giao cho tư nhân. Chúng ta đang xã hội hóa kiểu việc của việc của Nhà nước giao tư nhân, việc đáng giao tư nhân thì Nhà nước giữ làm".

Phó GĐ Công an TP.HCM Lê Đông Phong thì chỉ ra tinh thần cải cách tư pháp không chỉ là chuyện thủ tục, tài chính mà quan trọng hơn là huy động được nhân tài, trong lĩnh vực giám định thì đây là yếu tố quyết định chất lượng kết quả giám định. Ông Phong cho rằng nên hạn chế phạm vi hoạt động của các cơ sở giám định tư trong khoa học tự nhiên.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đồng tình các cơ sở ngoài công lập có thể làm giám định ADN, di truyền và một số lĩnh vực giám định về khoa học công nghệ.

Một điểm khác được ĐB thảo luận nhiều là đề nghị của Chính phủ thống nhất các cơ quan giám định pháp y của Công an và Y tế về một mối. Tuy nhiên, đa số ý kiến ủng hộ giữ cơ cấu tổ chức như hiện nay vì lực lượng giám định pháp y của Công an đang làm rất tốt, không quản ngoại đêm hôm, khó khăn, nguy hiểm, đảm bảo tính khách quan và góp phần thiết thực vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Được nâng lên từ Pháp lệnh về giám định tư pháp, dự luật được kỳ vọng tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực thi Pháp lệnh, song các ĐB thấy “câu trả lời của cơ quan soạn thảo rất lúng túng”.

ĐB Trần Thanh Mẫn (Cần Thơ) còn đề nghị tiếp tục thực hiện Pháp lệnh thêm 4 năm, để tròn 10 năm sẽ tổ chức tổng kết thực tiễn. Ông Mẫn cho rằng đến cuối nhiệm kỳ QH, năm 2015, ban hành luật cho chín thì hợp lý hơn.

Chung Hoàng