Được thiên nhiên ưu đãi, cá cơm nước ngọt sinh sản ở hồ Trị An rất nhiều, góp phần tạo nên nguồn thu nhập ổn định cho ngư dân nơi đây...
Đặc sản ở hồ Trị An
Mới đây, có dịp về xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu), chúng tôi nhận rõ không khí nhộn nhịp của bà con ngư dân làm công việc trải các tấm lưới dọc ven đường để phơi cá cơm tươi mới bắt từ dưới lòng hồ lên (đoạn bờ hồ thủy điện Trị An, hướng từ xã Mã Đà về xã Hiếu Liêm).
Nơi chọn phơi cá cơm là đoạn đường nhựa rộng rãi, cao ráo, sạch sẽ. Bên cạnh đó là những ô dù người dân dựng lên làm nơi bày bán cá cơm khô cho khách đi đường; cá được làm sẵn đóng thành từng bịch nửa ký được bán với giá 60.000 đồng.
Cá cơm tươi mới bắt lên từ lòng hồ Trị An. |
Chị Nguyễn Ngọc Lan (nhiều năm buôn bán cá cơm khô) niềm nở chia sẻ, cá cơm bắt từ dưới lòng hồ còn tươi được bà con đem lên phơi ngay. Hôm nào trời nắng nhiều thì chỉ phơi một ngày là cá khô, còn trời nắng ít thì phải canh phơi vài lần. Sở dĩ cá cơm khô đắt tiền hơn nhiều lần cá cơm tươi vì cứ 6 - 7kg cá cơm tươi sau khi phơi khô mới được 1kg cá khô; hơn nữa, cá cơm khô hoàn toàn không ướp bất kì gia vị hay phụ gia nên đảm bảo chất lượng.
“Cá cơm khô có thể chế biến nhiều món ăn bình dân nhưng không kém phần hấp dẫn, như: kho và nấu canh chua, hoặc đem rang rồi bóp gỏi với xoài xanh để nhậu… Giá cá cơm thường xuyên giữ mức ổn định, hiện được người tiêu dùng ở TP. Biên Hòa và TP.Hồ Chí Minh khá ưa chuộng nên cá đánh về bến bao nhiêu đều bán hết”, chị Lan cho hay.
Mặc dù sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh nhưng anh Lê Văn Hùng thường đến lòng hồ Trị An để mua cá đem về dùng vì cho rằng cá ở đây đảm bảo sạch và chất lương. Anh Hùng cho biết, cách đây hơn 3 năm, một lần anh về thăm nhà bà con ở xã Hiếu Liêm và nghe kể về đặc sản cá cơm ở hồ Trị An.
“Lúc đó, tôi rất bất ngờ vì hồi nào chỉ nghe cá cơm sinh sống ở biển chứ chưa nghe cá cơm nước ngọt. Trăm nghe không bằng một thấy, tôi đã đi trực tiếp đến lòng hồ để tìm hiểu bà con làm cá cơm và có mua một ít đem về nấu ăn. Kể từ đó, tôi bắt đầu thích món cá cơm và hễ có dịp về Hiếu Liêm là tôi đều ghé ra bờ hồ mua mỗi thứ một ít (cá cơm, cá kìm…) đem về ăn”, anh Hùng kể.
Lần khác có mặt tại bến cá Phú Cường từ sáng sớm (thuộc xã Phú Cường, huyện Định Quán), chúng tôi ghi nhận không khí nhộn nhịp mua bán thủy sản nơi đây. Lúc này, các ghe, xuồng đánh bắt cá lũ lượt kéo nhau vào bờ cùng với những sọt cá tươi sống, nặng trĩu. Sau khi vác các sọt cá cơm nặng từ dưới ghe lên cân bán cho thương lái, vợ chồng chị Lê Thị Nghĩa ngồi nghỉ ngơi.
Lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, chị Nghĩa cho hay, trước đây vợ chồng chị làm nghề đánh bắt cá ở biển hồ của Campuchia, nhưng vì cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên về đây lập nghiệp đến nay đã gần 15 năm. Vào mùa cá cơm, trung bình mỗi đêm vợ chồng chị đánh bắt khoảng 60 - 70kg cá, sau khi trừ mọi chí phí, chị còn lời khoảng 400.000 - 500.000 đồng.
“Để thu được số cá đó, chúng tôi phải ra khơi từ chiều tối hôm trước và phải thức thâu đêm giữa hồ, chong đèn và lao động liền tay chứ không nghỉ ngơi”, chị Nghĩa bộc bạch.
Còn ngư dân Bùi Ngọc Hậu (người có kinh nghiệm hơn 10 năm đánh bắt cá cơm) cho biết thêm, lúc trước, cá cơm ở hồ Trị An rất nhiều, trong khi số người đánh bắt ít nên sản lượng cá kiếm được mỗi đêm rất nhiều; còn mấy năm trở lại đây, số người đánh bắt ngày càng tăng khiến lượng cá cơm có giảm đi.
Tuy nhiên, dù lượng cá thu về không nhiều hơn trước, nhưng giá bán mấy năm trở lại đây cao hơn (giá cá cơm tươi trung bình từ 10.000 - 15.000 đồng/kg; có thời điểm tăng lên hơn 20.000 đồng/kg) nên đủ để bà con trang trải cuộc sống. “Mấy ngày hôm nay, thời tiết phù hợp cho ngư dân đánh bắt cá cơm nên ai cũng được từ 60 - 70kg/đêm. Riêng gia đình tôi may mắn gặp được luồng cá cơm nên bắt được trên 80 kg/đêm, sau khi trừ mọi chi phí còn lời được 600.000 đồng”, anh Hậu nói.
Thiên nhiên ưu đãi
Theo Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn Thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn) Nguyễn Hữu Phước, do khí hậu, nguồn nước thiên nhiên thuận lợi đã giúp cho loài cá cơm sinh trưởng nhiều ở hồ Trị An nên việc ngư dân khai thác đánh bắt thủy sản diễn ra quanh năm. Tuy nhiên, vào đầu mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ xuống hồ nhiều và đục, khiến sản lượng đánh bắt cá cơm ít hơn.
Để bắt loài cá này, ngư dân phải dùng nhiều cách như: lưới kéo khơi, lưới rê (hay còn gọi lưới giăng) và vó có gắn đèn chiếu sáng…; thời gian bắt đầu từ 7 giờ tối đến khoảng 3 - 4 giờ sáng hôm sau. Cá cơm có thói quen khi nhìn thấy ánh sáng thì sẽ bơi đến để tìm thức ăn, nên ngư dân dùng đèn led đặt trên phao xốp (trước đây dùng đèn măng sông) rồi thả xuống mặt nước để “dụ” cá cơm.
Khách mua cá cơm khô ở hồ Trị An. Ảnh nhỏ: Mỗi kg cá cơm khô được bán với giá 120.000 đồng |
Hiện trên hồ có trên 100 ghe chuyên bắt cá cơm; mỗi ghe đánh bắt trung bình từ 70 - 80kg cá/đêm. Nhờ sản lượng cá dồi dào đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con ngư dân. “Khu bảo tồn khuyến khích bà con khai thác loài cá này nhưng với điều kiện là sử dụng các ngư cụ mà pháp luật cho phép. Còn đối với những trường hợp cố tình sử dụng các ngư cụ nghiêm cấm, nếu phát hiện thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định”, ông Phước nói.
Cán bộ Khu bảo tồn Võ Quan Trung cho biết thêm, được thiên nhiên ưu đãi, kết hợp với hồ có nhiều eo ngách, các chi lưu, các vực, suối…, hồ Trị An tạo điều kiện tốt cho nhiều loài cá thích nghi và phát triển (trong đó có loài cá cơm nước ngọt). Hiện có trên 130 loài cá đặc hữu ở hồ; trong đó có một số loài cá có giá trị kinh tế cao, như: cá lăng, cá leo, cá chép, cá lóc, cá trèn, cá kìm, cá mè vinh, cá mè hoa, cá trạch; một số loài cá quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam: cá ét mọi, cá còm, cá trèn bầu, cá sơn đài, cá trà sóc, cá chiên, cá ngựa xám... Thời gian qua, Khu bảo tồn đã phối hợp với các ban, ngành chức năng, chính quyền địa phương triển khai thực hiện nhiều phương án bảo vệ khu vực quý giá này. Cụ thể, đơn vị chủ động xây dựng quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ hồ; thực hiện ra soát lại hoạt động tất cả các ngành nghề khai thác, đánh bắt, tác động của các loại ngư cụ tới nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học làm cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch trong tương lai; xây dựng các chế tài trong việc quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững vùng đất ngập nước hồ Trị An.
Bên cạnh đó, mỗi năm, Khu bảo tồn còn thả hơn 2 triệu con cá giống các loại có giá trị kinh tế vào hồ Trị An nhằm góp phần bảo tồn, khôi phục và phát triển một số loài cá bản địa; phục tráng giống đặc sản địa phương, đảm bảo tài nguyên thủy sản phát triển bền vững; góp phần ổn định, phát triển nguồn lợi thủy sản, cải thiện đời sống cho ngư dân tham gia khai thác thủy sản trên hồ.
Những món ăn hấp dẫn từ cá cơm Theo Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn Nguyễn Hữu Phước, đặc sản cá cơm hồ Trị An có thể chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn; một trong những món khiến thực khách thích thú là cá cơm chiên bột. Để chế biến món này phải chọn loại cá cơm còn tươi sống mới được đánh bắt từ dưới hồ lên. Sau đó, đem rửa sạch cá, để ráo nước rồi tẩm với bột và chiên giòn vàng. Món này dùng cuốn với bánh tráng cùng các loại rau đều rất ngon miệng. Ngoài ra, cá cơm còn được chế biến các món khác, như: chiên tỏi ớt, rang chua ngọt, làm gỏi xoài tươi, nấu canh chua, kho tiêu ăn với cháo trắng, làm mắm… |
(Theo Báo Lao động Đồng Nai)