Lễ bế mạc Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 diễn ra tối 28/10 tại Hà Nam, BTC đã trao 1 giải xuất sắc, 6 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc, 4 Huy chương Đồng cho các vở diễn xuất sắc.

Trong đó, vở diễn xuất sắc được trao cho vở Đất liền và Biển cả Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa. 6 Huy chương Vàng được trao cho các vở Linh từ Quốc mẫu Nhà hát Chèo Hà Nội; Vang bóng một thời (dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Tuân) - Đoàn Chèo Hải Phòng; Khóc giữa trời xanh - Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam; Nguyễn Đình Nghị - Nhà hát Chèo Hưng Yên; Mật chỉ giữa hoàng cung - Nhà hát Chèo Quân đội; Thiên duyên huyền tích - Nhà hát Chèo Thái Bình. 

Thứ trưởng Tạ Quang Đông trao giải cho đại diện các đơn vị đoạt giải vở diễn xuất sắc.

Ngoài ra, BTC cũng trao giải thưởng cho thành phần sáng tạo gồm tác giả nhà viết kịch, TS. Nguyễn Đăng Chương với vở Đất liền và biển cả; đạo diễn, NSƯT Hoài Thu vở Linh từ Quốc mẫu; nhạc sĩ Vũ Thiềng vở Đất liền và biển cả; biên đạo múa ThS. Hoài Anh - vở Vang bóng một thời. 

Nhận định về liên hoan lần này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng, thêm một lần nữa, chúng ta thấy Chèo là một loại hình sân khấu kịch hát mang đậm đà tính dân tộc với sự kế hợp nhuần nhuyễn của các yếu tố như hát, múa, nhạc, kịch mang tính nguyên hợp vô cùng độc đáo. Trải qua thời gian, nghệ thuật Chèo đã được nâng lên một mức mang tính giá trị đời sống hiện thực và tư tưởng sâu sắc. Nghệ thuật Chèo đã đi sâu vào đời sống văn hóa, tinh thần và trở thành một trong những môn nghệ thuật truyền thống tiêu biểu đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Liên hoan Chèo toàn quốc - 2022 cũng là minh chứng cụ thể trong việc triển khai, thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ Nghị quyết của Đảng về chấn hưng, phát triển văn hóa con người Việt Nam.

PGS.TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật liên hoan nhận định, dù cơ chế thị trường có khắc nghiệt đến mấy thì những sáng tạo trên sân khấu Chèo ở liên hoan lần này vẫn là những công trình mỹ học, đạo đức học đầy nghiêm túc, công phu và đậm chất Chèo truyền thống, với tính cách tân mới mẻ, đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Ở đó, nội dung đã vang lên những bài ca tình đời, tình người sâu sắc, làm người xem được lớn hơn bản thân mình vốn có, được vươn cao hơn trong đời sống, để hướng tới xây dựng cho mình những phẩm chất trung thực, liêm chính, hiến dâng tài năng cho Tổ quốc, non sông, hòa bình, hạnh phúc, giàu đẹp và kiên quyết phê phán những tư tưởng ích kỷ nhỏ nhen, hèn kém, hại người….

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật cũng chỉ ra những hạn chế của Liên hoan: “Trước hết, về tác giả, tuy đã xuất hiện một số gương mặt mới nhưng đội ngũ biên kịch Chèo chưa đông, chưa mạnh (ở liên hoan này chỉ có 7 tác giả chính Chèo). Do đó 14 ngày đêm đã qua, chúng tôi vẫn chưa tìm thấy nhiều tác phẩm có “tích hay, trò lạ”, có hình thức mới mẻ, đột phá mà phần lớn vẫn là tích cũ, trò cũ, diễn cũ, trang trí, phục trang cũ. Nhiều vở kết cấu lỏng lẻo, thiếu logic, lớp dài, lớp ngắn, lớp thừa, lớp thiếu…, Hơn nữa, không ít vở chủ đề thiếu tính triết lý nhân sinh, thiếu mới mẻ và phù hợp đương thời.

Đối với đạo diễn, tuy là có nghề, có kinh nghiệm nhưng không ít trong số họ lặp lại chính mình, làm cũ chính mình trong trang trí, trong ca, trong múa… Đặc biệt nhiều nhân vật phụ lấn át nhân vật chính, tính kịch át tính trữ tình hoặc trữ tình lấn át tính kịch. Đối với nghệ sĩ biểu diễn, không ít diễn viên hát phô, hát chênh nhịp, hát sến, quên lời, nói ngọng, rơi đạo cụ trên sân khấu không biết xử lý ra sao, hoặc lúc mất tiếng, lúc micro vang ra những tiếng không cần thiết và quần áo thiếu chỉn chu".

PGS.TS Trần Trí Trắc cho rằng, hiện thực cơ chế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế vẫn chưa vào Chèo và Chèo vẫn chưa thể hiện được xung đột trung tâm, nhân vật trung tâm, hành động trung tâm của thời đại “chuyển dịch giá trị” vào sáng tạo của nghệ sĩ. "Nghệ sĩ phải chăng đã đứng ngoài cuộc và đang thờ ơ với cuộc sống chuyển dịch giá trị đương thời?”, PGS.TS. Trần Trí Trắc đặt câu hỏi.

"Sân khấu tự chủ là quy luật khách quan của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế. Trải qua 14 ngày đêm của Liên hoan Chèo toàn quốc dịp này, chúng ta bước đầu đã nhìn thấy hình hài của nó là: Đề tài lịch sử địa phương, vừa mang tính lễ hội lẫn mang tính du lịch lịch thương mại bằng nghệ thuật sáng tạo tổng hợp: Ta phải múa, phải kịch, phải chèo với khói lạnh, nhạc vocal, hát bè, hát đuổi, trang trí hoành tráng và đủ màu hỉ, nộ, ái, ố nhằm lôi cuốn khán giả. Hình hài này, có vở chấp nhận cả nhạc điện tử, cả nghệ sĩ tổng hợp: kịch, chèo, cải lương, tuồng, ca múa nhạc, công nhân hậu đài cùng trên sân khấu trong cùng vở diễn…, làm cho Liên hoan Chèo toàn quốc có nhân tố mới lạ so với Chèo cách mạng đã qua. Chúng ta cần mở hội thảo khoa học để thẩm định và nhận thức về vấn đề này", PGS.TS. Trần Trí Trắc nhận định.