Người điếc hay khiếm thính không nghe được nhưng có đôi mắt sáng để đọc sách giấy. 

Người mù hay khiếm thị không nhìn được nhưng có đôi tai thính để nghe sách nói. 

Còn với người vừa điếc vừa khiếm thị - như tôi thì phải làm sao? 

Năm 26 tuổi, mọi âm thanh tắt lịm hoàn toàn với tôi vì căn bệnh u não. Năm 38 tuổi, ánh sáng cũng rời xa tôi do bệnh cũ tái phát nặng hơn. Lúc đó, tôi đau đớn nghĩ, thế là hết, mình sẽ không bao giờ đọc được nữa. Những năm tháng trước đó, đọc là nhu cầu không thể thiếu và sách là người bạn thân thiết nhất với tôi vì hoàn cảnh không thể giao tiếp cùng ai. Vậy mà, giờ đây người bạn duy nhất ấy đã bỏ tôi ra đi, thế giới của tôi chỉ còn lại sự mông muội do bóng tối bủa vây và sự đằng đẵng vô nghĩa của thời gian. Tôi sống mà như đã chết. 

Hàng ngày không có việc gì để làm, không có người để giao tiếp, không có bất cứ hình thức nào để giải trí, tôi dò dẫm sờ vào từng cuốn sách cũ và cố đoán xem đây là cuốn gì. Với sách mới mua về, tôi nhờ con ghép từng chữ cái để hiểu được tiêu đề của nó. Những ngày tháng ấy, tôi thèm khát được đọc như người ta cần cơm ăn, nước uống.

May mắn thay, cuối cùng ông Trời cũng thương ban cho tôi chút ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu leo lét cháy trong đêm. Tôi thoát khỏi mù lòa trở thành người khiếm thị với thị lực 1/10. Thứ ánh sáng đó tuy mong manh, yếu ớt nhưng cho phép tôi đọc được những bản sách điện tử có cỡ chữ phóng to gấp nhiều lần so với chữ thường. Chỉ vậy thôi mà tôi sung sướng như người vừa từ cõi chết trở về.

Đọc sách chính là cách tôi đang tận hưởng thứ ánh sáng diệu kỳ. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nhớ lần đầu, cách đây 3 năm, khi xem một mẩu chuyện nhỏ trên màn hình iPad phóng đại hết cỡ được hai dòng, tôi thấy hạnh phúc cả ngày, đến tối đi ngủ còn cười khúc khích mãi không thôi. Tới giờ, bằng cách kiên trì phóng to vài trang sách mỗi ngày, tôi đã đọc được rất nhiều cuốn với lượng kiến thức giá trị, vượt xa những năm mắt còn sáng. 

Cứ nghe ai nói có cuốn gì hay là tôi lại lên mạng tải về đọc dần. Gia đình và bạn bè luôn nghiêm khắc nhắc nhở phải hạn chế tối đa việc đọc dù trong thâm tâm mọi người đều hiểu đó là niềm vui duy nhất còn sót lại của tôi. Trong đầu tôi luôn diễn ra một cuộc đấu tranh tư tưởng giằng xé, liên tục chất vấn bản thân: "Liệu tôi có nhận thức được mình đang là người khiếm thị không? Có người khiếm thị nào liều lĩnh, mạo hiểm chút ánh sáng ít ỏi còn sót lại như tôi không? Và nếu biết tôi vẫn đang đọc nhiều như thế, mọi người sẽ nghĩ gì? Hãy dừng lại đi. Hãy quên hết mọi mưu cầu của bản thân. Hãy chấp nhận cuộc sống nhợt nhạt, buồn tẻ đổi lấy sự an toàn cho đôi mắt". Nhưng câu trả lời cuối cùng vang lên vẫn luôn luôn là: KHÔNG THỂ. Bởi tình yêu con chữ cùng niềm khát khao hiểu biết trong tôi quá lớn. 

Bằng cách kiên trì phóng to vài trang sách mỗi ngày, tôi đã đọc được rất nhiều cuốn với lượng kiến thức giá trị. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Một người vừa điếc vừa khiếm thị như tôi, không đọc làm sao biết xã hội ngoài kia đang vận động và phát triển như thế nào, làm sao hiểu được thế giới mình đang sống. Sách mang đến cho tôi ánh sáng của tri thức. Nếu có ánh sáng thực mà không được chiếu rọi bởi nguồn ánh sáng của sự hiểu biết với tôi vẫn là một nỗi buồn mênh mông, không gì khỏa lấp. 

Và hơn ai hết tôi hiểu sâu sắc giá trị của từng tia sáng thực nên mới không muốn nó trôi đi phí hoài, vô nghĩa. Đọc sách chính là cách tôi đang tận hưởng thứ ánh sáng diệu kỳ.      

Đắm mình trong những trang sách, tôi như được sống ở một thế giới khác, nơi ấy có tiếng nói, tiếng cười, có âm thanh, hình ảnh muôn màu của cuộc sống. Nhờ thế, tôi có thể "nghe" được, "nhìn" được dễ dàng. Điều mà thế giới thực đã không cho phép tôi.

Vậy mới biết sách có ý nghĩa với tôi đến nhường nào, nên nhìn những ai có đôi mắt sáng mà không đọc, tôi thấy tiếc lắm, tiếc vô cùng…