Trăn trở từ thực tế

Tại Hà Nội vừa diễn ra một cuộc trao đổi về giải pháp đưa các tác phẩm văn học Pháp tiếp cận bạn đọc Việt Nam hiệu quả hơn. Buổi thảo luận thu hút sự tham gia của một số dịch giả tiếng Pháp tâm huyết và đại diện từ tổ chức liên quan.

Hiện nay, mặc dù có không ít dịch giả tiếng Pháp rất tâm huyết với công việc chuyển ngữ các tác phẩm văn học Pháp sang tiếng Việt, nhưng họ gặp nhiều khó khăn về nguồn tài liệu dịch và kinh phí hỗ trợ. Nhà văn Kiều Bích Hậu, người điều phối nội dung buổi trao đổi, đã nêu rõ thực trạng này và nhấn mạnh mong muốn kết nối các nguồn lực từ phía Đại sứ quán Pháp, cũng như các tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ của Pháp với dịch giả Việt Nam.

image001.jpg
Từ trái sang phải: Lise Nguyễn (chuyên gia về lĩnh vực ngân sách của Chính phủ Pháp tại Việt Nam), dịch giả Nguyễn Văn Quảng, dịch giả Văn Minh Thiều.

Dịch giả Nguyễn Văn Quảng, một người đã gắn bó hơn 40 năm với công việc dịch thuật, chia sẻ về tầm quan trọng của việc phổ biến văn học Pháp tại Việt Nam. Ông bày tỏ việc dịch sách mất nhiều công sức, từ nửa năm đến một năm cho mỗi cuốn, nhưng nhuận bút không đủ trang trải phần nào chi phí sinh hoạt, trong khi lương hưu rất thấp và ông phải gánh vác kinh tế gia đình. Ông hy vọng có thể nhận được sự hỗ trợ tài chính từ phía Pháp để bù đắp phần nào sức lao động, giúp các dịch giả tiếng Pháp có thể sống được bằng nghề.

Dịch giả Văn Minh Thiều kể rằng bản thân gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm sách văn học Pháp để dịch. Mặc dù có nhiều báo, tạp chí như Văn nghệ, Thời nay, Văn nghệ quân đội, Thời báo Văn học nghệ thuật... luôn cần nguồn cung truyện ngắn Pháp để đăng và sẵn sàng trả nhuận dịch, nhưng ông không thể tìm đủ tài liệu. Ông mong muốn phía Pháp hỗ trợ cung cấp các truyện ngắn và tác phẩm văn học best seller để dịch sang tiếng Việt.

Bên cạnh đó, các dịch giả tiếng Pháp cũng cần được tham gia những hoạt động liên quan tới văn chương, văn hóa Pháp… nhưng họ không được tiếp cận nguồn thông tin để đăng ký tham dự.

image005.jpg
Một số tác phẩm văn chương Pháp đã được dịch giả Nguyễn Văn Quảng chuyển ngữ tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam.

Chị Lise Nguyễn, một chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực ngân sách của Chính phủ Pháp tại Việt Nam, bao gồm quỹ Văn hóa và Phát triển, thể hiện sự xúc động trước tâm huyết của các dịch giả với công việc truyền bá văn hóa Pháp tại Việt Nam. Chị khẳng định các dịch giả xứng đáng được tôn vinh và hứa sẽ tìm nguồn tác phẩm, hỗ trợ tài chính cho họ yên tâm làm nghề.

Ngoài ra, Lise Nguyễn đề xuất sáng kiến thành lập Câu lạc bộ dịch giả tiếng Pháp tại Việt Nam, kết nối với các tổ chức tương đồng tại Pháp và các nước trên thế giới để trao đổi nghiệp vụ và phát triển nghề.

Bao giờ mở ra một thời đại mới?

Trao đổi tại sự kiện, dịch giả Nguyễn Hữu Vỹ cho rằng, dường như người yêu văn học Việt Nam có một dạo buộc phải dìm mình xuống để tiếp cận luồng gió mới qua các bản dịch văn học bằng tiếng Anh hoặc các ngôn ngữ khác. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân nhưng phần nào chứng tỏ rằng không ít dịch giả yêu thích văn học Pháp không thể vượt qua rào cản, hay vướng phải những cụm phanh bó cứng làm họ đành ngậm ngùi chờ thời.

Song các dịch giả không thôi hy vọng là một ngày gần nhất các tác phẩm văn học dịch tiếng Pháp lại rộ lên như cơn sốt ở Việt Nam giống như thời kỳ những năm đầu của thế kỷ 20. 

image007.jpg
Dịch giả tiếng Pháp Nguyễn Hữu Vỹ

Nhìn lại lịch sử, có thể nói các tác phẩm văn học bao gồm thơ, truyện và tiểu thuyết Pháp đã có mặt tại Việt Nam từ những năm 1884. Nhiều tác phẩm văn học Pháp qua bản dịch của các dịch giả Việt Nam như Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh… tràn vào Việt Nam như một luồng gió mới.

Tác phẩm của những thi sĩ nổi tiếng như Lamartine, Hugo, Musset, Ronsard, Verlaine, Ronsard và Sully Prudhomme cũng mang đến cho các nhà thơ Việt Nam nguồn cảm hứng và những hình thức biểu đạt mới. Nhiều người lột xác để đến với phong trào thơ mới như: Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mạc Tử, T.T.Kh…

Các tác phẩm văn xuôi như truyện và tiểu thuyết cũng rầm rộ chẳng kém. Ngoài ra, trong năm 1928, chủ bút - dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh còn dịch 4 bản kịch nổi tiếng của soạn giả Pháp Molière ở thế kỷ 17. Ðó là: Người bệnh tưởng (Le malade imaginaire), Lão hà tiện (L’avare), Giả đạo đức (Le misanthrope)Trưởng giả học làm sang (Le bourgeois gentilhomme).

Chuyển ngữ các tác phẩm văn học Pháp là một công việc không “dễ xơi”, có người ví giống như “kẻ kéo cày trên cánh đồng phu chữ”. Chỉ có ai thực sự yêu thích văn chương, muốn trải nghiệm khám phá nền văn hóa Pháp mới dấn thân. Hơn nữa, đầu tư thời gian dịch được cuốn sách có khi mất hàng năm trời, dịch xong có xuất bản được hay không lại còn là vấn đề khác. Đã có những dịch giả khi bắt tay vào chuyển ngữ không tìm hiểu năm xuất bản và thân thế sự nghiệp tác giả, dịch xong không xin được giấy phép xuất bản vì vướng bản quyền.

Những tác phẩm kinh điển, phù hợp với Công ước Berne (công ước bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật) về thời hạn bảo hộ thì có quá nhiều dịch giả nổi tiếng chuyển ngữ. Những tác phẩm bị Công ước Berne chi phối không dễ tiếp cận được tác giả. Để tháo gỡ vướng mắc này, một số người phải chọn con đường dịch vòng qua các bản dịch tiếng Pháp khác.

Hầu hết dịch giả tiếng Pháp mong muốn rằng đã đến lúc mở ra hướng đi mới để họ có thể tiếp tục đóng góp vào những bước tiến quan trọng trong việc phổ biến văn học Pháp tại Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa và tinh thần của bạn đọc trong nước.