Sáng 17/11, tại Nhà hát Tháng Tám, TP.Hải Phòng đã diễn ra lễ bế mạc Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp (Bộ VHTTDL) tổ chức. BTC đã trao 28 huy chương vàng (NSƯT Quang Thắng; NSƯT Tạ Tuấn Minh; NSƯT Bùi Phương Nga,... ); 42 huy chương bạc và 16 huy chương Đồng cho các diễn viên. 6 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 7 huy chương đồng được trao cho các vở diễn và các Giải xuất sắc nhất cho tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ và họa sĩ. 

{keywords}
Quang Thắng giành giải vàng Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc.

Hội đồng nghệ thuật Liên hoan đã trao huy chương vàng dành cho 6 tác phẩm xuất sắc nhất là: Con đò của mẹ (Nhà hát Công an nhân dân), Điều còn lại và Thiên Mệnh (Nhà hát Kịch Việt Nam), Làng song sinh (Nhà hát Kịch Hà Nội), Hố đen (Nhà hát Kịch nói Quân đội), Làm vua (Sân khấu xã hội hoá Lệ Ngọc).

Huy chương bạc được trao cho 3 vở diễn: Đường chân trời (Đoàn Kịch nói Hải Phòng), Hoạn thư ghen (Câu lạc bộ Sân khấu Biển hẹn - Hội Sân khấu Hải Phòng - Hội Kiều học), Ngược chiều gió (Nhà hát Tuổi Trẻ).

Huy chương đồng được trao cho 7 vở diễn: Lau trắng (Câu lạc bộ Sân khấu thử nghiệm, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam), Non thiêng (Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh), Thiên định (Trung tâm VHNT tỉnh Hải Dương), Vầng sáng (Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn), Cái ao làng (Nhà hát Tuổi trẻ), Tình bạn và công lý (Đoàn Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ), Tình mẹ (Hội Sân khấu Hà Nội).

Đánh giá tổng kết Liên hoan, NSND Trần Minh Ngọc - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, chia sẻ: "Việc tổ chức trình diễn đã được các đơn vị đầu tư thỏa đáng vào các khâu chính như: Kịch bản, đạo diễn, diễn viên và các bộ phật kỹ thuật… Do vậy người làm sân khấu có được những điều kiện tốt nhất để bộc lộ tài năng sáng tạo, người xem được thưởng thức một cách đồng bộ cái đẹp, cái hay, cái hấp dẫn của vở diễn.

Người xem còn bắt gặp những hình tượng nhân vật của quá khứ lịch sử, những sự kiện và con người đương thời với nhiều tính cách dữ dội, mãnh liệt, được trải nghiệm những khoảnh khắc thăng hoa của diễn xuất. Có thể nói tới sự hiện diện của người diễn viên trong nghệ thuật biểu diễn".

{keywords}
Đại diện các lãnh đạo nhà hát lên nhận giải. 

NSND Minh Ngọc cũng cho hay, với mảng đề tài “nóng” chống tham nhũng tiêu cực, sân khấu kịch nói đã thẳng thắn nói lên những khó khăn của người được giao thực thi nhiệm vụ như cán bộ thanh tra, công an hình sự… những tình huống được nêu lên chuyển tải được thông điệp về cuộc đấu tranh muôn vàn khó khăn vì nó liên quan đến quan hệ vợ chồng, bạn bè, ân oán… Tình bạn và công lý của sân khấu Phú Thọ là một vở diễn như vậy.

Vở Điều còn lại của Nhà hát Kịch Việt Nam khai thác đề tài chiến tranh nhưng với nhiều tình huống cho phép khám phá đời sống nội tâm của nhân vật. Một vở kịch đạt tới sự thanh lọc về cảm xúc bi kịch. Với 2 vở Ngược chiều gió và Cái ao làng, Nhà hát Tuổi trẻ đã mang đến Liên hoan sự trẻ trung trong cách nhìn cuộc sống hiện đại.

Nhà hát Kịch Hà Nội đến với Liên hoan bằng tiếng nói ẩn dụ với thủ pháp giả định Làng song sinh có chủ đề rất triết lý. Mảng kịch lịch sử có một số tìm tòi thú vị như Làm vua (Sân khấu Lệ Ngọc) được thể hiện rất gần với phong cách kịch cổ điển châu Âu qua độc thoại của nhân vật Vua và Hoàng hậu.

Văn học cũng được sân khấu hóa thành công trong Chí Phèo - Thị Nở, nhân vật điển hình của nhà văn Nam Cao có cuộc sống thực, trở thành hình tượng nghệ thuật sân khấu. Phải nói tới Hoạn thư ghen một tác phẩm kịch thơ được sáng tác từ truyện Kiều của Nguyễn Du.

"Từ góc nhìn đạo diễn đã thấy sự kế thừa những tinh hoa của thế hệ tiền bối, thế hệ đi trước. Những cái mới thường xuất hiện từ các đạo diễn trẻ, tác giả trẻ được đào tạo bài bản từ ngôi trường nghệ thuật. Một trong những yếu tố làm lên thành công về mặt nghệ thuật trình diễn trong liên hoan lần này là nghệ thuật đạo diễn. Hội đồng nhận thấy có hai dòng chủ lưu của công tác đạo diễn là: Đạo diễn theo phong cách tạo hình, hoành tráng với khuynh hướng đập vào thị giác (cách dàn dựng của đạo diễn sân khấu như NSND Lê Hùng, NSND Trung Hiếu, Lê Quý Dương, NSND Trần Ngọc Giàu … và một dòng khác theo phong cách tả thực tâm lý, chú trọng khắc họa nội tâm như NSƯT Đỗ Kỷ, NSƯT Minh Hiếu, NSƯT Sĩ Tiến...

Âm nhạc là một thành phần không thể thiếu trong tác phẩm trình diễn kịch nói – âm nhạc xuất hiện khi tiếng nói không lên tiếng được, không tả nổi được – trên sân khấu có nhiều khoảnh khắc phải cần đến âm nhạc. Các đoàn nghệ thuật đều đánh giá vai trò của âm nhạc không thể thiếu trong vở diễn. Cần thiết có cả nhạc không lời (khí nhạc) lẫn thanh nhạc (ca khúc)" - NSND Trần Minh Ngọc nhận định.

Tình Lê

NSƯT Quang Thắng tham gia vở diễn mới của NSND Trung Hiếu

NSƯT Quang Thắng tham gia vở diễn mới của NSND Trung Hiếu

NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội dựng vở 'Làng song sinh' để chuẩn bị tham gia Liên hoan sân khấu diễn ra vào tháng 11 tới.