600 hộ dân vạn chài trên vịnh Hạ Long được bố trí định cư trong những ngôi nhà mới khang trang. Dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép chỉ sau 24h đăng kí. Đây chỉ là 2 trong số nhiều động thái quyết liệt của Quảng Ninh nhắm đích phát triển kinh tế bền vững.

Nhiều năm qua, Quảng Ninh tăng trưởng chủ yếu nhờ nguồn tài nguyên hữu hạn: đất, than và đầu tư. Tuy nhiên, tỉnh đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế để phát triển bền vững dựa trên dịch vụ, tiêu dùng, xuất khẩu, du lịch, trí tuệ và KHCN…

Trong lộ trình phát triển kinh tế bền vững này, Quảng Ninh dành nhiều nguồn lực để xây dựng chính quyền điện tử, thành lập trung tâm phục vụ hành chính công, thành lập cơ quan xúc tiến đầu tư trực thuộc UBND tỉnh hay phát triển nguồn nhân lực.

{keywords}

Những ngôi nhà của dân chài Thủy Cơ trên Vịnh Hạ Long

Đặc biệt, để giải quyết mâu thuẫn giữa bảo vệ bền vững vịnh giá trị di sản Vịnh Hạ Long với phát triển du lịch công nghiệp, tỉnh đã quyết liệt thực hiện đề án di dời, xử lý nhà bè, làng chài trên Vịnh Hạ Long. 600 hộ dân đang sinh sống trên vịnh được bố trí định cư trong những ngôi nhà xây mới tại phường Hàn Phong, TP Hạ Long. Điều đặc biệt là tỉnh đã cấp đất và nhà miễn phí cho các hộ sinh sống trên Vịnh có bè trước 2005.

Hai năm qua, Quảng Ninh cũng ghi dấu ấn đậm nét với các nhà đầu tư nước ngoài với cơ chế thông thoáng và thời gian duyệt cấp phép nhanh kỉ lục. Chẳng hạn như dự án nhà máy sợi đặt tại KCN Hải Yên của tập đoàn Texhong đã được cấp phép sau 24h kể từ khi nhà đầu tư nước ngoài nộp hồ sơ.

Trong thời gian tới, Quảng Ninh tập trung vào 3 “chân kiềng” để phát triển. Đó là hoàn thiện hạ tầng, tiếp tục cải cách hành chính tạo cơ chế thu hút đầu tư và chăm lo, phát triển, trọng dụng nhân tài.

“Tầm nhìn mà lãnh đạo tỉnh muốn hướng tới không phải không chỉ 10-20 năm mà xa hơn, dài hơi hơn , tới 50 năm về sau. Những quy hoạch, kế hoạch đã định, nhiệm kì này chưa hoàn thành thì nhiệm kì sau và sau nữa sẽ kế tục”, ông Nguyễn Văn Đọc khẳng định.

D.Minh