Chuyển đổi phương thức sau 11 năm xét tuyển
Ngày 2/10, trao đổi với VietNamNet, Trưởng Phòng Khảo thí và Công nghệ thông tin (Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam) Đỗ Quang Khôi cho biết, đơn vị vừa lấy ý kiến của 18 UBND huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh về việc chuyển đổi phương án tuyển sinh lớp 10 từ xét tuyển sang thi tuyển từ năm học 2024-2025.
“100% đơn vị chúng tôi lấy ý kiến đồng ý với phương án tuyển sinh mới này sau 11 năm tỉnh Quảng Nam sử dụng phương án xét tuyển”, ông Khôi nói. Ông cho biết thêm, trong tuần này, sở sẽ trình phương án cụ thể lên UBND tỉnh Quảng Nam để được xem xét, phê duyệt.
Theo đó, phương án mới được Sở GD-ĐT Quảng Nam đưa ra sẽ phân bổ chỉ tiêu lớp 10 cho từng trường THPT công lập.
Năm học 2024-2025, trường sẽ tuyển không quá 75% số học sinh tốt nghiệp THCS. Đến năm học 2025-2026, con số này không quá 70%.
Một điều phụ huynh và học sinh quan tâm, phương án mới thí sinh được đăng ký nguyện vọng 2 nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1.
Với nguyện vọng 1, học sinh đăng ký dự tuyển vào một trong các trường THPT trên cùng địa bàn cấp huyện. Nguyện vọng 2, học sinh được đăng ký dự tuyển vào một trường THPT bất kỳ trên địa bàn tỉnh, khác với trường THPT đã đăng ký NV1.
Theo dự thảo, 3 môn thi dự kiến là Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh (cùng đề thi, cùng thời gian thi với các môn thi chung của tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT chuyên gồm: Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh). Dự kiến kinh phí tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT không chuyên biệt trong năm học 2024-2025 với khoảng 25.000 học sinh xấp xỉ 7 tỷ đồng.
Ông Khôi thông tin, cả nước chỉ còn 8 tỉnh chọn phương thức xét tuyển vào lớp 10. Trong đó, 5-6 tỉnh có phổ điểm thi THPT thấp hơn so với cả nước. Riêng tỉnh Quảng Nam, những năm qua phổ điểm nằm ở nhóm các tỉnh top dưới.
Nhiều bất cập trong xét tuyển
Sở GD-ĐT thông tin, trước năm học 2017-2018, tỉ lệ tuyển sinh vào lớp 10 THPT là 95% học sinh tốt nghiệp THCS đối với vùng đồng bằng, 100% học sinh tốt nghiệp THCS đối với miền núi.
Từ năm học 2017-2018, thực hiện nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, trong đó có nội dung “đến năm 2020 có ít nhất 20% học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.
Theo đó, tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập từ năm học 2017-2018 đến năm học 2020-2021 được giảm dần tỉ lệ (đồng bằng là 80% học sinh tốt nghiệp THCS, miền núi là 85%) và từ năm học 2021-2022 đến năm học 2023-2024 có tỉ lệ chung cho toàn tỉnh là 80%.
Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam cho rằng, với tỉ lệ tuyển sinh như vậy, nếu tiếp tục áp dụng phương thức xét tuyển, sử dụng kết quả học tập và rèn luyện của 4 năm học THCS của học sinh làm kết quả tuyển sinh là không công bằng đối với học sinh giữa các trường THCS với nhau.
Sở này cũng nhận định, tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 THPT bằng phương thức xét tuyển theo phân tuyến đến trường THCS trong những năm qua đã bộc lộ nhiều hạn chế và tạo ra những hệ lụy không tích cực như: Vì xét tuyển dựa trên kết quả xét học bạ của 4 năm học cấp THCS nên việc đánh giá, xếp loại học sinh chưa đúng thực chất do không tránh khỏi việc giáo viên, nhà trường luôn mong muốn cho học sinh của mình có kết quả cao để được vào học lớp 10 THPT công lập.
Đối với xét tuyển theo phân tuyến tuyển sinh như hiện nay, mỗi học sinh chỉ có 1 cơ hội duy nhất vào học lớp 10 THPT công lập. Việc xét tuyển theo phân tuyến tạo nên sự mất cân đối về số lượng học sinh đăng ký xét tuyển vào lớp 10 giữa các trường THPT công lập.
“Nhiều trường phải thu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển với số lượng lớn, vượt quá khả năng tổ chức dạy học do cơ sở vật chất, phòng học, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên không đáp ứng với số lượng học sinh nhập học. Mặt khác, có nhiều trường do số học sinh được phân tuyến vào trường thấp nên xảy ra tình trạng thừa giáo viên, thừa phòng học, gây lãng phí các nguồn lực của nhà trường”, Sở GD-ĐT Quảng Nam nhận xét.
Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) Nguyễn Văn Tấn đồng ý với việc phương án tuyển sinh mới này.
Thầy Tấn cho biết, khi phương thức thi tuyển được áp dụng sẽ tạo động lực, yêu cầu học sinh phải nỗ lực học tập. Từ đây, cả học sinh và thầy cô đều phải cố gắng trong việc giảng dạy và học tập.