Tỉnh Quảng Bình có diện tích tự nhiên hơn 8.000km2; 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 6 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố. Đồng bào các dân tộc thiểu số có hơn 27.000 người, gồm hai dân tộc Bru - Vân Kiều và dân tộc Chứt (chiếm khoảng 2,8% dân số của tỉnh). Ngoài ra, ở các xã miền núi vùng cao còn có các dân tộc thiểu số, gồm: Thổ, Mường, Tày, Ê-đê, Thái, Pa Cô, Giẻ-Triêng, Cao Lan.

Thời gian qua, chính quyền các cấp đã tập trung chỉ đạo thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo, đặc biệt là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135), Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, ngày 20-7-2004, của Thủ tướng Chính phủ, “Về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn”, Nghị Quyết 30a/2008/NQ-CP, ngày 27-12-2008, của Chính phủ, “Về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo”...

Hội LHPN tỉnh thuyết giảng tại lớp truyền thông xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình

Nhằm tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số giữ vai trò đặc biệt quan trọng.

Trên cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, trong những năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các cơ quan có liên quan nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về công tác dân tộc, tôn giáo; chỉ đạo các địa phương, đơn vị, cơ quan báo chí tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân tộc, tôn giáo trong việc tập hợp, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo. Tuyên truyền, động viên đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và những chủ trương, chính sách của tỉnh; đồng thời, đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, trong nước và trên địa bàn tỉnh, nhất là tình hình dịch bệnh COVID-19, để đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, cực đoan lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, Sở Thông tin và Truyền thông tập trung hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt và triển khai kịp thời, đồng bộ các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo, như: Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết số 25-NQ/TW, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 219/QĐ-TTg, ngày 21-2-2019, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về công tác dân tộc, tôn giáo”; triển khai tuyên truyền các văn bản mới của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác dân tộc, tôn giáo, như: Quyết định số 21/2021/QĐ-UBND, ngày 23-7-2021, “Quy định vai trò, trách nhiệm của người có uy tín và phân công trách nhiệm quản lý nhà nước đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”; Quyết định số 1847/QĐ-UBND, ngày 23-6-2021, về “Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc giữa ban dân tộc với ủy ban nhân dân các huyện và các sở, ban, ngành cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”; Kế hoạch số 115/KH-UBND, ngày 22-1-2021, về “Triển khai thực hiện Đề án tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Bình kéo dài đến năm 2025”; qua đó, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; những giá trị của tôn giáo đối với đời sống xã hội, góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí trong tỉnh, đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện tăng cường thời lượng, mở các chuyên trang, chuyên mục, xây dựng nhiều tin, bài, phóng sự đấu tranh, phản bác, vạch rõ động cơ của một số đối tượng cực đoan trong tôn giáo, các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo, dịch bệnh COVID-19, tình hình lũ lụt tại miền Trung để chống phá Đảng và Nhà nước, các dự án của tỉnh, nhất là trước thềm đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đại hội XIII của Đảng. Ngoài ra, thông qua các hội nghị báo cáo viên, giao ban công tác tuyên giáo, giao ban báo chí, định hướng dư luận xã hội hằng tháng đã thường xuyên định hướng, hướng dẫn các sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, nắm bắt, phản ánh tình hình về tôn giáo.

Nhờ đó, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Bình ngày càng có ý thức và nỗ lực khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế, giảm nghèo, tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Hệ thống chính trị ở vùng dân tộc thiểu số được củng cố, kiện toàn. Đời sống mọi mặt của đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Hồng Phúc, Thu Thủy, Đàm  An