Sâm Lai Châu là loài cây đặc hữu có nguồn gen đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và thế giới. Tất cả các bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc. Hàm lượng saponin trung bình khoảng từ 13,38 - 21,34%, đặc biệt hàm lượng majonosid-R2 (RM2) trong các mẫu sâm từ 5 - 13 tuổi là từ 2,56 - 7,78% và tăng dần theo số năm tuổi. Đây là loài cây bản địa, rất phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh.

Đến nay, có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Lai Châu mạnh dạn đầu tư, gây trồng được trên 15 ha tại các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ và Tam Đường. Một số doanh nghiệp, nhà đầu tư đang quan tâm đầu tư phát triển cây sâm Lai Châu dưới tán rừng, giúp bà con vùng sâu, vùng xa, biên giới từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Cây sâm được tỉnh Lai Châu chú trọng đầu tư, phát triển trong những năm gần đây. 

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển cây sâm Lai Châu trong thời gian tới, UBND tỉnh Lai Châu  khuyến khích hình thức liên kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp với nông dân; khuyến khích tích tụ đất đai để tạo các vùng trồng cây dược liệu tập trung theo các phương thức góp đất, thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo thỏa thuận và tự nguyện giữa người có đất với người có nhu cầu sử dụng đất phù hợp với quy định của pháp luật.

Tỉnh đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất cây giống, xây dựng cơ sở chế biến gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sâm Lai Châu.

Từ ngày 11 - 13/11/2022, tại Trung tâm thương mại, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu đã diễn ra Hội chợ Sâm Lai Châu năm 2022 với chủ đề “Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa”. 

Trong khuôn khổ Hội chợ, các gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm sâm, trà, các sản phẩm OCOP và không gian kiến trúc nhà ở truyền thống của các bản du lịch cộng đồng tiêu biểu… đã thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham quan, mua sắm. 

Chương trình có chuỗi hoạt động như: không gian tổ chức các hoạt động của Hội chợ; gian hàng trung tâm giới thiệu, quảng bá sản phẩm sâm và trà; quảng bá văn hóa, dân tộc của 5 bản du lịch cộng đồng gồm bản Vàng Pheo, xã Mường So (huyện Phong Thổ), bản San Thàng, xã San Thàng (thành phố Lai Châu); bản Thẳm, xã Bản Hon và bản Sì Thâu Chải xã Hồ Thầu (huyện Tam Đườn); bản Nậm Pắt, xã Tà Mung (huyện Than Uyên).

Cùng với đó là Khu ẩm thực và 30 gian trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và quảng bá du lịch.

Đây là dịp giúp Lai Châu quảng bá, giới thiệu những tiềm năng của tỉnh, đặc biệt là thu hút đầu tư sản phẩm sâm Lai Châu, các sản phẩm OCOP và giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc thông qua các bản du lịch cộng đồng.

Một số hình ảnh các gian hàng trưng bày sản phẩm từ sâm Lai Châu và các sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh: 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng cùng đoàn công tác tham quan, nghe giới thiệu sản phẩm từ cây sâm. 

Cây giống sâm Lai Châu được bày bán, quảng bá đến du khách. 

Sâm Lai Châu có thể chế biến thành nhiều sản phẩm như thực phẩm chức năng, dược liệu...

Bên cạnh sâm Lai Châu, nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh cũng được trưng bày, thu hút đông đảo người dân đến mua sắm. 

Gian hàng trưng bày mật ong, mật ong và sâm Lai Châu kết hợp thành sản phẩm bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe. 

Cận cảnh một củ sâm Lai Châu tươi. 

Nhà đầu tư Hàn Quốc tìm hiểu các sản phẩm chế biến từ sâm Lai Châu. 

Những củ sâm nhiều năm tuổi, giá trị cao ở hội chợ. 

Không gian trưng bày văn hóa, du lịch dân tộc Giáy. 

Chương trình Hội chợ Sâm Lai Châu 2022 tạo được sự hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của người dân, nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Tất cả các bộ phận của cây sâm đều có thể dùng làm thuốc.

Vũ Sơn