Thực tiễn sau 28 năm triển khai thi hành Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, bên cạnh những kết quả đạt được cũng đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, như: Việc xác định phạm vi, ranh giới khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình quốc phòng và khu quân sự trên thực tế chưa thống nhất, khó khăn trong thực hiện, do pháp luật chưa quy định cụ thể, rõ ràng về các tiêu chí xác định và chế độ quản lý đối với từng khu vực này; một số công trình quốc phòng, lô cốt, hầm hào cũ nằm rải rác trong các khu dân cư hoặc trên các trục đường, giá trị sử dụng hạn chế do ảnh hưởng của quá trình phát triển kinh tế - xã hội (đô thị hóa, các khu công nghiệp, hạ tầng giao thông...); các khu quân sự là thao trường, bãi tập, trường bắn... công trình quốc phòng thường nằm trên vùng đồi núi, địa hình phức tạp, có nơi ranh giới chưa rõ ràng nên công tác quản lý, bảo vệ gặp nhiều khó khăn, còn xảy ra hiện tượng tranh chấp, lấn chiếm, xâm canh trái phép vào các khu vực được giao quản lý, bảo vệ.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương với Bộ Quốc phòng và các đơn vị quân đội trong xây dựng các quy hoạch, cấp phép hoạt động ở một số dự án phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến công trình quốc phòng và khu quân sự còn chưa chặt chẽ; công tác quản lý người nước ngoài cư trú, tạm trú ở một số địa phương, khu vực có công trình quốc phòng và khu quân sự chưa chặt chẽ; lực lượng quản lý, bảo vệ ở một số nơi còn mỏng, nên khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ; hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến công trình quốc phòng và khu quân sự còn xảy ra ở một số nơi, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn...

Đường 30/4 tại Lục Ngạn (Bắc Giang) - công trình kết hợp kinh tế với quốc phòng.  Ảnh Mạnh Nguyên

Những hạn chế, bất cập nêu trên đặt ra yêu cầu phải xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Pháp lệnh năm 1994 để đáp ứng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Thêm vào đó, qua các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới những năm gần đây và dự báo chiến tranh trong tương lai cho thấy, ngoài chiến tranh truyền thống còn xuất hiện các loại hình chiến tranh mới, như: Chiến tranh thông tin, không gian mạng, sử dụng vũ khí công nghệ cao; về phương thức, phạm vi không gian, thời gian, môi trường, lực lượng và thủ đoạn tác chiến trong chiến tranh cũng có nhiều thay đổi, khó dự báo, đan xen với các yếu tố phi truyền thống; đồng thời, qua các cuộc chiến tranh cũng cho thấy, bên cạnh các yếu tố về lực lượng và vũ khí trang bị tham gia chiến tranh thì các công trình quốc phòng và khu quân sự có ý nghĩa rất quan trọng trong tác chiến phòng thủ.

Thực tiễn này đặt ra yêu cầu phải quan tâm xây dựng, củng cố, hoàn thiện hệ thống công trình quốc phòng và khu quân sự theo quyết tâm, kế hoạch, phương án tác chiến đã xác định; tổ chức quản lý, bảo vệ bảo đảm chặt chẽ và cần phải điều chỉnh, bổ sung những nội dung phù hợp về công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bộ Quốc phòng đã đề xuất dự thảo Luật quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu vực quân sự gồm 6 chương, 36 điều.

Bên cạnh những quy định chung, Bộ Quốc phòng đã đề xuất những quy định cụ thể về: Quản lý công trình quốc phòng và khu quân sự; bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và chế độ chính sách, kinh phí bảo đảm trong hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quản lý nhà nước trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự…

Phạm Bằng, Nguyễn Quý, Lương Bằng