Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, miền Đông Nam Bộ là chiến trường trọng điểm, sào huyệt đầu não của bộ máy chiến tranh xâm lược và chế độ tay sai. Mỗi bước leo thang của đế quốc Mỹ làm cho cuộc chiến ngày càng mở rộng với quy mô và mức độ ác liệt hơn, gây cho lực lượng cách mạng nhiều khó khăn, tổn thất. Song, với tinh thần yêu nước, quyết giành độc lập dân tộc, thống nhất non sông, nhân dân và lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ đã cùng quân và dân cả nước lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta (trong đó có sự đóng góp to lớn của quân dân miền Đông Nam Bộ) đã đập tan toàn bộ hệ thống kìm kẹp của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Năm 1974, chính quyền Sài Gòn ngày càng suy yếu toàn diện cả về quân sự, chính trị, ngoại giao, lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Nhiều cuộc đấu tranh nổ ra đòi lật đổ chính quyền Thiệu. Kinh tế ngày càng khốn đốn vì viện trợ của Mỹ giảm mạnh, chỉ còn một nửa so với nhu cầu. Các kế hoạch bình định thất bại, chính quyền Sài Gòn cũng không thực hiện được các kế hoạch kinh tế... Trong khi đó, lực lượng cách mạng đã giành được nhiều thắng lợi to lớn trên các chiến trường. Tháng 10 năm 1974, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976. Theo tinh thần của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu hoàn chỉnh Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam.
Thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng, từ giữa năm 1974, Quân ủy - Bộ Tư lệnh Miền đã lập Kế hoạch năm 1975 với mục tiêu tạo bước ngoặt quyết định và cơ sở căn bản để giành thắng lợi trong năm 1976, đồng thời sẵn sàng chớp thời cơ nếu tình hình chuyển biến mau lẹ, giải phóng miền Nam trong năm 1975. Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ được Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền giao nhiệm vụ giải phóng những vùng rộng lớn ở hướng Bắc, Đông Bắc và Đông Nam của Miền, tạo thế liên hoàn với các căn cứ lớn và các bàn đạp vùng ven thành phố, thị xã, chia cắt Quân khu 2 và 3 của địch, nối liền vùng giải phóng miền Đông Nam Bộ với Khu 6.
Về cơ bản, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang miền Đông là tạo thế, tạo lực tại chỗ chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng giải phóng Sài Gòn. Yêu cầu cụ thể được xác định: Mở rộng vùng giải phóng, bao vây áp sát Sài Gòn, Biên Hòa, Vũng Tàu, tạo bàn đạp để khi thời cơ đến, các binh đoàn chủ lực có thể nhanh chóng tập trung lực lượng, triển khai binh khí, kỹ thuật, từ nhiều hướng tiến công giải phóng Sài Gòn, Biên Hòa, Vũng Tàu và tạo điều kiện giải phóng những vùng đất còn lại.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, Quân khu 7 thành lập sư đoàn đầu tiên - Sư đoàn 6. Quân khu Sài Gòn - Gia Định thành lập Trung đoàn Quyết Thắng (sau đổi tên là Trung đoàn Gia Định I), xây dựng thêm Đại đội 316 của Miền. Lực lượng vũ trang nội đô được củng cố lại, gồm các đội biệt động, các đại đội độc lập và lực lượng vũ trang quần chúng của Thành Đoàn, Công vận, Phụ vận, Hoa vận. Tuyên huấn... Các quân khu tăng cường cán bộ xuống đơn vị chiến đấu, bổ sung trang bị cho các trung đoàn, tiểu đoàn và lực lượng vũ trang địa phương; tổ chức quán triệt, thống nhất tư tưởng và cách đánh, huấn luyện chiến đấu hiệp đồng binh chủng, hiệp đồng giữa các cánh, các mũi và phối hợp giữa tiến công với nội dậy.
Đầu năm 1975, tình hình diễn biến hết sức mau lẹ. Các chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, Trị Thiên - Huế và Đà Nẵng giành thắng lợi giòn giã, giải phóng Tây Nguyên và các tỉnh, thành phố ven biển miền Trung và Nam Trung Bộ, đập tan các tuyến phòng thủ vững chắc của quân đội Sài Gòn. Quán triệt chủ trương thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975 của Bộ Chính trị, Trung ương Cục miền Nam đề ra nhiệm vụ khẩn cấp: Động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tập trung cao nhất mọi sức mạnh tinh thần và lực lượng của mình, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp ba mũi giáp công, ba thứ quân, ba vùng, vùng lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa, nhanh chóng đánh sụp toàn bộ quân đội và chính quyền Sài Gòn, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân với khí thế tiến công quyết liệt, thần tốc, táo bạo và quyết giành toàn thắng, giải phóng xã mình, huyện mình, tỉnh mình và toàn miền Nam.
Thực hiện quyết tâm chiến lược trên, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tư lệnh Miền và Bộ Tư lệnh Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ tiến hành các chiến dịch tiêu diệt địch ở vòng ngoài, phá âm mưu phòng thủ từ xa, phá thế co cụm và phòng ngự của địch, hình thành thế bao vây chia cắt Sài Gòn; đồng thời, hoàn thành mọi công tác chuẩn bị cho chủ lực tiến công vào sào huyệt cuối cùng của chế độ Sài Gòn.
Sư đoàn 6 phối hợp với Quân đoàn 4 tiến công tuyến phòng thu Xuân Lộc, giải phóng tỉnh Bà Rịa - Long Khánh, mở toang cánh cửa vào Biên Hòa từ hướng Đông. Lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định phối hợp với 6 trung đoàn đặc công và Lữ đoàn Đặc công - Biệt động 316 của Miền, cơ động áp sát địch ở Gò Vấp, Tân Bình, Bình Chánh, Nhà Bè, Thủ Đức và các lõm chính trị nội thành, hoàn chỉnh các phương án đánh chiếm đầu cầu và các mục tiêu quan trọng trong thành phố.
Ngày 26 tháng 4 năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức mở màn. Cùng các quân đoàn chủ lực và nhân dân Sài Gòn - Gia Định, trên các hướng, lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ đồng loạt tiến công các mục tiêu quy định. Sư đoàn 6 (trong đội hình Quân đoàn 4) đánh chiếm các mục tiêu trên Đường 1, thị xã Biên Hoà. Sư đoàn 5 (trong đội hình Đoàn 232) tiến công xuống Tân An, Thủ Thừa, chặn cắt Đường số 4. Trung đoàn Gia Định phối hợp đánh chiếm các mục tiêu Tân Sơn Nhất, Bà Quẹo, Quán Tre, xa lộ Sài Gòn và cửa sông Nhà Bè. Các đơn vị đặc công, biệt động đánh chiếm và chốt giữ các cầu (cầu Bông, cầu Sáng, cầu Rạch Chiếc...), các trục đường giao thông chính, tạo bàn đạp và dẫn đường cho các binh đoàn tiến vào nội đô Sài Gòn. Lực lượng vũ trang các quận hỗ trợ quần chúng nhân dân nổi dậy, tiêu diệt lực lượng chống cự, thành lập và bảo vệ chính quyền cách mạng.
5 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, các cánh quân đồng loạt Tổng tiến công vào Sài Gòn. 11 giờ 30 phút, cờ giải phóng bay trước tòa nhà chính của dinh Độc Lập. Ngày 1 tháng 5 năm 1975, Côn Đảo - địa phương cuối cùng của miền Đông Nam Bộ được hoàn toàn giải phóng.
Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phối hợp hiệp đồng tác chiến với các địa phương và bộ đội chủ lực của cấp trên đánh địch trên các hướng, làm cho địch bị động, phân tán lực lượng, bộc lộ sơ hở yếu kém, tạo thời cơ để bộ đội chủ lực tiến hành những đòn tiến công chiến lược, cùng quân dân cả nước làm nên thắng lợi cuối cùng, kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước. Thắng lợi này được ghi vào lịch sử như một chiến công oanh liệt của lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý.
Những bài học kinh nghiệm quý giá
Thứ nhất, cấp ủy Đảng và chỉ huy các cấp ở miền Đông Nam Bộ đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt đường lối cách mạng của Đảng vào thực tiễn chiến trường
Trong suốt cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đặc biệt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, các cấp ủy Đảng và chỉ huy các cấp ở miền Đông Nam Bộ đã vận dụng nhuần nhuyễn việc kết hợp lực lượng chủ lực với bộ đội địa phương và dân quân du kích; kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, binh vận, tạo thành thế trận chiến tranh nhân dân đánh bại các kế hoạch bình định, lập ấp chiến lược của địch; sử dụng hình thức đấu tranh thích hợp với từng địa bàn rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị. Khi đối đầu với lực lượng quân viễn chinh Mỹ và đồng minh, qua thực tế chiến trường, các lực lượng của miền Đông Nam Bộ đã hình thành cách đánh gần “bám thắt lưng Mỹ mà đánh”, đóng góp nhất định giúp Trung ương Cục, Quân ủy Miền đề ra 6 phương thức đánh Mỹ trên chiến trường. Thời kỳ địch mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương, lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ, một mặt bám trụ chiến đấu, mặt khác hiệp đồng tác chiến với lực lượng bạn làm thất bại mọi âm mưu mở rộng chiến tranh của địch, tạo điều kiện cho các lực lượng của ta nhanh chóng khôi phục và phát triển, góp phần buộc đế quốc Mỹ xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Pari.
Trong giai đoạn cuối cuộc chiến tranh, lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ thực hiện đòn tiến công “trinh sát chiến lược” Đường 14 - Phước Long, tạo thêm cơ sở thực tiễn để Bộ Chính trị bổ sung quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, cùng bộ đội chủ lực, lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ đã góp phần to lớn vào thắng lợi cuối cùng, giành lại độc lập, hòa bình cho dân tộc.
Thứ hai, sử dụng những hình thức, phương pháp tiến hành chiến tranh thích hợp, nghệ thuật quân sự đúng đắn trên cơ sở phát huy trí tuệ tập thể của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân
Trong từng giai đoạn, căn cứ vào thực tế đấu tranh, chỉ huy các cấp ở miền Đông Nam Bộ đã tập hợp, tổ chức quần chúng nhân dân thành hai lực lượng vũ trang và chính trị; lấy cơ sở chính trị làm nòng cốt để xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang. Tùy từng vùng chiến lược và tùy vào giai đoạn kháng chiến để xác định hình thức đấu tranh nào là chính. Tuy nhiên, trong đấu tranh các lực lượng luôn biết kết hợp giữa hai hình thức này.
Chính sự kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang đã hình thành nên cách đánh độc đáo “kết hợp hai chân, ba mũi giáp công” tạo thành sức mạnh tổng hợp đánh bại địch. Tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công là quá trình thực hành chiến đấu thường xuyên với sự kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng vũ trang và phong trào cách mạng của quần chúng ở miền Đông Nam Bộ. Tiến công vũ trang làm cơ sở hỗ trợ cho đấu tranh chính trị, đồng thời phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân với hình thức bao vây vận động, cô lập địch lại tạo điều kiện cho vũ trang bức hàng, bức rút đồn bốt địch. Sự kết hợp “hai chân, ba mũi” trên chiến trường miền Đông Nam Bộ là sự thể hiện của chiến tranh nhân dân, phát huy được sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân.
Cùng với đó, nhiều hình thức tác chiến đã được vận dụng linh hoạt trên chiến trường miền Đông Nam Bộ như tác chiến du kích độc lập, tập kích bằng pháo binh, đặc công, kết hợp bộ binh với đặc công, đánh bằng nội tuyến. Miền Đông Nam Bộ nổi lên với cách đánh đặc công bí mật, bất ngờ, táo bạo là nỗi kinh hoàng của kẻ thù. Những chiến thắng của lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ đã góp phần tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, phá hủy một khối lượng lớn thiết bị, phương tiện chiến tranh hiện đại của kẻ thù; chi viện và chia lửa đắc lực cho các hướng tiến công trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, tạo thế đứng vững chắc cho lực lượng vũ trang ba thứ quân phát triển, cùng quân dân cả nước đánh bại đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thứ ba, xây dựng căn cứ địa cách mạng, hậu phương vững chắc cho các lực lượng kháng chiến, tạo điều kiện thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực giành thắng lợi quyết định
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chiến khu Đ được mở rộng thành Khu A với những tuyến đường giao liên nối liền với Chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh), căn cứ Trung ương Cục miền Nam (Bắc Tây Ninh). Ngoài Chiến khu Đ, miền Đông Nam Bộ còn xây dựng căn cứ trên rừng ngập mặn (rừng Sác ở phía Nam Sài Gòn), nơi đứng chân của các chiến sĩ đặc công Đoàn 10 anh hùng. Cùng hai căn cứ địa lớn này, những căn cứ như Trà Vông, Long Nguyên, Minh Đạm, Xuyên Phước Cơ, Vườn Thơm, Bà Vụ... cùng liên kết tạo thành một hệ thống căn cứ địa rộng lớn, hiểm trở, nối liền với cực Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và nối thông với tuyến đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, bảo đảm tiếp nhận, chi viện chiến lược từ hậu phương lớn miền Bắc.
Những căn cứ địa, chiến khu cách mạng này không chỉ là nơi đứng chân của cơ quan lãnh đạo Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, các cơ quan kháng chiến của Khu và các tỉnh miền Đông Nam Bộ mà còn là nơi luyện quân, nơi sản xuất vũ khí, lương thực, đáp ứng một phần quan trọng cho nhu cầu kháng chiến. Đặc biệt, trong các giai đoạn kháng chiến, các cấp chỉ huy ở miền Đông Nam Bộ luôn xác định phải dựa vào sức mạnh của nhân dân “lấy dân làm gốc”, “căn cứ vững chắc nhất là lòng dân”. Trên cơ sở xây dựng các chi bộ bí mật trong vùng địch tạm chiếm, với những đoàn thể cách mạng kháng chiến như Mặt trận, Thanh niên, Phụ nữ... đội ngũ đảng viên, cán bộ, cơ sở cách mạng đã hình thành được những “lõm chính trị”, căn cứ bí mật có đủ bản lĩnh và tin cậy giúp cán bộ, chiến sĩ ta bám trụ, hoạt động công khai trong lòng địch. Từ những căn cứ này, hàng hóa, lương thực, những thiết bị cần thiết cho kháng chiến đều được chuyển ra an toàn, bí mật, hoặc công khai hợp pháp, huy động được sức mạnh toàn dân để đáp ứng yêu cầu kháng chiến lâu dài và giành thắng lợi cuối cùng ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Thứ tư, tăng cường huấn luyện cho cả ba thứ quân, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về lực lượng và hậu cần cho chiến dịch
Trước thực trạng các đơn vị, địa phương vẫn còn yếu về chiến thuật đánh địch trong công sự. Vì vậy, từ tháng 1 đến tháng 3 năm 1975, miền Đông Nam Bộ vừa tác chiến theo yêu cầu, vừa mở thêm hàng chục lớp huấn luyện cho cả ba thứ quân, tập trung vào chiến thuật đánh địch phòng ngự trong công sự. Các lớp huấn luyện được mở tại các địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu tăng quân địa phương trong 3 tháng đầu mùa khô. Công tác huấn luyện đã góp phần quan trọng nâng cao khả năng tác chiến của lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ, tạo ra sự chuyển biến mới trong nhận thức tư tưởng, xây dựng lòng tin vào khả năng tiêu diệt các căn cứ và đồn bốt địch của cả bộ đội chủ lực và lực lượng dân quân, du kích. Đồng thời, các trường quân sự của Miên cố gắng đẩy nhanh chương trình đào tạo, kết thúc sớm các khóa học để đảm bảo đủ cán bộ cho các cấp. Đến đầu năm 1975, miền Đông Nam Bộ đã bổ sung số lượng lớn quân số và trang bị cho các đơn vị từ chủ lực tới địa phương.
Về hậu cần, các cấp chỉ huy của Miền đã tiến hành điều tra, nghiên cứu, lên kế hoạch từ sớm ở tất cả các khu vực hoạt động trọng điểm; khắc phục khó khăn mở các đường quân sự, làm gấp cầu phà vượt qua các sông Đồng Nai, La Ngà; mở rộng các hành lang, vận chuyển được khối lượng lớn đạn dược đủ sức đánh địch lâu dài trên địa bàn rộng. Tổ chức hậu cần các quân khu, tỉnh đội, thành đội gắn liền với mạng lưới căn cứ địa. Trong từng tổ chức hậu cần khu vực đều có các lực lượng thu mua hàng hóa, sản xuất vũ khí, vận tải, kho tàng dự trữ, giao thông liên lạc. Chỉ trong thời gian ngắn, các cơ sở hậu cần khu vực đã chuẩn bị đầy đủ lượng thực, thực phẩm, thuốc men, vũ khí lấy từ nguồn chi viện của Trung ương, của Miền và từ nguồn đóng góp của nhân dân, thu mua từ vùng địch tạm chiếm, thu mua từ Campuchia... Sự chuẩn bị kỹ lưỡng về lực lượng, hậu cần, cùng các bước chuẩn bị khác về chính trị, tư tưởng và huấn luyện, tạo điều kiện thuận lợi cho toàn Miền bước vào trận cuối cùng, giành thắng lợi vang dội.
Đứng chân trên địa bàn trọng điểm, phát huy truyền thống “miền Đông gian lao mà anh dũng”, lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ đã nắm bắt thời cơ chiến lược, giữ vững tư tưởng tiến công cách mạng, khai thác ưu thế tại chỗ về mọi mặt, chủ động, sáng tạo trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975; góp sức vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, giải phóng quê hương, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
45 năm trôi qua, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã lùi xa, những bài học về tổ chức sử dụng lực lượng, về công tác giáo dục chính trị và dân vận, về bảo đảm hậu cần trong Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn có giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc. Đó là những bài học quý để quân dân miền Đông Nam Bộ nói chung, lực lượng vũ trang Quân khu 7 nói riêng vận dụng vào quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc; nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (trích trong cuốn “Chiến thắng 30-4-1975 đỉnh cao sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh” - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân năm 2020)