Vào những ngày cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh, cấp trên đưa ra phương án “đón anh em trại Davis ra khu an toàn” trước khi giải phóng Sài Gòn.

Nhưng, những “chiến binh” trại Davis đã quyết bám trụ đến cùng, dù phải hy sinh cho ngày toàn thắng.

Từ đào giếng lấy nước đến...đào hầm quyết tử chiến

Ông Trần Trung Đệ nhớ lại, trước chiến dịch giải phóng Sài Gòn cấp trên đưa ra phương án cử một tiểu đội đặc công vào đón anh em trại Davis ra khu an toàn, đề phòng địch đánh vào trại. 

“Nhưng khi đoàn họp lại, nhận định sân bay Tân Sơn Nhất được bảo vệ nghiêm ngặt, việc đưa đặc công vào trại sẽ rất nguy hiểm. Cuối cùng, đoàn thống nhất xin ở lại chiến đấu đến cùng và được cấp trên đồng ý”, lời ông Đệ.

{keywords}
Ảnh chụp lại tư liệu

Tuy nhiên, ông Đệ cho biết nhận nhiệm vụ ở lại cũng rất nguy hiểm vì anh em trong trại chỉ được trang bị súng ngắn và tiểu liên.

Nếu như trước đây, anh em đào giếng lấy nước thì từ ngày 18/4, anh em bắt đầu đào hệ thống giao thông hào bí mật, nối thông nhau với 40 căn nhà, đào 2 hầm chỉ huy dã chiến. Việc đào hầm phải được giữ bí mật, do đó anh em tận dụng các tủ sắt có sẵn để chứa đất, làm nắp hầm.

Bên dưới đào hầm, nhưng bên trên vẫn phải sinh hoạt bình thường để nghi binh. Công tác hậu cần thức ăn, nước uống cũng sẵn sàng cho cuộc chiến đấu tử thủ. Đến ngày 28/4, hệ thống công sự, giao thông hào được hoàn thiện chờ ngày địch tấn công là quyết tử.

Cũng trong tối ngày 28/4, ông Đệ nhớ lại một sự kiện khó quên trong cuộc đời hoạt động ở trại Davis.

Theo đó, vào khoảng 18h, cả trại đang ăn cơm thì nghe tiếng bom nổ cách trại 200m, đất đá rào rào rung chuyển trên mái nhà. Anh em trong trại không biết ai đánh vào sân bay, là phản chiến hay quân ta… nên tất cả chui xuống hầm tránh.

Sau này mới biết, sự kiện đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất hôm ấy là do phi công Nguyễn Thành Trung dẫn tốp máy bay của ta đánh vào.

Ngã xuống trước ngày chiến thắng

Theo ông Đệ, đêm 29/4 anh em trong trại nôn nao khi tiếng súng vang lên khắp nơi, cả bên ngoài lẫn bên trong sân bay Tân Sơn Nhất. Qua điện đài, mọi người biết các cánh quân của ta đang tiến về Sài Gòn.

{keywords}
Ảnh chụp tư liệu lại trong cuốn "Trại Đa-vít" 823 ngày đêm, do Ban liên lạc cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự Trại Đa-vít xuất bản năm 2013  

"Ai cũng nôn nao, vừa tử thủ chờ địch đánh vào nhưng cũng mong ngóng anh em giải phóng có mặt sớm để báo tin chiến thắng, nhưng…" kể đến chi tiết này, đôi mắt đầy nếp nhăn của ông Đệ đỏ hoe vì xúc động.

“Sáng 30/4, pháo rót vào sân bay cấp tập, tiếng súng chống trả phía địch yếu ớt, anh em biết giờ chiến thắng đã cận kề. Vậy mà toàn trại đau đớn khi sáng cùng ngày 2 đồng chí đã hy sinh, họ ngã xuống trước giờ phút lịch sử”, ông Đệ khóc không thành tiếng khi kể lại.

Theo ông Đệ, Tư lệnh pháo binh là người xuất hiện sớm nhất ở trại David vào thời điểm lịch sử. Vào trại, vị Tư lệnh tới gặp ngay trưởng đoàn là Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn và hỏi “anh em có ai bị thương, hy sinh không?"

“Lúc đó tôi nhớ rất rõ, Tướng Hoàng Anh Tuấn báo cáo là không ai bị thương, không ai hy sinh. Tôi chứng kiến cảnh hai vị tướng gặp nhau và anh Tuấn phải nói dối để tướng Tư lệnh pháo binh không băn khoăn khi trận chiến vẫn còn phía trước. Tôi cùng nhiều anh em lúc ấy chỉ biết rơi nước mắt, không ai thốt nên lời”, ông Đệ xúc động kể lại.

Trong cuốn “Đại thắng mùa xuân” của Đại tướng Văn Tiến Dũng có đoạn nói về trại Davis: “Trong thế trận chung to lớn ta đã hình thành bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, các đồng chí của ta ở Tân Sơn Nhất cũng có một cái thế riêng của mình, thế đứng công khai hiên ngang giữa lòng địch.

Thế đứng đó không những tiêu biểu cho cách mạng, cho đại nghĩa về mặt chính trị mà còn giúp cho Đảng hiểu được thêm lòng dân đối với sự nghiệp giải phóng và hiểu kẻ thù trước ngày chúng giãy chết. Chắc là trong những ngày đêm sôi sục này, các đồng chí mong đợi quân ta vào hơn ai hết…”. 

{keywords}
Cán bộ, chiến sĩ trại Davis được Đảng, Nhà nước ghi nhận công lao bằng danh hiệu cao quý "Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Ảnh chụp lại tư liệu

Trải qua 823 ngày đêm thực hiện nhiệm vụ đấu tranh ngoại giao quân sự giữa sào huyệt của địch. Bằng bản lĩnh kiên cường, lòng quả cảm, mưu trí, sáng tạo, khôn khéo… Các cán bộ, chiến sĩ trại Davis đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975".

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên từng viết về trại Davis: “Các đồng chí đã sống, chiến đấu và cống hiến hết mình cho ngày toàn thắng của dân tộc, xứng đáng cho mọi thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ và biết ơn…”.

Ghi nhận công lao to lớn đó, trong dịp kỷ niệm 37 năm, cán bộ, chiến sĩ trại Davis đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. 

Chuyện chưa kể về chiêu trò của địch ở 'trận chiến' trại Davis giữa Sài Gòn

Chuyện chưa kể về chiêu trò của địch ở 'trận chiến' trại Davis giữa Sài Gòn

Trải qua 823 ngày đêm thực hiện nhiệm vụ đấu tranh ngoại giao quân sự giữa sào huyệt địch, hơn 300 cán bộ, chiến sĩ trại Davis đã góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975. 

Phong Thuận