{keywords}
Các khách mời tham gia tọa đàm.

Học trên mạng phải đi liền với giải trí

Tại cuộc tọa đàm về vấn đề xây dựng hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng trong khuôn khổ hội thảo góp ý xây dựng Đề án 'Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng' giai đoạn 2020-2025, một câu hỏi được đặt ra là: Cần làm gì để xây dựng hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng ‘cái khó là trẻ em lên mạng sẽ trốn việc học để chơi nhiều hơn. Vậy làm sao để chúng ta đưa nội dung học tập vào nội dung giải trí?’

‘Tôi cho rằng người lớn ngồi tập trung được 40 phút trên mạng đã khó, vì thế nếu các bạn làm ứng dụng học tập mà vẫn tư duy cũ, bài giảng quá dài thì không hiệu quả. Trẻ sẽ chán và quay ra chơi game’.

Ông Thanh cho rằng các doanh nghiệp công nghệ muốn khai thác thị trường này nên cân nhắc việc làm ‘microlearning’ – tức là cung cấp các bài học chỉ trong thời gian 3-5 phút, tích tiểu thành đại trong thời gian dài.

Ông khẳng định, nếu chỉ làm giáo dục mà không gắn vào giải trí thì kết quả cũng lại như hàng trăm sản phẩm đang thực hiện trong các trường học mà thôi.

Ở góc độ Hội Truyền thông số, hiện tại Hội có 3 câu lạc bộ: các công ty làm game online, các nhà báo, các KOL (từ 500 nghìn ‘follower’ trở lên). Các câu lạc bộ này sẽ hỗ trợ Hội trong việc truyền thông nâng cao nhận thức của phụ huynh cũng như trẻ em.

Vấn đề thứ 2 mà ông Thanh nêu ra là ‘các doanh nghiệp đầu tư tiền vào thị trường này có được trừ thuế không? Chúng ta phải có cơ chế rõ ràng để doanh nghiệp có cơ sở chi tiền cho ngành giáo dục. Hiện nay, tôi biết các đơn vị có nhiều nguồn lực nhưng muốn chi rất khó, vì có luật ngân sách không cho chi. Đề án này có giải quyết được chuyện đó hay không?’.

Nâng cao nhận thức của phụ huynh

{keywords}
Ông Khổng Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam VNISA.

Theo quan điểm của ông Khổng Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam VNISA, hiện nay có 2 nhóm phụ huynh với 2 cách bảo vệ trẻ trên không gian mạng.

Thứ nhất là nhóm ‘phòng thủ’ một cách triệt để - tức là ngăn chặn, giám sát triệt để.

Nhóm thứ 2 là nhóm ‘phòng thủ’ một cách chủ động – tức là không ngăn chặn, không giám sát nhưng bằng công nghệ, họ có thể biết con đang đọc gì, xem gì, nói chuyện với ai… sau đó định hướng lại con nếu thấy con đi ‘chệch hướng’.

‘Tôi mong muốn cách thức ‘phòng thủ’ chủ động này ngày càng được áp dụng nhiều hơn’, ông nói.

Chia sẻ về những khó khăn khi làm nền tảng học trực tuyến cho học sinh, đại diện Tập đoàn Viettel cho rằng, bên cạnh tiềm năng lớn của thị trường này là những khó khăn khi phụ huynh và giáo viên chưa có sự đồng lòng và nhận thức đầy đủ.

‘Ví dụ như từ phía giáo viên, họ không hiểu được sản phẩm đó có tiêu cực với học sinh hay không, không biết cách đưa công cụ đến với các em… Vì nhận thức chưa thay đổi nên việc triển khai chưa được quan tâm’.

Để có được một mạng xã hội học tập trực tuyến với gần 11 triệu tài khoản đăng ký, Viettel đã phải làm rất nhiều việc. Ví dụ như doanh nghiệp phải đưa người xuống tận các trường học, dạy các thầy cô sử dụng hệ thống, đồng thời hướng dẫn nhà trường truyền tải được cho phụ huynh hiểu.

Nói về khó khăn của các doanh nghiệp làm sản phẩm công nghệ cho trẻ em, chuyên gia truyền thông Nguyễn Thanh Sơn – Giám đốc Học viện Doanh nhân MVV nêu lên thực tế: Thị trường 24 triệu người (24 triệu trẻ em) nhưng người trả tiền trực tiếp lại là bố mẹ, gián tiếp là thầy cô.

‘Vì thế, vấn đề quan trọng là muốn khai thác thị trường này thì phải xây dựng được nhận thức cho thầy cô, cha mẹ’.

Trong khi quan niệm của nhiều phụ huynh bây giờ vẫn cho rằng chơi game là một thứ bệnh, ông nêu thực tế.

Bàn về chủ đề này, ông Kiều Mạnh Tiến – Giám đốc điều hành Học viện sáng tạo công nghệ Teky cho rằng, chơi game đòi hỏi tư duy sáng tạo, là một hình thức giải trí lành mạnh nếu biết chơi điều độ.

‘Theo tôi, phụ huynh không nên cấm trẻ chơi game online, mà nên định hướng trẻ chơi đúng cách và chơi sao cho hiệu quả, điều độ’.

‘Ở Học viện, chúng tôi quan niệm mình không phải là giáo viên mà là huấn luyện viên, là người đồng hành cùng các con, không có sự áp đặt các con phải làm thế này thế kia. Chúng tôi đã biến nhiều đứa trẻ nghiện game thành những người làm ra được game đó’.

Các con cần bố mẹ lắng nghe

{keywords}
Các em học sinh được mời đến hội thảo để đóng góp ý kiến.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các em học sinh đã được mời đến để chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng khi học tập, giải trí trên môi trường mạng.

Hầu hết các em bày tỏ mong muốn được bố mẹ lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng quyền riêng tư.

Em Cao Ngọc Mộc Nguyên, học sinh lớp 11 Trường Quốc tế BVIS cho rằng mình rất may mắn khi có bố mẹ cởi mở và luôn sẵn sàng lắng nghe. Tuy nhiên, em nhận thấy nhiều bạn bè không có được may mắn ấy, khiến các bạn phải tìm tới những người không tin tưởng để chia sẻ vấn đề của mình khi tương tác trên mạng xã hội.

Nguyên chia sẻ, bản thân em cũng từng gặp rắc rối khi sử dụng mạng xã hội. ‘Lúc đó, em thấy rất suy sụp và khóa tất cả tài khoản của mình. Nhưng sau khi chia sẻ được với bố mẹ, tâm lý của em mới được giải tỏa. Em rất mong muốn các bạn khác cũng có may mắn được bố mẹ lắng nghe như mình’.

Em Nguyễn Quốc Phong – học sinh lớp 8 Trường THCS Vinschool thì đề xuất nên đưa các nội dung an toàn mạng vào truyện tranh – một thứ mà trẻ em nào cũng thích và cũng dễ tiếp cận với trẻ em vùng sâu, vùng xa.

Gợi ý về cách để phá bỏ rào cản với con cái, Trần Hà Bảo Phương, du học sinh lớp 9 tại Mỹ, cho rằng đôi khi phụ huynh hãy thử hỏi con những câu như ‘dạo này ở trên mạng có gì mới?’.

Bảo Phương không đồng tình việc phụ huynh giám sát con với mong muốn phát hiện ra những ‘khác biệt’ trong cuộc sống của con. Thay vào đó, em đề xuất các cha mẹ có thể tới những buổi chia sẻ, nói chuyện với các chuyên gia để biết thêm về dấu hiệu con đang giấu giếm hay sợ hãi điều gì, sau đó nói chuyện với con, thay vì thực hiện các biện pháp xâm phạm quyền riêng tư của con.

'Mọi giải pháp đều phải lấy trẻ em làm trung tâm'

'Mọi giải pháp đều phải lấy trẻ em làm trung tâm'

 Đó là khẳng định của đại diện UNICEF tại Việt Nam về vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Nguyễn Thảo