Nhiều bộ phim cài cắm đường lưỡi bò bị gỡ bỏ, cấm chiếu tại Việt Nam. |
Cài cắm tinh vi
Ngày 8/7, khán giả Việt phát hiện phim truyền hình Hướng gió mà đi (Flight to you) phổ biến rộng rãi tại Việt Nam xuất hiện “đường lưỡi bò” phi pháp. Trên nền tảng Netflix, cảnh phim xuất hiện một cách rõ ràng ở phút thứ 2 của tập 30 khi nhân vật đang quan sát bản đồ trên màn hình ghế máy bay, thậm chí còn có cảnh kèm lời thoại ngang ngược: “Rồi sẽ có ngày tấm bản đồ này đi đến rất nhiều nơi trên thế giới”. Sau đó, Cục Điện ảnh kiểm tra, chỉ ra hình ảnh vi phạm pháp luật Việt Nam còn diễn ra ở các tập 18, 19, 21, 24 đến 27, tập 38.
Trên nền tảng FPT Play, hình ảnh tấm bản đồ được làm mờ nhưng khán giả vẫn nhận ra đây là bản đồ có chứa “đường lưỡi bò”. Bộ phim này không chỉ được công chiếu trên nền tảng Netflix, FPT Play và một số nền tảng giải trí, website phim “lậu” trong nước. Chiều 9/7, Cục Điện ảnh ban hành văn bản yêu cầu công ty Netflix, công ty CP Viễn thông FPT gỡ bỏ phim Hướng gió mà đi.
Trước đó vài ngày, bộ phim Mỹ Barbie bị Cục Điện ảnh từ chối cấp phép phổ biến vì có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp lặp lại nhiều lần. Hội đồng duyệt phim từng nhiều lần tuýt còi bộ phim cài cắm hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp như Uncharted (Thợ săn cổ vật) có Tom Holland thủ vai. Everest: Người tuyết bé nhỏ từng khiến nhà phát hành Việt Nam nhận mức phạt 170 triệu đồng, buộc rút khỏi rạp chiếu sau hơn 1 tuần ra rạp.
Bộ phim Hướng gió mà đi bị gỡ khỏi các nền tảng chiếu phim
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, đến chiều 10/7, theo sự rà soát, kiểm tra của Cục Điện ảnh, bộ phim Hướng gió mà đi có “đường lưỡi bò” phi pháp bị gỡ bỏ trên cả hai nền tảng xem phim trực tuyến Netflix và FPT Play, ngay sau công văn của Cục Điện ảnh ban hành ngày 9/7.
Trả lời Tiền Phong, người phát ngôn của Netflix cho biết: “Vì một số chi tiết trong các tập phim bị cấm theo quy định của Chính phủ Việt Nam, Netflix đã gỡ bỏ loạt phim Hướng gió mà đi trên nền tảng tại Việt Nam”.
Năm 2021, bộ phim Em là thành trì doanh lũy của anh trong tập 15 cũng có cảnh bản đồ Trung Quốc với “đường lưỡi bò” phi pháp. Cảnh phim nằm ở phút thứ 29, bản đồ Trung Quốc hiện rõ đường chín đoạn bằng các dấu gạch trắng trong đoạn nam cảnh sát Hình Khắc Lũy (Bạch Kính Đình đóng) và nữ bác sĩ Mễ Kha (Mã Tư Thuần) gặp nhau tại khu chỉ huy.
Tháng 3/2018, phim Trung Quốc Điệp vụ biển đỏ cũng bị rút khỏi rạp Việt do tranh cãi về hai phút cuối phim. Đó là cảnh đoàn tàu chiến Trung Quốc bao vây một chiếc tàu nước ngoài và phát loa thông báo: “Chú ý, đây là hải quân Trung Quốc. Quý vị sắp tiến vào lãnh hải Trung Quốc, xin hãy đi ngay”. Hai phút phim này bị cho là hoàn toàn không ăn nhập với nội dung phim nhưng lại được gài cắm một cách vô lý.
TS. Phạm Việt Long, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) nhận định, “đường lưỡi bò” được gài cắm trong các bộ phim không chỉ đe dọa an ninh văn hóa mà còn cho thấy sự xâm phạm chủ quyền của nước ta. “Những nội dung chính trị phản động ẩn trong các tác phẩm nghệ thuật khó phát hiện, xử lý hơn, do đó, đòi hỏi sự tinh tường và khôn khéo cùng những biện pháp nghiệp vụ, công nghệ cao hơn”, TS. Phạm Việt Long nói.
Ðẩy mạnh giáo dục về chủ quyền quốc gia cho giới trẻ. |
Nâng cao nhận thức
PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, văn hoá nghệ thuật có tác động lớn tới nhận thức con người. Việc quảng bá các thông tin sai lệch thông qua các văn hóa phẩm đang làm suy giảm an ninh văn hóa. Ông cho rằng, an ninh văn hóa cũng là an ninh quốc gia, là điều luôn phải quan tâm, cảnh giác. Ông nhấn mạnh, Luật Điện ảnh đã nêu rõ những quy định liên quan phim vi phạm, bị cấm chiếu.
Các nhà quản lý cần bám sát các quy phạm pháp luật để đưa ra hình thức xử phạt. “Việc này thuộc thẩm quyền của Bộ VHTTDL, Bộ sẽ có các văn bản gửi đến các nhà cung cấp dịch vụ, các tổ chức cung cấp phim để có hình thức thu hồi các phim vi phạm”, PGS. TS Bùi Hoài Sơn nêu. Ông đề xuất xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để “làm gương” cho những trường hợp vi phạm khác.
Để ngăn chặn sản phẩm có hình “đường lưỡi bò” (và các hiện tượng vi phạm khác), TS. Phạm Việt Long cho rằng, trước hết cần có biện pháp tuyên truyền, giáo dục để những người làm nghệ thuật hoặc kinh doanh trên lĩnh vực nghệ thuật có ý thức về chủ quyền quốc gia. Họ phải hiểu rõ những biểu hiện của vi phạm chủ quyền để có biện pháp ngăn chặn phù hợp. “Những vi phạm cần được phát hiện và ngăn chặn từ sớm, trước khi tiếp cận với công chúng. Ngoài ra, công tác an ninh nói chung và an ninh văn hóa nói riêng phải được thực hiện chặt chẽ, nghiêm cẩn. Các cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam cần làm việc với các chủ mạng xã hội để ngăn chặn hoặc gỡ bỏ các sản phẩm nghệ thuật, thông tin có nội dung vi phạm chủ quyền Việt Nam”, TS. Phạm Việt Long nêu.
Trong bối cảnh hội nhập, văn hóa phẩm phong phú đến từ nhiều nguồn khác nhau khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh việc giáo dục về chủ quyền quốc gia, sự nhạy cảm chính trị đến giới trẻ - lực lượng lớn sử dụng Internet, mạng xã hội. TS. Phạm Việt Long nhận định, một bộ phận người trẻ chưa được giáo dục chu đáo về chủ quyền quốc gia, nên trong hành động chưa có sự nhạy cảm về bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ông nhấn mạnh vai trò của giáo dục về tình yêu Tổ quốc, trách nhiệm công dân với thế hệ trẻ. “Trang bị cho lớp trẻ nhận thức đầy đủ và sâu sắc về chủ quyền đất nước, tự khắc họ sẽ biết loại trừ những sản phẩm nghệ thuật vi phạm”, ông Long nói.
(Theo Tiền Phong)