Trước thềm Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, phi công, cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn Không quân 918 (Quân chủng Phòng không - Không quân) đang tích cực vận chuyển người, khí tài, trang thiết bị đến Điện Biên.
Trên những chuyến bay đặc biệt ấy, có Thượng tá, phi công Đinh Chu Khiêm- Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn Không quân 918. Anh là người dân tộc Tày, mỗi chuyến bay đi Điện Biên, người con của mảnh đất Đông Bắc lại trào dâng cảm xúc.
Năm 1996, khi vừa tròn 18 tuổi, Đinh Chu Khiêm từ Cao Bằng về thành phố Hà Nội để ôn thi đại học. Vào thời điểm đó, như bao chàng trai khác, anh luôn có ước mơ khám phá, chinh phục bầu trời nên đã đăng ký tham gia khám tuyển phi công.
“Mới từ tỉnh Cao Bằng về Thủ đô để ôn thi đại học, bản thân tôi cũng không mường tượng được hết là làm phi công sẽ cần những điều kiện, tiêu chuẩn nào?
Nên tôi chỉ nghĩ là đi đăng ký tham gia khám để thử thôi, nhưng may mắn lại đủ điều kiện trúng tuyển. Vậy là tôi bén duyên làm phi công từ đó”, Thượng tá Đinh Chu Khiêm kể.
Thượng tá Đinh Chu Khiêm (đứng thứ 2) cùng tổ bay tiếp thu máy bay Casa C295.
Phi công Đinh Chu Khiêm kiểm tra tỉ mỉ trước khi cất cánh.
Dù 28 năm đã trôi qua, nhưng Thượng tá Khiêm vẫn nhớ như in hình ảnh ngày đầu nhập ngũ và trúng tuyển vào Học viện Phòng không- Không quân.
“Tôi là người dân tộc Tày, vừa xa gia đình nên không thể tránh khỏi sự bỡ ngỡ, nỗi nhớ nhà, nhưng ngay từ khi nhập ngũ và trúng tuyển vào Học viện Phòng không- Không quân thì Quân chủng đã tạo điều kiện rất nhiều để tôi rèn luyện, học tập từng ngày để tiếp tục thi đỗ vào trường Sĩ quan Không quân”, Thượng tá Khiêm nhớ lại.
Mọi bỡ ngỡ và nỗi nhớ gia đình cũng dần qua khi chàng trai Đinh Chu Khiêm được các thầy kèm cặp, chỉ dạy tận tình.
“Tôi không thể nào quên được chuyến bay đầu tiên khi được thầy giáo đưa lên bầu trời, ngồi trong buồng lái điều khiển máy bay. Tôi rất hồi hộp. Các thầy đã uốn nắn, chỉ cho tôi từng bước để tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ đầu tiên đó.”, Thượng tá Khiêm chia sẻ.
Đến nay, Thượng tá, phi công Đinh Chu Khiêm đã có hàng nghìn giờ bay an toàn trên các loại máy bay vận tải cỡ lớn như: An- 26, Casa C295…
“Tôi đã từng bay đi Trường Sa, khi hạ cánh xuống sân bay, thấy quân và dân trên đảo ra chào, vẫy tay tôi rất xúc động. Còn khi bay đến Điện Biên, bay qua vùng trời Tây Bắc quê hương, cảm xúc trong tôi luôn là trào dâng niềm tự hào”, anh kể.
Thượng tá Đinh Chu Khiêm đã có 10 năm gắn bó với Casa C295 - loại máy bay vận tải hiện đại, lớn nhất của Không quân Việt Nam.
“Có gần 30 năm gắn bó với nghề phi công, tôi trải qua nhiều loại máy bay, khi về Lữ đoàn Không quân 918, tôi đã bay An 26, Casa C295…
Với Casa C295 - dòng máy bay vận tải cỡ lớn, hiện đại do Airbus sản xuất nên chúng tôi được cử đi học tại nước ngoài”, phi công Đinh Chu Khiêm chia sẻ.
Thượng tá Đinh Chu Khiêm đã có 10 năm gắn bó với máy bay Casa C295.
Khó khăn đầu tiên khi các phi công chinh phục máy bay vận tải chiến thuật C295 là rào cản về ngôn ngữ. Nếu như trước đây, các phi công sử dụng tiếng Nga thì bây giờ là tiếng Anh.
“Lữ đoàn đã xây dựng kế hoạch, tổ chức các lớp học tiếng Anh tại đơn vị và cử lực lượng tham gia học tập tại Học viện Hàng không. Sau khi chúng tôi thành thạo tiếng Anh thì tiếp tục đi học, tham gia huấn luyện cùng chuyên gia Tây Ban Nha để chuyển loại”, Thượng tá Khiêm cho biết.
Máy bay C295 có các thiết bị điện tử hỗ trợ nhiều cho phi công trong quá trình bay.
Theo Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn Không quân 918 Đinh Chu Khiêm, nếu như trước đây, Lữ đoàn Không quân 918 khai thác các dòng máy bay của Liên Xô sản xuất, chủ yếu dùng bằng cơ. Thì nay, máy bay mới có các thiết bị điện tử hỗ trợ nhiều cho phi công trong quá trình bay. Tuy nhiên, để hiểu và làm chủ được các thiết bị này phi công phải nắm rất vững kiến thức chuyên ngành.
Đến nay, Thượng tá, phi công Đinh Chu Khiêm không nhớ được hết đã bay bao nhiêu chuyến cùng C295 ra Bắc, vào Nam để làm nhiệm vụ. Anh luôn tâm niệm, dù đã làm chủ, gắn bó nhiều năm với máy bay C295 nhưng mỗi lần cất cánh, đều phải thận trọng, tỉ mỉ trong công tác chuẩn bị, phi công phải tuân thủ nghiêm các quy định trong quá trình thực hành bay.
Bài và ảnh: Đình Hiếu
Video: Kiều Oanh - Nguyễn Đức
Thiết kế: Trần Thị Thu Hằng