Khoảng 80% truy cập bất hợp pháp vào hệ thống máy tính được thực hiện thông qua tấn công giả mạo, trong đó tin tặc lừa người dùng mở liên kết độc hại trên email hoặc tin nhắn.
Theo Jeetu Patel, giám đốc bộ phận cộng tác và bảo mật Cisco, những công cụ AI có thể nhanh chóng tuỳ chỉnh tin nhắn, dẫn dụ nhiều người mắc bẫy của tin tặc.
“Các cuộc tấn công ngày càng trở nên cá nhân hoá”, Patel cho biết trong buổi họp báo tại San Francisco, nơi sẽ tổ chức Hội nghị bảo mật RSAC vào tuần này.
Cho đến nay, những email lừa đảo tương đối dễ phát hiện do chúng không “cá nhân hoá” từng mục tiêu. Chúng thường chứa lỗi chính tả hay các dấu hiệu rõ ràng khác. Song, với công nghệ AI, người dùng sẽ khó phát hiện âm mưu của tin tặc, làm tăng nguy cơ mạng lưới bị tấn công và hoạt động tống tiền mạng gia tăng.
Patel cho biết, giải pháp cho vấn đề này là nhanh chóng sàng lọc dữ liệu lưu lượng truy cập Internet và xác định các hình mẫu để dự báo các cuộc tấn công. Đây cũng chính là cách tiếp thị của Cisco trong quá khứ với vị thế là công ty dẫn đầu thị trường thiết bị mạng.
“Bảo mật là cuộc chơi dữ liệu. Càng có nhiều dữ liệu, chúng ta càng có khả năng phát hiện bất thường tốt hơn”, giám đốc tại Cisco nhận định.
Trong khi đó, cùng với sự bùng nổ của AI, những lo ngại về tác động của công nghệ này đối với con người ngày càng gia tăng, đánh động đến các nhà lập pháp khắp nơi trên thế giới.
Tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định ChatGPT và công nghệ AI tạo sinh là một nội dung thảo luận của Hội nghị thượng đỉnh G7 tới đây. Tại châu Âu, các nhà lập pháp kêu gọi tổ chức một hội nghị toàn cầu tìm cách kiểm soát những công nghệ mới nổi. Còn tại Mỹ, sức ép đối với quốc hội nước này nhanh chóng thông qua Dự luật điều chỉnh lĩnh vực AI cũng ngày càng lớn.
(Theo Bloomberg, Reuters)