{keywords}
Chị Lê Thị Thanh Hoa, Chuyên viên chính phòng Cấp phép thị trường của Cục Viễn thông. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Bộ TT&TT đưa ra quan điểm tắt sóng công nghệ cũ để các nhà mạng tối ưu vận hành khai thác, dành nguồn lực, tài nguyên tần số cho công nghệ mới và thúc đẩy xã hội số, kinh tế số. Là người nghiên cứu và đề xuất tắt sóng các công nghệ cũ, chị đã tìm ra phương án thuyết phục như thế nào?

Mỗi quốc gia khi tắt sóng công nghệ 2G, 3G đều có những phương pháp, mục tiêu khác nhau. Tuy nhiên, nếu một nhà mạng muốn triển khai công nghệ di động mới 5G thì duy trì vận hành quá nhiều công nghệ song song như 2G, 3G, 4G đồng thời sẽ tốn chi phí rất lớn và khai thác không hiệu quả. Vì vậy, cần tắt sóng công nghệ cũ để tối ưu hóa vận hành và dành nguồn lực, băng tần số vô tuyến điện cho công nghệ mới, đáp ứng mục tiêu phát triển của nhà mạng và quốc gia. Trên thế giới, có nước tắt sóng mạng 2G nhưng có nước lại tắt sóng mạng 3G trước. Chính các doanh nghiệp di động của Việt Nam cũng có những ý kiến khác nhau tùy theo thế mạnh, đặc điểm mạng lưới và khách hàng của mỗi nhà mạng.

Tôi phải bắt tay nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, phân tích được ưu điểm và nhược điểm của từng phương án tác động như thế nào đến người dân, doanh nghiệp và đất nước - trên cơ sở đó đề xuất phương án trình lãnh đạo Bộ TT&TT quyết định. Người dân quan tâm việc tắt sóng có ảnh hưởng đến họ không, có phải bỏ tiền ra thay máy điện thoại hay không? Nhà mạng lại chú trọng đến hiệu quả tắt sóng như thế nào để có lợi nhất. Dưới góc độ quốc gia thì tắt sóng sẽ tác động ra sao với xã hội và phải phù hợp với chiến lược phát triển chung.

Phương án tắt sóng 3G có ưu điểm là chi phí thấp hơn vì số lượng thiết bị đầu cuối hỗ trợ công nghệ cao nhất là 3G ít hơn số lượng thiết bị chỉ hỗ trợ 2G nên xét trên toàn thị trường, chi phí bù thiết bị đầu cuối khi dừng công nghệ 3G là ít hơn. Bên cạnh đó, 3G là công nghệ truyền dữ liệu chưa hoàn thiện, có tốc độ truyền dữ liệu cao hơn 2G nhưng chưa hỗ trợ các dịch vụ tương tác tốc độ cao như truyền hình, video, streaming như công nghệ 4G. Nhược điểm của phương án này là không tạo ra sự phát triển đột phá trong xã hội hướng tới mục tiêu xã hội số, kinh tế số mà Đảng và Chính phủ đang quyết tâm thúc đẩy.

Phương án tắt sóng 2G khó khăn hơn khi tác động mạnh đến xã hội và còn nhiều thuê bao đang sử dụng thiết bị đầu cuối di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G. Nếu tắt công nghệ này chi phí bù thiết bị đầu cuối cho người sử dụng sẽ lớn hơn. Nhưng nếu tắt sóng 2G sẽ thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng đã phê duyệt là phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh đến từng người dân Việt Nam. Đây sẽ là cuộc cách mạng để thúc đẩy Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số… một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn. Đây chính là điểm rất quan trọng để lựa chọn tắt sóng công nghệ cũ.

Khi 100% người dân sử dụng smartphone sẽ thúc đẩy những dịch vụ số phong phú hơn, dịch vụ dữ liệu được sử dụng nhiều hơn, nhà mạng có thêm doanh thu và cơ hội phát triển mới.

Hiện có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã làm chủ công nghệ và sản xuất được smartphone như Vingroup, Bkav, VNPT Technology… Những doanh nghiệp này đủ khả năng sản xuất ra smartphone giá rẻ và có thể cạnh tranh được với sản phẩm của Trung Quốc. Doanh nghiệp mạnh như Vingroup có năng lực sản xuất không chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Đây là bước thuận lợi để Việt Nam có thể tắt sóng công nghệ di động cũ và thúc đẩy người dân dùng smartphone. Chiến lược này cũng thúc đẩy ngược lại công nghiệp điện tử của Việt Nam khi phục vụ thị trường với quy mô gần 100 triệu dân.

{keywords}
 

Nếu tắt sóng công nghệ cũ, nhiều thuê bao đang dùng điện thoại chưa hỗ trợ công nghệ cao sẽ gây áp lực cho nhà mạng phải đưa ra phương án hỗ trợ. Vậy chúng ta làm thế nào để vẫn đạt được mục tiêu đặt ra và giảm áp lực cho nhà mạng? 

Một số nước áp dụng chính sách tắt công nghệ cũ sẽ do thị trường quyết định, nghĩa là nhà mạng có nhu cầu bỏ công nghệ cũ phải chủ động dừng chứ nhà nước không can thiệp. Nhưng một số quốc gia lại có chính sách thúc đẩy chuyển sang công nghệ mới hoặc thống nhất dừng công nghệ cũ.

Chúng tôi đã nghiên cứu và đưa ra đề nghị việc tắt sóng công nghệ cũ sẽ đi theo chiến lược phát triển quốc gia mà cụ thể là thúc đẩy quốc gia số.

Khi tắt sóng công nghệ cũ như 2G chẳng hạn phải có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi lên smartphone. Quá trình tắt sóng công nghệ di động cũ vẫn chờ tín hiệu thị trường chứ không áp đặt chủ quan. Theo tính toán và đề xuất của các nhà mạng, khi số thuê bao theo công nghệ chỉ còn khoảng 5% sẽ là thời điểm thích hợp để tắt sóng công nghệ cũ.

Tại buổi làm việc với Bộ TT&TT và các Bộ ngành liên quan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị phương án hỗ trợ và giảm giá smartphone để phổ cập cho người dân, trong đó có sự tham gia của nhà mạng, doanh nghiệp sản xuất điện thoại, doanh nghiệp phát triển ứng dụng trên điện thoại di động (apps) Việt Nam. Hiện nay các doanh nghiệp đang thực hiện thử nghiệm chương trình này.

Với những chính sách đồng bộ như thúc đẩy phát triển công nghiệp điện tử; yêu cầu các thiết bị sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G; chương trình thúc đẩy sử dụng smartphone giá rẻ sản xuất tại Việt Nam… có thể đẩy nhanh quá trình tắt sóng công nghệ cũ.

{keywords}
 

Khi nghiên cứu, đưa ra đề xuất tắt công nghệ cũ chị có cảm thấy bị áp lực không?

Trong suốt thời gian làm việc ở Cục Viễn thông, tôi đã tham gia xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nhưng đây là lần xây dựng chính sách có nhiều trăn trở và áp lực lớn nhất. Việc nghiên cứu chính sách tắt sóng công nghệ cũ có nhiều quan điểm khác nhau và tác động rất lớn đối với xã hội. Với trách nhiệm được giao, chúng tôi phải nghiên cứu để đưa ra phương án trình lãnh đạo Bộ TT&TT, đồng thời có đầy đủ lý lẽ thuyết phục được các nhà mạng. Đây là một bài toán khó.

Mỗi nhà mạng đều có sự lựa chọn khác nhau về tắt sóng công nghệ cũ và họ sẽ bảo vệ quan điểm của mình. Vì vậy, việc chuẩn bị đầy đủ số liệu, sở cứ để thuyết phục phương án đề xuất luôn đặt ra áp lực lớn cho nhóm chủ trì. Chúng tôi phải đưa ra các lý lẽ xác đáng cho việc tắt sóng công nghệ cũ bao gồm kết quả nghiên cứu, đánh giá cả trong nước và kinh nghiệm nước ngoài.

Hiện giờ, nhiều khách hàng cao tuổi vẫn có thói quen dùng điện thoại để nghe, gọi hay các phụ huynh trang bị điện thoại cho con để liên lạc thông thường chứ không muốn cho trẻ dùng smartphone… Tất cả những yếu tố đó chúng tôi đều phải cân nhắc và tìm lời giải cho phù hợp.

Theo chị yếu tố cốt yếu để tắt sóng công nghệ cũ thành công là gì?

Muốn tắt sóng công nghệ cũ thành công, tôi cho rằng vai trò truyền thông rất quan trọng, phải giúp người dân hiểu vì sao Bộ TT&TT chọn việc tắt sóng công nghệ cũ, cần thay đổi nhận thức vì mục tiêu phát triển của đất nước. Khi người dân hiểu và đồng thuận, họ sẽ thay đổi hành vi mua sắm thiết bị. Kéo theo sự thay đổi kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp mua bán thiết bị và nhà mạng di động để cùng chung tay thực hiện.

Cảm ơn chị!

Thái Khang  (Thực hiện)

Ảnh: Lê Anh Dũng

Việt Nam dẫn đầu về triển khai 2G và bài học đi thẳng vào công nghệ hiện đại

Việt Nam dẫn đầu về triển khai 2G và bài học đi thẳng vào công nghệ hiện đại

Năm 1993, dù còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đã quyết định chọn công nghệ GSM cho di động và là một trong số ít các quốc gia trên thế giới đi đầu về 2G lúc đó.