Trong thông báo đăng trên blog, OpenAI cho biết công nghệ AI mới nhất có tính “đa phương thức”, có thể sử dụng cả hình ảnh và văn bản làm đầu vào để sinh tạo nội dung. Tính năng nhập bằng văn bản có sẵn cho người dùng đăng ký dịch vụ ChatGPT Plus và các nhà phát triển phầm mềm. Trong khi đó, tính năng nhập hình ảnh chỉ ở dưới dạng xem trước (preview).
Ngày 14/3, Google thông báo nhúng AI lên một loạt sản phẩm dịch vụ của hãng, chẳng hạn như Gmail và Google Docs, có khả năng soạn thảo hầu như bất kỳ tài liệu nào. Động thái của gã khổng lồ tìm kiếm diễn ra chỉ vài ngày trước khi Microsoft dự kiến phát hành ứng dụng Word tích hợp AI - nhiều khả năng chạy trên nền tảng của OpenAI. Một giám đốc điều hành của nhà sản xuất Windows nói rằng GPT-4 đã giúp tăng sức mạnh cho công cụ tìm kiếm Bing.
Công nghệ mới nhất của OpenAI trong một số trường hợp sử dụng cho thấy sự cải tiến vượt bậc so với phiên bản trước đó, GPT-3.5. Startup này cho biết, với bài kiểm tra mô phỏng dành cho sinh viên trường luật, mô hình mới có kết quả lọt top 10% xuất sắc nhất, so với xếp hạng của mô hình cũ nằm ở nhóm 10% dưới cùng.
Mặc dù 2 phiên bản không cho thấy sự khác nhau trong trò chuyện thông thường, nhưng “điểm khác biệt xuất hiện ở một độ phức tạp nhất định”. OpenAI cũng cho hay GPT-4 “đáng tin cậy hơn, sáng tạo hơn và có thể biểu đạt nhiều sắc thái hơn”.
Trong cuộc trình diễn trực tuyến về công nghệ mới này, Greg Brockman, Chủ tịch OpenAI cho thấy AI có thể chụp 1 bức ảnh mô phỏng vẽ tay cho website, sau đó tạo ra một trang web thực sự dựa trên đó. Không chỉ vậy, GPT-4 còn được minh hoạ có thể hỗ trợ người dùng cá nhân tính toán thuế vụ.
Sam Altman, CEO OpenAI, trên Twitter đã gọi GPT-4 là mô hình “có khả năng và phù hợp nhất” với các giá trị và ý định của con người dù thừa nhận công nghệ “vẫn còn thiếu sót”.
Công ty cho biết GPT thế hệ mới đạt mức 82% không phản hồi những nội dung không được phép và đạt điểm cao hơn 40% trong một số bài kiểm tra về tính thực tế so với người tiền nhiệm. Các phản hồi không được phép, còn được gọi là “ảo giác” là một trong số thách thức với nhiều chương trình AI hiện nay.
Theo Reuters