Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế là vấn đề có ý nghĩa chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt, quyết định sự thành công của sự nghiệp đổi mới.
Tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (họp từ ngày 9/10 đến 14/10/2016, tại Thủ đô Hà Nội) đã đặt ra nhiệm vụ cho toàn hệ thống chính trị trong thời gian tới là phải tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, coi đây là nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu trong giai đoạn hiện nay.
VOV.VN có cuộc phỏng vấn ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ cơ bản và trọng yếu này.
Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng là hợp lý…
PV: Thưa ông, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII có đặt ra nhiệm vụ cơ bản và trọng yếu là phải tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Ông bình luận gì về nhiệm vụ này?
Ông Vũ Khoan (bên phải) trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV. Ảnh: Bình Minh/VOV.VN |
Ông Vũ Khoan: Thực ra, vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cũng đã được đặt ra từ lâu rồi, từ Đại hội XI, chứ không phải vấn đề mới. Nhưng vấn đề là trong 5 năm qua, chúng ta vẫn còn vướng víu với rất nhiều vấn đề trước mắt, thành ra việc thực hiện chủ trương đó chưa được suôn sẻ, chưa đem lại kết quả rõ rệt. Do đó, Hội nghị Trung ương lần này có đặt vấn đề lại và nhấn mạnh hơn nhiệm vụ này thì đó cũng là một điều hợp lý.
Vấn đề đặt ra là vì sao phải tái cấu trúc? Cấu trúc của nền kinh tế cũng giống như cấu trúc của một ngôi nhà, lâu dần, nếu nền tảng mà không vững thì nó có thể nứt, dột, sụt, lún. Nền kinh tế cũng vậy, có những nhân tố bất ổn thì nền kinh tế kém hiệu quả. Từ đó, phải thay đổi lại, đó chính là tái cấu trúc.
Câu hỏi đặt ra là ngôi nhà kinh tế của chúng ta nứt, lún chỗ nào? Tôi thấy nó lún ở mấy chỗ: Thứ nhất, nền kinh tế tăng trưởng dựa vào chiều rộng, nghĩa là đầu vào sử dụng chủ yếu là lao động rẻ, tài nguyên và đồng vốn, còn năng suất, hiệu quả thì rất thấp. Mà năng suất quyết định sự tiến bộ của nền kinh tế.
Thứ hai, nền kinh tế phát triển không bền vững, đặc biệt là phát triển đi đôi với xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường. Thực tế cho thấy vấn đề về môi trường ở nước ta là vấn đề lớn hơn rất nhiều so với tưởng tượng. Chúng ta đã không chú trọng đúng mức đến vấn đề này nên để lại những hậu quả rất nghiêm trọng.
Thứ ba, hiệu quả sử dụng đồng vốn thấp. Lẽ ra 1 đồng vốn bỏ ra có thể thu về 6 đến 7 đồng, nhưng chúng ta chỉ thu được khoảng 3 đồng. Như thế thì làm sao có thể cạnh tranh với các nước khác được, làm sao mà không tụt hậu?
Thứ tư, tôi đặc biệt nhấn mạnh, cơ cấu kinh tế của chúng ta quá nhiều bất ổn. Chúng ta chuyển dịch dần dần, chuyển dịch 3 khu vực lớn là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ thì cũng có chuyển dịch nhưng đi sâu vào mỗi lịch vực đó thì quá lạc hậu. Ví dụ, nông nghiệp chủ yếu nuôi trồng và gặt hái, sản phẩm chủ yếu bán bao, chưa chế biến, thành ra giá trị gia tăng rất thấp. Công nghiệp thì chiếm tỷ trọng cũng khá cao (khoảng 38%), nhưng tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo còn ít, chủ yếu gia công, mà công nghiệp chế biến chế tạo cũng chủ yếu của doanh nghiệp nước ngoài; dịch vụ thì cũng không có chuyển dịch gì đáng kể, những dịch vụ cao cấp ta không nắm được mà chủ yếu mới có nắm dịch vụ thấp cấp.
Còn cơ cấu về thành phần thì còn nổi lên vấn đề là thành phần kinh tế nhà nước còn chiếm tỷ trọng quá cao và hiệu quả rất thấp, doanh nghiệp nước ngoài thì chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Ví dụ, chúng ta khoe rất nhiều là tăng trưởng xuất khẩu rất nhanh nhưng doanh nghiệp FDI chiếm khoảng xấp xỉ 70%, thì đây không phải là của Việt Nam.
Thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, vừa rồi chúng ta ưu tiên tập trung vào 3 khâu: tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc ngân hàng và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Chúng ta cũng đã làm được một số việc, nhưng mà cũng còn ngổn ngang lắm, nhất là cơ cấu lại đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước.
Tất cả những câu chuyện đó đặt ra vấn đề đòi hỏi chúng ta phải cơ cấu lại nền kinh tế nếu không sẽ tụt hậu rất ghê gớm và thực chất đang tụt hậu rồi.
“Tôi chưa rõ mô hình tăng trưởng mới thế nào”
PV: Thưa ông, khi Trung ương đặt vấn đề thay đổi mô hình tăng trưởng thì nhiều người cũng băn khoăn là chưa rõ mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào?
Ông Vũ Khoan: Tôi cũng thấy vậy. Tôi theo dõi mà chưa hình dung ra được mô hình mà mình định chuyển sang nó thế nào, là mô hình gì. Ở đây có mấy câu hỏi: Mô hình gì? Làm cách nào? Ai làm? Trong đó, mô hình thì chưa rõ. Còn ai làm thì cảm giác như là nhà nước làm còn các doanh nghiệp và thị trường vẫn đứng ngoài. Và làm thế nào thì cũng chưa rõ. Cho nên, bây giờ tung ra con số cần đến gần 10 triệu tỷ đồng để tái cấu trúc kinh tế thì không biết là ta lấy đâu ra, nhất là trong điều kiện ngân sách như hiện nay. Rõ ràng, câu hỏi vẫn còn nhiều hơn câu trả lời.
PV: Như ông vừa nêu, chúng ta còn 3 câu hỏi lớn cần trả lời cho việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng là: Mô hình gì? Ai làm? Làm như thế nào? Vậy theo ông, ai là người phải trả lời những câu hỏi này?
Ông Vũ Khoan: Những câu hỏi này, dĩ nhiên là, các cơ quan của Đảng và Nhà nước phải trả lời chứ người dân làm sao trả lời được.
Chậm đổi mới vì cả khách quan và chủ quan
PV: Câu chuyện chuyển đổi mô hình tăng trưởng không phải đây là lần đầu tiên được đặt ra mà đã được đặt ra từ Đại hội XI của Đảng rồi. Vậy tại sao sau nhiều năm, nay ta lại phải đặt ra và tiếp tục nhắc phải quyết liệt thực hiện, thưa ông?
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Chậm đổi mới mô hình tăng trưởng do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan (Ảnh: Bình Minh/VOV.VN). |
Ông Vũ Khoan: Tôi thấy có thể có mấy nguyên nhân: Thứ nhất là vừa rồi chúng ta còn bộn bề những công việc trước mắt. Những hậu quả của khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 dội vào nước ta, rồi nước ta lại có những yếu kém về quản lý nên hậu quả nó cũng rất nặng, đến nay vẫn chưa giải quyết hết được. Nói là ổn định vĩ mô, nhưng mà nợ công cũng còn rất cao, ngân sách thì bội chi rất lớn, đến hôm nay vẫn là vấn đề nóng.
Thứ hai là chúng ta phải đối mặt với những nhân tố bất thường, không lường được như biến đổi khí hậu, môi trường, thiên tai… đặt chúng ta vào thế rất bị động. Rồi cả những vấn đề chính trị, an ninh, Biển Đông… có bước phát triển mới mà ta không lường trước được.
Thứ ba, gốc gác của vấn đề ở chỗ là những câu hỏi vừa đặt ra ở trên là: Chuyển đổi sang mô hình nào? Ai làm? Làm như thế nào? Tức là có lý do khách quan và cả lý do chủ quan đẩy chúng ta đến tình trạng làm chưa đến nơi đến chốn, chưa đem lại được gì để cho cảm nhận rõ rệt.
Cần chính sách cụ thể để “đột phá”
PV: Để thực hiện thay đổi mô hình tăng trưởng hiệu quả, trong các nhiệm vụ và giải pháp, Trung ương đề ra cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện 3 đột phá chiến lược về: đổi mới, hoàn thiện thể chế; phát triển giáo dục đào tạo để để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ. Vậy theo ông, 3 đột phá chiến lược này có đặt ra được cơ sở nền tảng nào cho chúng ta thực hiện hay không?
Ông Vũ Khoan: Tôi thấy đặt ra 3 đột phá đó cũng đúng, nhưng chưa đủ. Về thể chế thì chúng ta cũng đang làm, nhưng nó cũng như bài nhạc còn đang ngập ngừng, nhưng mà thôi thì cũng đang có những chuyển dịch. Giáo dục thì cũng đã có hẳn một nghị quyết về đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục rồi, còn đang làm như thế nào thì mọi người đều đang chứng kiến cả, năm nào cũng thay đổi, lúc nào cũng căng thẳng, chưa đem lại kết quả gì trực tiếp.
Cho nên, nói cần 3 đột phá chiến lược đó thì cũng đúng thôi. Nhưng theo cá nhân tôi, cái cơ bản để chuyển đổi mô hình tăng trưởng là phải thay đổi cơ cấu, trong đó khâu then chốt là khoa học công nghệ. Muốn nâng cao hiệu quả, chỉ có con đường đưa khoa học công nghệ vào và thể chế làm sao để thúc đẩy tính hiệu quả, chất lượng. Tức là những đòn bẩy kinh tế mới là quan trọng chứ không phải tiền là quan trọng.
Vậy những chính sách nào để buộc các doanh nghiệp (doanh nghiệp làm chứ không phải nhà nước làm) đi theo con đường hiệu quả, chất lượng, đưa công nghệ mới vào, đưa quản lý hiện đại vào. Những việc này đều là doanh nghiệp làm. Muốn doanh nghiệp làm thì nhà nước phải đưa ra bảng chỉ đường, hoặc những khâu then chốt để thúc đẩy người ta làm. Tôi chưa thấy điều đó. Còn tiền thì cũng quan trọng, không phải thay đổi thì không cần tiền, nhưng tiền đó do doanh nghiệp bỏ ra, còn ngân sách chỉ bỏ ra làm một số cái tập trung vào hạ tầng cơ sở, giáo dục đào tạo, phát triển khoa học (mà khoa học thì nhà nước cũng chỉ 1 phần thôi còn các doanh nghiệp, các cơ sở phải làm). Tôi vẫn chưa thấy những đòn bẩy cơ bản đó nằm ở đâu, như thế nào?
Chủ trương nhiều rồi, giờ hãy làm, làm và làm…
PV: Thưa ông, quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng không thể tách rời quá trình hội nhập quốc tế. Hội nghị Trung ương nói rằng, hội nhập kinh tế là sự nghiệp của toàn dân, không phải của riêng ai, trong đó đặc biệt đặt doanh nghiệp và đội ngũ trí thức là lực lượng đi tiên phong. Ông thấy quan điểm này thế nào?
Ông Vũ Khoan: Tôi nghĩ quan điểm này cũng đúng thôi, nhưng cần phải phân vai cho rõ ràng. Còn nói khẩu hiệu chung chung thế thì ai làm gì vẫn không rõ. Vậy các tổ chức Đảng làm gì? Các doanh nghiệp thì rõ rồi, sống chết là phải lao vào thôi. Còn bộ máy nhà nước làm gì và làm thế nào? Các đoàn thể quần chúng làm thế nào? Các hiệp hội thế nào?
Đúng là việc hội nhập này liên quan toàn dân thật, nhưng vấn đề là ai làm gì và làm thế nào thì chưa có lời đáp. Ngay như tại phường tôi đang ở đây, liên quan đến hội nhập thì Đảng ủy họ làm gì, Mặt trận làm gì, tôi hỏi, họ cũng không rõ. Chứng tỏ, hội nhập mới dừng ở cấp trung ương và ở khẩu hiệu thôi. Tức là phải phân vai ra, chỉ việc rõ ràng ra chứ nếu không thì khẩu hiệu vẫn là khẩu hiệu thôi.
PV: Rõ ràng bây giờ chúng ta cần gọi tên cụ thể, chỉ đích danh những ai gắn với nhiệm vụ gì, trách nhiệm cụ thể ra sao, thưa ông?
Ông Vũ Khoan: Vấn đề đó thì Trung ương cũng nêu rồi. Vấn đề tôi chờ đợi là làm thế nào. Còn nói thì nói mãi rồi, có phải cái gì mới đâu. Về trách nhiệm người đứng đầu cũng nói cả vạn lần rồi. Nhưng những xảy ra trong hệ thống đó, người đứng đầu có làm sao đâu.
PV: Vậy ông kỳ vọng gì?
Ông Vũ Khoan: Tôi kỳ vọng đơn giản thôi, khẩu hiệu nhiều rồi, chủ trương nhiều rồi, giờ làm, làm và làm. Làm một việc nhỏ thôi cũng được, nhưng mà làm.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Xuân Thân (thực hiện) / VOV.VN
*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt.