Ngày 9/1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 956 về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV.
Tại nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Văn Thạnh thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, đơn vị bầu cử số 1 tỉnh An Giang.
Ông Nguyễn Văn Thạnh, SN 1972 tại xã Phú Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Trước khi trở thành Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh An Giang, ông Thạnh từng làm Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Tịnh Biên; Kiểm sát viên trung cấp - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ngày 21/2/2023, VKSND Tối cao ban hành quyết định về việc đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thạnh thôi giữ chức Phó Viện trưởng VKSND tỉnh An Giang kể từ ngày 1/3/2023.
Tại kỳ họp thứ 22 từ ngày 1 và 2/11/2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và kết luận của UBKT Trung ương tại Kỳ họp thứ 20 đối với một số tổ chức đảng, đảng viên ở tỉnh An Giang.
Ông Nguyễn Văn Thạnh cũng nằm trong số các cán bộ của tỉnh An Giang bị UBKT Trung ương thi hành kỷ luật lần này với mức cảnh cáo.
Căn cứ quyết định thi hành kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ngày 18/1/2022 VKSND Tối cao đã ban hành quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh An Giang.
Đến ngày 21/2/2023, VKSND Tối cao tiếp tục ban hành quyết định về việc đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thanh thôi giữ chức Phó Viện trưởng VKSND tỉnh An Giang kể từ ngày 1/3/2023.
Trước đó, qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang trước đó, UBKT Trung ương nhận thấy tổ chức Đảng này đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; không thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để nhiều tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Đây là những vi phạm kéo dài nhiều năm nhưng chậm phát hiện, xử lý, gây hậu quả nghiêm trọng; nhiều cán bộ, đảng viên trong các cơ quan trên bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự; gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng, tiêu cực, đến uy tín của các tổ chức đảng và các ngành chức năng.