Mới đây, Công ty cổ phần Gemadept (Mã chứng khoán: GMD) đã nhận được quyết định của Cục thuế TP. HCM về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế trong thời kỳ thanh tra từ năm 2017 đến 2022.
Cơ quan thuế sẽ tiến hành truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 1,5 tỷ đồng, tiền chậm nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp 674,4 triệu đồng và phạt vi phạm hành chính hơn 1,3 tỷ đồng đối với Gemadept. Tổng số tiền mà Gemadept phải nộp là hơn 3,5 tỷ đồng.
Gemadept tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước được thành lập năm 1990 và được cổ phần hóa từ năm 1993. Đến nay, phần lớn cổ phần của doanh nghiệp đã bị phân tán để chuyển sang tay tư nhân, các cổ đông nhỏ lẻ trong và ngoài nước.
Dữ liệu cổ đông vào cuối năm 2022 cho thấy cổ đông Nhà nước đã thoái toàn bộ vốn. Cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH SSJ Consulting Vietnam (công ty con của Sumitomo - Nhật Bản) sở hữu khoảng 9,85%. Các cổ đông nhỏ lẻ trong nước nắm giữ đến 52,65% cổ phần và còn lại là cổ đông nước ngoài khác sở hữu 37,5% vốn doanh nghiệp.
Nhóm lãnh đạo doanh nghiệp (bao gồm các thành viên Hội đồng quản trị, ban Tổng giám đốc và ban Kiểm soát) chỉ nắm giữ số lượng khoảng 5,5 triệu cổ phiếu khi đó, tức vào khoảng 1,83% cổ phần. Trong đó, chủ tịch HĐQT Đỗ Văn Nhân có nhiều nhất hơn 1,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 0,5%).
Tổng số cổ đông được ghi nhận tại cuối năm ngoái là 12.179 đơn vị; trong đó bao gồm 225 tổ chức và 11.954 là cá nhân.
Kể từ sau cổ phần hóa, Gemadept đã vươn lên nhanh chóng trong lĩnh vực hàng hải tại Việt Nam, với sự hiện diện dày đặc ở các cảng biển trải dài từ Bắc vào Nam cùng nhiều trung tâm phân phối trong và ngoài nước.
Công ty tư nhân này điều hành hệ thống 7 cụm cảng lớn gồm: 3 cảng tại phía Bắc là Cảng Nam Đình Vũ, Nam Hải ICD, Cảng Nam Hải, một tại miền Trung là Cảng Dung Quất và 3 cảng tại phía Nam là Phước Long ICD, Cảng Gemalink và Cảng Bình Dương.
Đáng chú ý nhất là Cảng Gemalink với sự hợp tác cùng đối tác CMA Terminals (Pháp) đang là cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam. Công ty còn đang muốn lập liên doanh với SSA Marine (Mỹ) để hợp tác trong các dự án cảng chiến lược ở miền Nam Việt Nam, bao gồm mối quan tâm chung trong việc phát triển Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ trị giá 6,7 tỷ USD.
Đại gia này còn xây dựng mạng lưới logistics dày đặc với 22 trung tâm phân phối trên toàn quốc. Mảng kinh doanh bất động sản có dự án Khu phức hợp Saigon Gem và dự án Khu phức hợp tại Viêng Chăn – Lào. Mảng trồng rừng đang phát triển dự án trồng và chế biến cây cao su tại Campuchia.
Hoạt động kinh doanh của Gemadept cũng có những bước tiến mạnh gần đây nhờ mở rộng công suất và điều kiện vĩ mô thuận lợi. Năm ngoái, công ty ghi nhận doanh thu lần đầu tiến đến mốc 3.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế kỷ lục 1.161 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và 62% so với năm liền trước.
Báo cáo 6 tháng đầu năm nay, ông lớn logistics này chứng kiến doanh thu giảm nhẹ 3% về 1.814 tỷ đồng do thị trường hàng hải kém khởi sắc. Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận ròng lại tăng vọt 245%, lên mức 2.493 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu nhờ lợi nhuận bất thường từ việc bán vốn cảng Nam Hải Đình Vũ.
Theo báo cáo thị phần trong nửa đầu năm, Gemadept chiếm 18% sản lượng tại miền Bắc, 32% sản lượng khu vực miền Trung và 19% thị phần ở các cảng biển phía Nam.
Với việc bán cảng Nam Hải Đình Vũ gần đây, Gemadept đang duy trì nguồn lực tài chính lớn cho các kế hoạch đầu tư những siêu cảng khác. Tổng giá trị tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn trên bảng cân đối kế toán hiện đã tăng vượt mức 2.300 tỷ đồng (tăng gần 900 tỷ so với đầu năm).
Do vậy, lãnh đạo doanh nghiệp này đang lên kế hoạch đầu tư vào giai đoạn 3 của Cụm cảng Nam Đình Vũ để đưa vào khai thác trong năm 2025. Khi hoàn thiện đây sẽ là cụm cảng sông có quy mô nhất tại miền Bắc, có thể đón được các tàu feeder, tàu Nội Á lớn nhất khu vực cảng sông.
Cảng Gemalink cũng đang hoàn thiện các thủ tục liên quan, thu xếp vốn để triển khai xây dựng, sẵn sàng đưa giai đoạn 2 vào khai thác từ năm 2024-2025, qua đó nâng thêm công suất lên 3 triệu TEU/năm, vốn đầu tư 300 triệu USD.