Ông lớn bất động sản kéo thị trường đi xuống

Thị trường chứng khoán tuần qua (từ ngày 11-15/9) chịu áp lực bán mạnh. Thông tin không tích cực đến với một số doanh nghiệp bất động sản, qua đó ảnh hưởng tới nhiều mã cổ phiếu nhà đất khác.

Nhóm cổ phiếu bất động sản bắt đầu giảm sau khi CTCP Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland (NVL) do ông Bùi Thành Nhơn làm Chủ tịch công bố chậm trả hơn 1.000 tỷ đồng gốc và lãi lô trái phiếu NVLH2123011 do chưa thu xếp kịp nguồn vốn để thanh toán.

Cụ thể, Novaland mới trả được ít lãi và 10,6 tỷ dư nợ gốc trên tổng số hơn 1.000 tỷ đồng phải trả. Trước đó ngày 29/8, công ty này phải sử dụng bất động sản để trả một phần nợ gốc của lô trái phiếu NVLH2123011.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong nửa đầu năm 2023, Novaland có 9 mã trái phiếu đến ngày thanh toán tiền gốc với tổng giá trị gần 5.200 tỷ đồng và mới thanh toán hơn 200 tỷ đồng.

Cổ phiếu NVL giảm mạnh trong 2 phiên 13-14/9, với mức giảm 5-6%/phiên.

Dòng tiền chực chờ đổ vào thị trường chứng khoán lớn. (Ảnh: HH)

Cũng trong tuần, giới đầu tư chứng kiến một câu chuyện hy hữu lại tiếp diễn với đại gia bất động sản đình đám Hải Phát Invest (HPX) của Chủ tịch Đỗ Quý Hải, với 27% vốn chuyển nhượng trong một phiên hôm 14/9. Sự việc diễn ra khi cổ phiếu này sắp bị đưa vào diện bị đình chỉ giao dịch. Trước đó, 50% cổ phiếu cũng đổi chủ trong một buổi sáng hồi cuối năm ngoái.

Tuần qua, nhóm cổ phiếu bất động sản giảm mạnh. Bộ 3 cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đồng loạt giảm giá. Tính theo tuần, Vingroup (VIC) giảm 9,3% xuống 53.600 đồng/cp; Vinhomes (VHM) giảm 6,5% xuống 50.500 đồng/cp; Vincom Retail (VRE) giảm xuống 28.400 đồng/cp.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu dầu khí và chứng khoán tăng giá, qua đó chống đỡ thị trường. Giới đầu tư kỳ vọng giá dầu tăng và hệ thống giao dịch KRX do Hàn Quốc hỗ trợ sẽ giúp tăng thanh khoản trên TTCK.

Kết tuần chỉ số VN-Index điều chỉnh giảm 14,1 điểm, tương đương mức giảm 1,1% so với cuối tuần trước, xuống 1.227,36 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 1,3% xuống 252,76 điểm và chỉ số Upcom-Index giảm 1% xuống 93,8 điểm. 

Tuần qua, một yếu tố ảnh hưởng xấu tới tâm lý nhà đầu tư là tỷ giá. Đồng USD tăng mạnh và vượt lên ngưỡng 24.000 đồng/USD cùng với việc khối ngoại tiếp tục bán ròng 2.154 tỷ đồng khiến các nhà đầu tư tổ chức thận trọng.

Tuy nhiên, thông tin lãi suất huy động tiếp tục giảm cũng như kỳ vọng của nhà đầu tư vào hệ thống giao dịch KRX nâng đỡ thị trường. Nhóm nhà đầu tư cá nhân tiếp tục mua vào rất mạnh, qua đó giúp thanh khoản tăng vọt. Giao dịch bình quân 3 sàn đạt giá trị 30.306 tỷ đồng, tăng 9,5% so với tuần trước.

Thị trường tuần mới ra sao?

Thông tin được quan tâm hiện nay là cuộc họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này. Hiện, thị trường kỳ vọng Fed tạm dừng tăng lãi suất. Theo tín hiệu thị trường, xác suất Fed sẽ giữ nguyên lãi suất ở cuộc họp tháng 9 là 93%. Tuy nhiên, xác suất Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11 lên tới gần 50%.

Thực tế, áp lực tỷ giá gia tăng trong những tuần gần đây. Động thái liên tục bán ròng của khối ngoại làm giảm sự hưng phần của thị trường chứng khoán.

Áp lực tỷ giá USD/VND gia tăng từ tháng 8 khi USD trên thị trường thế giới tăng sau một nửa đầu năm ổn định. Dù vậy, đây được xem là một vấn đề không quá đáng lo ngại.

Theo Chứng khoán MBS, trong những tháng cuối năm, dự báo áp lực đối với đồng VND có thể không mạnh do thặng dư thương mại trong nước ghi nhận ở mức cao so với các năm trở lại đây.

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường Chứng khoán VNDirect, Ngân hàng Nhà nước có nhiều cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm nay. Theo đó, thặng dư thương mại của Việt Nam ở mức cao. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối ổn định. Nguồn cung ngoại tệ bổ sung từ thoái vốn cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài cũng góp phần giúp Việt Nam có thêm USD.

Việc ổn định được tỷ giá trong biên độ phù hợp sẽ giảm thiểu được tác động tiêu cực và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Mức giảm giá vừa phải của VND so với USD (<3%) sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh của xuất khẩu Việt Nam. 

Ngoài ra, VNDirect cho rằng điều này ít có khả năng khiến cho dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy mạnh ra khỏi Việt Nam.

Cũng theo ông Hinh, cuộc họp sắp tới của Fed khó gây ra sự bất ngờ và biến động lớn cho thị trường tài chính thế giới. 

Hiện, thị trường giằng co trong biên độ hẹp với vùng hỗ trợ là vùng 1.205-1.215 điểm và vùng kháng cự là vùng đỉnh cũ 1.240-1.250 điểm. 

Ở chiều tích cực hơn, dòng tiền trong nước sẽ tiếp tục đổ vào TTCK trong bối cảnh mặt bằng lãi suất hạ nhiệt nhanh. Dòng tiền chực chờ bên ngoài sẽ giúp thị trường khó giảm sâu.