Đã nhiều lần chàng trai trẻ nghĩ đến tương lai phải đi ăn mày để kiếm sống, nhưng cho đến bây giờ khi nhìn lại, anh bảo ‘ông trời không lấy hết của ai cái gì’. 

Sinh ra và lớn lên ở Thường Tín, Hà Nội trong một gia đình thuần nông có 6 anh chị em, Nguyễn Văn Chung (sinh năm 1984) được mẹ cho đi học muộn 2 năm. Năm 18 tuổi, khi cậu mới học hết cấp 2 thì trong một lần đi bơi, chân Chung bị cuốn vào chiếc máy bơm và phải cắt cụt mãi mãi.

‘Tôi bị mất phương hướng trong khoảng 6 tháng. Đôi lúc, tôi muốn buông xuôi, có lúc thì nghĩ mình sẽ phải làm gì tiếp theo. Đang khoẻ mạnh, lành lặn, bỗng dưng tôi bị đẩy vào một thế giới hoàn toàn khác. Đã nhiều lần tôi nghĩ đến chuyện sẽ phải đi ăn mày’ – Chung kể.

Suốt 6 tháng ấy, Chung chỉ nằm ở nhà khóc. Mẹ đi làm về là lại ôm ấp, động viên con trai. Rồi cậu nghĩ, mình không thể sống như thế này mãi được. Mình cứ khóc thì mẹ sẽ khóc theo và đau buồn về mình mãi. Mẹ đã khổ nhiều lắm rồi.

‘Mẹ tôi đã phải sống khổ cả một đời, từ khi còn con gái đến khi đi lấy chồng. Đẻ đến người con thứ 5, mẹ vẫn còn phải ngủ ở chuồng trâu vì tư tưởng phong kiến ở quê. Nhà có 4 anh em trai thì 3 người gặp tai nạn. Một anh trai tôi thì bị tai nạn giao thông, một anh nữa bị ngã từ trên trần xuống đất. Mỗi đứa con gặp nạn là mẹ phải chạy vạy vay mượn chữa trị cho con, mỗi lần lên đến vài chục triệu đồng – số tiền mà thời ấy có thể mua được 2-3 mảnh đất’.

‘Tôi chỉ nghĩ đến mẹ mà đứng dậy. Những khó khăn của tôi chưa là gì so với mẹ cả’.

Hơn 1 năm đầu tiên sau tai nạn, Chung học cách đi bằng tay. Ban đầu, cậu xỏ tay vào 2 chiếc dép, cứ nhấc người lên là bị ngã. Sau đó, cậu tập đi lại bằng 2 chiếc ghế cao, dùng tay để nhấc từng chiếc một, rồi cuối cùng chuyển sang di chuyển bằng 2 chiếc ghế thấp cho đến tận bây giờ.

{keywords}
Nguyễn Văn Chung, 35 tuổi đang sắp xếp lại những tấm phôi xà bông. Ảnh: Nguyễn Thảo

1 năm sau khi gặp tai nạn, Chung quyết định đăng ký vào đội tuyển bơi lội dành cho người khuyết tật. ‘Em nghĩ là mình ngã ở đâu sẽ đứng lên ở đấy. Em chọn bơi lội để lấy lại cuộc đời mình’.

Năm đó, Chung đạt 3 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Đồng các môn ném lao, đẩy tạ và bơi lội. Anh được chọn vào đội tuyển đi tập huấn tham dự Paragames.

Paragames năm đó, anh đạt 2 Huy chương Bạc môn bơi lội và được thưởng hơn 30 triệu đồng. Số tiền ngày ấy vẫn rất có giá trị, giúp anh xây lại được một căn nhà khang trang hơn cho mẹ.

Hiện tại, anh vẫn đang là vận động viên đội tuyển bơi lội người khuyết tật. Mỗi tuần từ thứ 2 đến thứ 7, anh điều khiển chiếc xe 3 bánh đi từ Đại La tới Trịnh Hoài Đức để tập bơi. Thời gian còn lại anh dành cho công việc khởi nghiệp của mình.

Anh chia sẻ, mặc dù yêu thích bơi lội nhưng anh biết sự nghiệp thể thao không thể kéo dài. Anh cần một công việc ổn định và lâu dài hơn để kiếm sống.

Cơ duyên cho anh quen một người bạn tên Đức – bây giờ đang là chủ sở hữu một hợp tác xã chuyên sản xuất các sản phẩm thảo dược từ tự nhiên. ‘Là một vận động viên bơi lội, da, tóc và răng của mình bị ảnh hưởng lớn do nước ở bể bơi. Một lần, Đức tặng tôi bánh xà bông thảo dược. Tôi dùng thấy da mềm, dễ chịu, khác hẳn với các sản phẩm trên thị trường nhưng nhược điểm của nó là ít bọt’.

‘Tôi có hỏi Đức sao không cho chất tạo bọt. Đức nói ‘em làm sản phẩm tự nhiên, nếu cho chất tạo bọt sẽ đánh mất tính tự nhiên của sản phẩm. Em thà không làm, chứ nhất định không cho chất tạo bọt’. Câu nói ấy của Đức khiến tôi nể phục và quyết theo đuổi bằng được dòng xà bông thảo dược’.

Người bạn này cũng là người dẫn dắt, truyền lại công thức nấu xà bông thảo dược cho Chung. 1-2 năm đầu, Chung gặp khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng. Sau 6 năm, qua các buổi hội chợ, đại lý, hiện tại Chung đã có một lượng khách hàng và thu nhập ổn định.

{keywords}
Một bánh xà bông do Chung sản xuất ra. Ảnh: Nguyễn Thảo
{keywords}
Thiết kế bánh xà bông xinh xắn

Hiện tại, anh chủ yếu tập trung vào thị trường trong Nam. Đại lý của anh có mặt ở các tỉnh: Đà Lạt, TP. HCM, Cần Thơ, Phú Quốc…

Mỗi bánh xà bông 100 gram của Chung được bán với giá 50 nghìn đồng. Giá thành xà bông thảo dược Sam Sôn có thể cao hơn các sản phẩm trên thị trường một chút nhưng bù lại, sản phẩm dùng được trong thời gian lâu hơn. Màu sắc và mùi vị đều được chiết xuất tự nhiên từ các loại thảo dược: sả chanh, quế, bạc hà, than tre, mật ong, trà xanh, chùm ngây, mướp đắng.

Không những có lợi cho sức khoẻ, những bánh xà bông thảo dược của Chung còn được thiết kế xinh xắn thành hình bông hoa hồng, trái tim.

Ngoài ra, anh còn sản xuất thêm dòng muối tắm cho trẻ sơ sinh với các thành phần cũng được chiết xuất từ thảo dược.

{keywords}
Các sản phẩm thảo dược khác của Chung ngoài xà bông. Ảnh: Nguyễn Thảo

‘Doanh thu hiện tại của tôi dao động ở mức 400-500 triệu/ năm. Lợi nhuận đủ để tôi có một cuộc sống ổn định và giúp đỡ mẹ một chút. Trong tương lai, tôi cũng muốn mở rộng thị trường để nhiều người biết đến sản phẩm của mình hơn’.

Đại diện Dự án Sáng tạo và Khởi nghiệp của Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp TP.HCM cho biết, thương hiệu xà bông thảo dược của Chung đã được kiểm nghiệm và kiểm tra các thành phần. Kết quả cho thấy sản phẩm rất an toàn và thân thiện với con người.

Chung nói, bây giờ anh chẳng còn tiếc nuối phần cơ thể lành lặn ngày xưa nữa. Anh chỉ tập trung vào việc sẽ phải vượt qua những khó khăn trước mắt như thế nào để sống tốt cuộc đời mình và giúp đỡ mọi người.

Cô gái xương thủy tinh vượt qua số phận, viết sách về cuộc đời mình

Cô gái xương thủy tinh vượt qua số phận, viết sách về cuộc đời mình

 16 năm nằm liệt giường, cô bé người Huế đã vượt lên số phận. Em làm hoa giấy để kiếm thu nhập và viết một cuốn sách để giãi bày lòng mình với cuộc đời. 

Nguyễn Thảo - Ngọc Trang