Jennifer Risher và chồng hiện có tài sản hàng chục triệu USD. |
Trước tuổi 35, Jennifer và chồng là David đã kiếm được hàng chục triệu USD trong ngành công nghệ. Bỗng dưng, họ gia nhập tầng lớp thượng lưu mà không hề được chuẩn bị cho việc tránh xa khỏi những cạm bẫy tiềm ẩn.
“Chúng ta vẫn nhìn sự giàu có từ góc độ rất hạn hẹp: sự hào nhoáng, xa xỉ và tham lam, nhưng chúng ta không nhìn thấy những sự thật”, Risher, 55 tuổi chia sẻ với tờ New York Post.
Cô gọi cuốn sách mới có tên “We Need To Talk: A Memoir About Wealth” của mình là sự hé lộ của người giàu về những thứ mà trước kia cô từng phải vật lộn vượt qua.
Trong một buổi giới thiệu sách, Risher nói: “Tôi định nói là ‘Tên tôi là Jennifer và tôi đang viết về việc có nhiều tiền thì khó khăn đến mức nào’. Nhưng nó có vẻ không phù hợp lắm. Thậm chí, một người phụ nữ còn nói là ‘trông bạn chẳng giống người giàu’. Tôi không nghĩ đó là một lời khen”.
Đầu những năm 1990, Risher và chồng làm việc ở Microsoft – nơi họ bắt đầu biết chơi cổ phiếu. Đến năm 1997, David rời gã khổng lồ công nghệ này để gia nhập một công ty bán sách trực tuyến được ít người biết đến có tên là Amazon trước khi nó được niêm yết trên sàn giao dịch.
“Cuốn sách này không theo thông lệ. Nó không chỉ cho bạn cách làm giàu mà đây là câu chuyện của tôi”, Risher nói.
Thời thơ ấu, cô lớn lên trong một gia đình trung lưu, trong khi chồng cô được nuôi dưỡng bởi một bà mẹ đơn thân luôn gặp khó khăn về tài chính.
Risher nói rằng những người giàu mới nổi như cô tương đối phổ biến, theo một nghiên cứu của US Trust cho thấy 77% người giàu được hỏi nói rằng họ lớn lên trong gia cảnh nghèo khó. Một nghiên cứu khác của Fidelity năm 2017 cũng cho thấy 86% người giàu là tự thân.
Risher từng có thời gian chỉ kiếm được 19.500 USD/năm khi làm việc cho một công ty quảng cáo ở Seattle. Thời điểm ấy, cô chỉ cho phép bản thân uống một ly cà phê latte mỗi tuần. Sau đó, cô lại đầu quân cho Microsoft, ban đầu là ở bộ phận nhân sự, sau đó là marketing. Sau 18 tháng làm việc ở Microsoft, cô được nhận ¼ số cổ phiếu của cô – tương đương 300.000 USD. Cùng lúc đó, công việc của David cũng thuận buồm xuôi gió.
“Ban đầu, khi David gia nhập Amazon, tôi mới sinh một con và tôi không xác định mình sẽ ở nhà làm bà nội trợ. Tôi cũng không nghĩ mình là một phụ nữ giàu có”.
Nhưng trong khi cô cố né tránh việc mình đang là người giàu thì các loại tài sản từ từ bủa vây quanh cô, bao gồm máy bay phản lực, tủ quần áo xa hoa, một ngôi nhà thứ 2 ở thung lũng Napa.
Risher và chồng đang tham gia tích cực các hoạt động thiện nguyện |
Risher – người được nuôi dưỡng bởi những người luôn có ý thức tiết kiệm - bắt đầu lo lắng về tác động của tiền bạc đối với con cái cô. Họ bắt đầu chuyển sang bay máy bay thương mại. “Khi đứa 6 tuổi hỏi rằng liệu chúng tôi có đi máy bay riêng không, hay khi đứa 4 tuổi băn khoăn rằng liệu chúng tôi có ngồi khoang hạng nhất không thì tôi tin rằng mình phải thay đổi điều gì đó”, cô viết.
Sự giàu có cũng làm phức tạp đời sống xã hội và các mối quan hệ trong gia đình của Risher cho tới khi cô học được cách cởi mở hơn.
Một người bạn của Risher đã không mời gia đình cô tới dự một buổi biểu diễn vì lo lắng rằng không thể sắp xếp cho gia đình cô hàng ghế đầu. “Điều đó đã khiến tôi ‘sốc’, và tôi cảm thấy thật kinh khủng khi cô ấy nghĩ đến việc chúng tôi giàu đến mức nào. Tình bạn ấy có giá trị hơn nhiều việc ngồi hàng ghế đầu. Cuộc trò chuyện đó cũng khiến tôi nhận thức rõ hơn việc mình có thể trở nên lạc lõng thế nào”.
Món quà trị giá 20.000 USD mà cô tặng cho anh trai hằng năm cũng mang tới những tác động tiêu cực lên mối quan hệ của họ. Cô có cảm giác rằng anh trai không đánh giá cao điều đó, nhưng về sau cô biết rằng anh ấy đơn giản là cảm thấy khó xử.
Hiện tại, Risher và chồng đang sống ở khu vực Bay Area và là những người làm từ thiện tích cực. David hiện là CEO của Worldreader – công ty chuyên cung cấp thư viện sách kỹ thuật số miễn phí cho những người sống ở các quốc gia đang phát triển. Trong khi, Jennifer cho biết cô vẫn đang làm quen với sự giàu có.
“Cho tới bây giờ, tôi vẫn lái xe đi vòng vòng quanh khu nhà để tìm chỗ đỗ xe miễn phí”, Risher chia sẻ.
Làm trợ lý cho nhà siêu giàu, 3 giờ sáng vẫn phải hỗ trợ 'thượng đế'
Insignia là dịch vụ trợ lý cá nhân dành cho giới siêu giàu, được thành lập ở châu Âu vào năm 1996. Đến năm 2019, công ty mở văn phòng ở New York với mong muốn phục vụ các khách hàng người Mỹ.
Đăng Dương (Theo New York Post)