Huỳnh Thị Kim Thư (sinh năm 2005) học trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang là một trong hai thí sinh đã xuất sắc đạt được danh hiệu Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu năm 2022 - cuộc thi do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Là tấm gương sáng trong học tập, Thư đạt được nhiều thành tích cao như học sinh giỏi toàn diện ở các năm học, Huy chương đồng kỳ thi Olympic tháng 4 mở rộng TP.HCM năm 2021 môn Ngữ Văn, giải Khuyến khích học sinh giỏi cấp tỉnh 2022 môn Ngữ Văn, giải Nhất học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ Văn 2023...

Đại sứ văn hóa đọc Huỳnh Thị Kim Thư

May mắn được ba mẹ cho tiếp xúc với sách từ rất sớm, tuổi thơ của Kim Thư được nuôi dưỡng bởi những cuốn truyện tranh, truyện cổ tích như: Anh em nhà Grimm, Truyện cổ Andersen... Khi bước vào giai đoạn tuổi dậy thì, dòng sách self - help (loại sách tự lực, hướng tới hoàn thiện bản thân) giúp Thư thay đổi tích cực về mặt tâm lý. Hiện tại, Thư cũng yêu thích sách về văn hóa, tinh thần như: Cảm xúc của Osho, Trong cái không có gì không của Thích Nhất Hạnh.

Trước đây, Kim Thư là một cô gái mang nỗi tự ti về bản thân với suy nghĩ nhất thời và thiếu chín chắn. Sau này, những cuốn sách đã giúp Thư nhìn nhận sai lầm và trưởng thành mỗi ngày.

Để việc đọc không bị dàn trải, bí quyết của Thư là phải ngẫm nghĩ và ghi chép.

Tham gia cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc, Kim Thư chọn cuốn sách Muôn kiếp nhân sinh của tác giả Nguyên Phong để giới thiệu. Bạn chia sẻ rằng: “Trong đại dịch Covid-19 có quá nhiều đau thương, mất mát xảy ra với thế giới. Tôi tham gia cuộc thi nhằm mong muốn nhiều độc giả, những người yêu sách biết đến tác phẩm này. Từ đó, giúp họ thay đổi nhân sinh quan, hành động qua từng trang sách, giống như tôi đã từng”.

Cô nữ sinh duyên dáng không chọn những hình mẫu lý tưởng để đặt mục tiêu hướng đến, mà thấy bản thân hoàn hảo nhất khi được là chính mình và càng tuyệt vời hơn nếu cố gắng, trau dồi học hỏi, phát triển bản thân thành một cá thể đặc biệt, không trộn lẫn. Chính vì điều đó châm ngôn sống của Kim Thư là: “Hãy sống là chính mình, bình thường nhưng không tầm thường” - câu nói của diễn giả Nick Vujicic mà cô rất tâm đắc.

“Bước ra từ cuộc thi lớn và giành được danh hiệu Đại sứ văn hóa đọc tiêu biểu 2022, cảm xúc của tôi lúc đấy như vỡ òa, hạnh phúc khi có rất nhiều độc giả hiểu và đón đọc quyển sách. Bởi Muôn kiếp nhân sinh là một thể loại sách văn hóa, tinh thần hiếm người chọn dự thi, độc giả cùng trang lứa cũng ít tìm đọc”, Kim Thư bộc bạch.

Sau cuộc thi, cô gái trẻ đã liên kết trao đổi với câu lạc bộ của trường, vận động, quyên góp gửi sách đến các trung tâm giáo dục thường xuyên, cô nhi viện ở ven tỉnh - nơi mà sách đôi khi là thứ quá xa lạ đối với học sinh nghèo.

Để việc đọc không bị dàn trải, sao nhãng học hành, bí quyết của Thư là phải ngẫm nghĩ và ghi chép. "Ngẫm nghĩ là khi đứng trước chủ đề mà quyển sách nêu ra, ta có quyền đồng tình hoặc không đồng tình bằng cách sử dụng tư duy phản biện, nhìn nhận theo nhiều góc cạnh. Phương pháp còn lại là ghi chép những bài học hay câu nói tâm đắc, giúp nhớ lâu về giá trị của từng cuốn sách".

Trước thực trạng một số người chêm, xen ngoại ngữ khi giao tiếp, Kim Thư cho rằng, đọc từng con chữ trên trang sách sẽ hiểu được cách giải nghĩa của tiếng Việt một cách sâu sắc, tường minh. 

“Chính vì vậy, càng đọc sách tiếng Việt dù bất cứ ở thể loại nào, mỗi chúng ta càng yêu và trân trọng nét chữ mà người xưa để lại, từ đó ý thức hơn về sử dụng lời nói, chữ viết trong cuộc sống hằng ngày”, Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu 2022 chia sẻ.

Mời các bạn xem video phần tham dự Đại sứ Văn hóa đọc 2022 của Huỳnh Thị Kim Thư:

Anh Nguyễn

Văn hoá đọc lên ngôi, cái xấu bị lùi lạiNhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, chỉ nhờ đọc sách mà ông trở thành ông của hiện tại, chính vì thế, sách rất quan trọng, khi văn hoá đọc lên ngôi, cái xấu dần được đẩy lùi.