Cuốn tiểu thuyết đưa độc giả vào bối cảnh của trường thi triều Mạc, nơi mà những bài học lịch sử, những người thầy tài năng và không khí của khoa thi đã tạo nên không gian đặc biệt sống động. Tác phẩm đề cập đến sự đóng góp bền bỉ của Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo trong những năm tháng dưới thời vua Mạc Mậu Hợp. Hành trình của ông là một câu chuyện đầy ý nghĩa về lòng trung thành và tình bạn tri kỷ.
Tác phẩm không chỉ là một câu chuyện về quá khứ còn là một thông điệp sâu sắc về ý nghĩa của trí tuệ, sự đóng góp của những bậc hiền tài và tình tri kỷ hiếm có. Nó đề cao giá trị của kỷ niệm và học thức, đồng thời khơi gợi suy ngẫm về hiện tại và tương lai. Lục Hường đã tạo ra một tác phẩm mang tính nhân văn và tri thức sâu sắc, để lại dấu ấn trong lòng độc giả và làm sống lại những giai thoại về quá khứ.
- Tiểu thuyết mới về Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo với độ dài hơn 500 trang, hẳn bạn đã đặt ra một kế hoạch cụ thể để hoàn thành dự án?
Ngay khi hoàn thành và công bố cuốn tiểu thuyết đầu tiên liên quan tới hành trình của Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo tôi đã bắt đầu tìm hiểu thêm về những đóng góp của triều Mạc và 22 khoa thi được Triều Mạc tổ chức suốt thời gian trị vì. Tôi ấn tượng vì một triều đại nếu tính thời gian tồn tại ở Thăng Long chỉ có 5 đời Vua và 62 năm nhưng đã liên tục tổ chức các khoa thi để tìm người tài xây dựng đất nước. Điều này thôi thúc tôi chuẩn bị cho cuốn Tri kỷ vượt thời gian với bối cảnh là trường thi triều Mạc, tuy không cụ thể khoa thi nào nhưng trong đó có những bài học, có những người thầy và có không khí của những khoa thi. Tiểu thuyết này được tôi chuẩn bị ngay sau khi cuốn Nguyên khí ngàn đời hoàn thành.
-Trước khi viết cuốn tiểu thuyết, bạn đã nghiên cứu về Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo như thế nào?
Từ khi viết Nguyên khí ngàn đời, những tư liệu về Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo được công bố rất quý giá với tôi. Tài liệu từ Viện Hán Nôm với bản dịch bia cổ, tài liệu về sáu chữ vàng “Dực vận khai bình đại liêu” được vua ban và một số thông tin liên quan. Năm 2022, tỉnh Hải Dương cũng quyết định đặt tên phố Phạm Thọ Khảo ở Thành phố Hải Dương. Tài liệu không nhiều nhưng đủ để thế hệ sau hiểu về trí tuệ, sự đóng góp bền bỉ của Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo suốt những năm tháng cống hiến dưới triều vua Mạc Mậu Hợp. Hành trình của ông đầy ý nghĩa với lòng trung thành và với những người tri kỷ luôn đồng hành.
- Những điểm mới được đề cập trong cuốn sách, bạn có thể tiết lộ?
Quá khứ luôn có những ký ức mà mỗi khi chạm vào sẽ có thật nhiều câu chuyện ý nghĩa được mở ra. Từ Nguyên khí ngàn đời với bức tranh về triều Mạc cùng trách nhiệm, sự hy sinh, sự trung thành và nhiều lời giải đáp cho câu hỏi trong lịch sử, đã có nhiều mối quan hệ, nhiều câu chuyện. Giống như một vị tướng khi thành công là có biết bao con người đồng cam cộng khổ, có thể không bao giờ nhắc được hết tên họ, nhưng mỗi hành trình sẽ có dấu ấn riêng.
Tri kỷ vượt thời gian nói về sự gắn kết của một người là tri kỷ với Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo, cùng tới Thành Thăng Long để ôn thi, cùng thi và đỗ đạt. Đó là Đỗ đại nhân, người cùng làm quan dưới triều Mạc, có ảnh hưởng tới rất nhiều đóng góp của Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo. Cuốn sách này là hành trình tri ân, là sự tìm về với tình bạn, là tiếng nói của những ký ức không bao giờ phai mờ dù lịch sử có phủ lớp bụi dày đến mức nào. Tôi đã tìm được nhiều bài học cho chính mình khi viết Tri kỷ vượt thời gian.
-Trong quá trình viết, bạn đã gặp phải những khó khăn gì và làm thế nào để vượt qua?
Khó khăn lớn nhất chính là làm sao kể lại đúng, đủ sự gắn bó và hành trình gắn kết của hai trí tuệ tuyệt vời. Hai con người thấu hiểu nhau dù không cần nói ra, họ sẵn sàng hy sinh cả mạng sống cho nhau, hai con người chỉ đau đáu cống hiến cho phát triển và giữ cội nguồn. Với rất nhiều ký ức, rất nhiều tình tiết, cả quá khứ, hiện tại và hướng tới tương lai nên tôi phải tiết chế thì số lượng trang mới dừng ở con số 532. Nếu không hơn 1000 trang cũng chưa đủ để nói hết về tình bạn keo sơn của hai bậc hiền tài.
- Cuốn tiểu thuyết có những yếu tố lịch sử chi tiết và phức tạp. Bạn có đảm bảo tính chính xác trong tác phẩm?
Tôi chỉ dùng bối cảnh chứ không sử dụng mốc thời gian lịch sử. Đây là những gì diễn ra từ thời vua Mạc Phúc Nguyên tới thời vua Mạc Mậu Hợp gồm những điều được chính sử ghi chép nên tôi tuyệt đối chắc chắn về kết cấu và cách thể hiện đã lựa chọn. Đó là hai dòng thời gian độc lập nhưng gắn kết quá khứ và hiện tại của Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo cùng Đỗ Đại nhân, đan xen là sự di chuyển ngược về quá khứ tiến tới tương lai để thực hiện nhiệm vụ lớn lao liên quan tới nguồn cội, liên quan đến chữ cổ, đến câu chuyện nhiều năm qua chúng ta vẫn ngược dòng thời gian để kiếm tìm.
-Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo là một nhân vật có vai trò quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Bạn có ý định truyền đạt điều gì thông qua việc tạo ra hình ảnh và câu chuyện về ông trong cuốn tiểu thuyết của mình?
Tri kỷ vượt thời gian kể về trường thi triều Mạc cùng những bài học lớn, bài học cho những người chuẩn bị tâm thế bước vào quan trường, bài học cho những người làm quan, bài học giản dị cho mọi người, tất cả được xây dựng trên một trục là sự biết ơn. Hành trình biết ơn ở đây không phải là sự sáo rỗng, đây là những hành động, và khởi đầu chính là sự biết ơn với triều Mạc, một triều đại đã mở ra nhiều cơ hội, nuôi dưỡng nhân tài. Triều Mạc cũng là triều đại có những người thầy tuyệt vời, tôn trọng quá khứ, gìn giữ giá trị cốt lõi về văn hóa cho dân tộc.
Cuốn tiểu thuyết còn gửi thông điệp về sự gắn bó, thấu hiểu, hy sinh mà khó có một tình bạn nào có thể vượt qua. Thông điệp nằm trong từng con chữ, ẩn dưới từng lớp nghĩa và chắc chắn ai đọc, ai hiểu, ai tìm kiếm sẽ nhận được câu trả lời mà mình vẫn đi tìm.
- Trong quá trình viết, liệu bạn có những phát hiện mới nào về Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo hoặc về thời kỳ lịch sử mà bạn muốn chia sẻ với độc giả?
Có nhiều điều mới mẻ tôi cảm nhận được ở hành trình của Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo và Đỗ đại nhân đó là sự đồng hành của trí tuệ, sự rèn luyện bền bỉ theo thời gian và kiên định với chính mục tiêu của mình: trung thành với triều Mạc, hướng tới nguồn cội chung và thực hiện những sứ mệnh một cách kiên định.
Tri kỷ vượt thời gian mong muốn vẽ lại một bức tranh về trường thi, chốn quan trường dưới triều Mạc. Dù có cái xấu, cái tốt nhưng trên tất cả, sự bình dị, trí tuệ, khoan dung và bình an luôn là nền tảng có được trong môi trường đặt con người lên cao nhất, để có được lớp lớp sĩ tử tâm - tài toàn diện cống hiến cho dân tộc.
-Là một tác giả, bạn có đặt mục tiêu gì cho bản thân qua cuốn tiểu thuyết này?
Tôi xin nhắc lại lời tựa trong Tri kỷ vượt thời gian để trả lời câu hỏi này. Một lần nữa tôi may mắn được làm nhiệm vụ chuyển thư từ quá khứ, một lá thư đặc biệt mà địa chỉ gửi là giới hạn. Bởi cuốn sách dành cho những ai thật sự mong muốn tìm về nguồn cội, những người sẽ góp phần giữ nguyên khí ngàn đời. Tôi mong muốn cuốn sách sẽ đến được đúng địa chỉ, là sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai cùng những thông điệp được gửi gắm từ lịch sử qua các bậc tiền nhân đến với chúng ta.
Sao Khuê
Ảnh: NVCC